Bàn về xếp hạng quốc tế các trường đại học Việt Nam qua công bố quốc tế

Trong năm 2018, các đơn vị nghiên cứu và giáo dục tại Việt Nam đã công bố tổng cộng 6.707 công trình trên các tạp chí ISI (dữ liệu Web of Science - WoS).

Số lượng công bố quốc tế của Việt Nam

Đến đầu tháng 8.2019, tuy thời gian mới đi được hơn một nửa, nhưng tổng số công bố của các đơn vị ở Việt Nam đã đạt 70% so với toàn bộ năm 2018. Trong số những đơn vị tăng trưởng nhanh của Việt Nam, đáng chú ý hơn cả là Đại học (ĐH) Nguyễn Tất Thành; vốn nằm ngoài Top 10 ở năm 2018, nhưng hiện đã vượt lên đứng thứ 5 xét về số lượng công bố tính đến 7 tháng đầu năm 2019. Điều này dự báo những thay đổi thú vị về thứ hạng của Top 10 về công bố quốc tế của Việt Nam trong vài năm sắp đến.
Top 10 các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của Việt Nam về công bố ISI trong năm 2018 và 7 tháng đầu năm 2019 (dữ liệu WoS 01/08/2019)

Top 10 các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của Việt Nam về công bố ISI trong năm 2018 và 7 tháng đầu năm 2019 (dữ liệu WoS 01/08/2019)

 
Lưu ý: Dữ liệu WoS thống kê theo năm công bố. Do đó, việc thống kê theo năm học, từ giữa năm này đến giữa năm sau, chỉ mang tính tương đối. Số lượng chính xác theo năm học chỉ có thể do mỗi trường tự thống kê cho mình. Ngoài ra, lượng công bố thống kê từ WoS thường nhỏ hơn con số các trường thực sự đã công bố được vì những sai lệch về tên gọi, cách viết tắt, thứ tự tác giả, và trường chủ quản trong những bài báo với hàng trăm trường cùng tham gia,…
Thống kê số công bố ISI của các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của Việt Nam 7 tháng đầu năm 2019 (dữ liệu WoS 01/08/2019)

Thống kê số công bố ISI của các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của Việt Nam 7 tháng đầu năm 2019 (dữ liệu WoS 01/08/2019)

Đặt trong "bức tranh" của khu vực Đông Nam Á

Mặc dù trên đây đều là những đơn vị nghiên cứu mạnh của Việt Nam, nhưng khi so sánh năng suất công bố 7 tháng đầu năm 2019 với các đại học tốp đầu của các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, các trường/viện của Việt Nam chỉ đứng ở tốp giữa, và đều xếp sau các trường hàng đầu của Singapore, Malaysia và Thailand. Đáng chú ý, chỉ riêng số lượng công bố của 3 trường đầu tiên của khu vực ASEAN, đã lần lượt gần gấp khoảng 5, 3, và 2 lần đơn vị có số công bố nhiều nhất của Việt Nam trong cùng thời gian. Điều này cho thấy Nhà nước và bản thân các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cần quan tâm và đầu tư hơn nữa cho công bố quốc tế thì mới mong theo kịp các trường bạn trong khu vực.
Thành tích Công bố ISI 7 tháng đầu năm 2019 của các cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu khối ASEAN (dữ liệu WoS 1.8.2019).

Thành tích Công bố ISI 7 tháng đầu năm 2019 của các cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu khối ASEAN (dữ liệu WoS 1.8.2019)

Năng lực công bố và Bảng xếp hạng Top 400 Đại học châu Á của THE 2019: Cơ hội nào cho Việt Nam?

