Báo động xu hướng “thích... ngồi máy lạnh”

10/09/2009 11:52 GMT+7

Đầu tháng 10, các trường cao đẳng nghề và trung cấp nghề trong cả nước sẽ chính thức khai giảng năm học mới. Điều đáng nói là ngày khai giảng đã gần kề nhưng số lượng học viên của các trường vẫn thưa thớt.

Không tuyển đủ chỉ tiêu

Chuẩn bị công tác tuyển sinh cho năm học mới, ngay từ học kỳ 2 năm học 2008-2009, Trường Trung cấp nghề (TCN) Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương đến từng trường THPT để giới thiệu ngành nghề đào tạo của trường với học sinh. Mỗi khoa đều giới thiệu mô hình đào tạo, trang thiết bị mới, chương trình đào tạo... Thế nhưng, kết quả vẫn không như mong muốn: Đến nay, số hồ sơ trường nhận được chỉ hơn 50% trong tổng số 800 chỉ tiêu tuyển sinh. Ông Trần Văn Hải, Hiệu trưởng Trường Hùng Vương, cho biết: “Không chỉ tăng cường tuyển sinh, chúng tôi còn đầu tư xây dựng 2 phòng thực hành điện tử, trang bị màn hình LCD cho khoa công nghệ thông tin... Thế nhưng tình hình thật đáng buồn. Tôi không hiểu học sinh đi đâu, về đâu!”.

Không chỉ tại Trường Hùng Vương, các trường TCN khác như Củ Chi, Quang Trung, Nhân Đạo, Thủ Đức..., tình hình tuyển sinh cũng gặp khó khăn. Ông Nguyễn Phan Hòa, Hiệu trưởng Trường TCN Nhân Đạo, cho biết số lượng tuyển sinh của trường chưa đến 400 học viên, trong khi chỉ tiêu tuyển 800 học viên cho các ngành nghề. Đáng lưu ý, hầu hết hồ sơ là của học sinh lớp 9, chẳng thấy hồ sơ nào của học sinh lớp 12.

Nguy cơ thiếu hụt lao động kỹ thuật

Ghi nhận tại các trường nghề còn cho thấy năm nay, ngoài việc thiếu hụt học viên, sự mất cân đối giữa các ngành nghề đào tạo diễn ra khá rõ. Những ngành mũi nhọn đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển, có cơ hội việc làm cao như điện, điện lạnh, điện tử công nghiệp, cơ điện tử, cơ khí chính xác... lại thiếu học viên. Trái lại, các ngành kế toán doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp lại có số học viên đăng ký cao nhất.

Tại Trường Cao đẳng nghề TPHCM, trong tổng số 1.300 học viên đăng ký theo học thì kế toán và quản trị doanh nghiệp chiếm 50%. Riêng các ngành kỹ thuật như điện công nghiệp, điện tử, cơ khí chính xác...chỉ có vài chục học viên đăng ký. Còn tại Trường Nhân Đạo, các ngành kế toán, công nghệ thông tin cũng thu hút hơn 50% học viên đăng ký trong khi các ngành điện, điện tử không đủ học viên cho một lớp. Một cán bộ phòng đào tạo của trường cho biết cứ đà này sẽ không đủ học viên để khai giảng các lớp kỹ thuật. Nếu khi không đủ số lượng, trường sẽ đề nghị các em chuyển sang học các ngành nghề khác.

Ông Nguyễn Trần Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề TPHCM, lo lắng: “Nếu như học viên chỉ thích làm việc văn phòng, ngồi máy lạnh thì trong vài năm tới tình trạng thiếu hụt đội ngũ lao động kỹ thuật là không tránh khỏi. Chưa hết, trong tương lai sẽ xảy ra tình trạng thừa kế toán viên, nhà quản lý. Điều này càng ảnh hưởng đến quá trình tìm việc của sinh viên sau này”.

Định hướng nghề nghiệp cho học viên

Lãnh đạo Trường Cao đẳng nghề TPHCM cho biết ngày 15-9, trong buổi gặp gỡ đầu năm với học viên, trường sẽ tổ chức buổi định hướng nghề nghiệp cho học viên. Học viên sẽ được đưa xuống từng xưởng thực hành để giới thiệu các ngành nghề kỹ thuật, từ đó động viên các em chuyển sang những ngành nghề xã hội đang cần. Vào tháng 10, trường tổ chức ngày hội việc làm dành cho học viên. Từ ngày hội này, học viên sẽ thấy rõ cơ hội việc làm cũng như những ngành nghề nào thu hút lao động trong tương lai để từ đó có cái nhìn đúng hơn về nghề nghiệp.

Nguyễn Huỳnh / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.