Năng lực nghiên cứu còn thấp của Việt Nam cũng lộ rõ khi đầu tháng 5.2019, tạp chí Times Higher Education (THE) đã công bố bảng xếp hạng năm 2019 cho hơn 400 trường đại học châu Á [1] mà không có đại diện nào của Việt Nam. Trong số 10 nước thuộc khối ASEAN, chỉ 5 nước có đại diện góp mặt, bao gồm:
- Singapore: 2 trường,
- Malaysia: 11 trường,
- Thailand: 14 trường,
- Indonesia: 6 trường, và
- Philippines: 2 trường.
Không có tên trong bảng xếp hạng của THE, đồng nghĩa trong mắt cộng đồng quốc tế, Việt Nam chỉ đứng chung hạng với Laos, Cambodia, Myanmar, Brunei về nghiên cứu.
Bảng xếp hạng THE dựa theo bộ 5 tiêu chuẩn 13 tiêu chí [2] với các trọng số khác nhau để xếp hạng các trường. Đáng nói, hai tiêu chuẩn số lượng công bố và số trích dẫn chiếm tỉ trọng đến 60%. Vì vậy, có thể nói rằng nếu một trường tổ chức hoạt động nghiên cứu tốt, ít nhất có thể hiện qua số lượng và số trích dẫn công bố quốc tế; thì trường đó đã đi được hơn một nửa chặng đường để ghi tên mình trên bảng xếp hạng. Dù vậy, trong khi số lượng công bố quốc tế có thể tăng nhanh nếu có đầu tư mang tính tập trung và liên tục, thì số lượng trích dẫn lại tùy thuộc vào thời gian, ngành nghiên cứu trọng điểm (có thể có hoặc không có lượng trích dẫn cao) của trường/viện, và cả chất lượng nghiên cứu. Do đó, đây là chỉ số tương đối khó đạt được ngay trong thời gian ngắn.
Mối tương quan giữa số lượng công bố 7 tháng đầu năm 2019 và vị trí của các trường trong Bảng xếp hạng Đại học châu Á của Times Higher Education năm 2019

Mối tương quan giữa số lượng công bố 7 tháng đầu năm 2019 và vị trí của các trường trong Bảng xếp hạng Đại học châu Á của Times Higher Education năm 2019

Hình trên biểu diễn mối tương quan giữa số lượng công bố trong 7 tháng đầu năm 2019 và vị trí các trường trong Bảng xếp hạng THE 2019 thuộc các quốc gia ASEAN. Có thể thấy rằng, những trường với năng suất công bố ISI đạt:
- Từ 3.000-5.000 bài/7 tháng đầu 2019 (hay trung bình 400-700 bài/tháng) đều nằm trong Top 10 của châu Á;
- Từ 2.000-3.000 bài/7 tháng đầu 2019 (hay 300-400 bài/tháng) nằm trong Top 30;
- Từ 1.000 đến 2.000 bài/7 tháng đầu 2019 (hay 150-300 bài/tháng) thì thuộc top 100-200; và
- Thấp hơn 1.000 bài/7 tháng đầu 2019 (vào khoảng 150 bài/tháng) thì thuộc top 200-400.
Nói như vậy có phải ngầm ý rằng các trường có số lượng bài càng lớn thì sẽ xếp càng cao trên bảng xếp hạng của THE hay các bảng xếp hạng đại học uy tín khác không? Không hẳn là vậy! Bởi vì vẫn có những trường hợp như University of Indonesia với 553 bài/7 tháng đầu 2019 nhưng vẫn nằm trong top 100-200. Thấp hơn nữa có University of The Philippines chỉ với 486 bài, nhưng vẫn thuộc top 100. Thậm chí, chỉ với 150 bài, De La Salle University cũng được xếp hạng và thuộc top 300.
Điều đó nghĩa là chất lượng nghiên cứu của một đơn vị vẫn đóng một vai trò không nhỏ trong xếp hạng, và đôi khi không nhất thiết song hành cùng số lượng công bố. Chất lượng của nghiên cứu thường được phản ánh qua lượng trích dẫn và uy danh của tạp chí và nhà nghiên cứu (thông qua chỉ số Q-rating và H-index). Do đó, nếu trường nào tích lũy được những công bố, dù không nhiều, trên các tạp chí hàng đầu thế giới như Nature hoặc Science, hoặc trên những tạp chí top trong chuyên ngành, thì cơ hội xếp hạng, không chỉ trên bảng của THE mà cả trên các bảng khác, vẫn rộng mở.
Nature Index của Top 10 cơ sở đào tạo và nghiên cứu của Việt Nam từ 2.2018 đến 2.2019.

Nature Index của Top 10 cơ sở đào tạo và nghiên cứu của Việt Nam từ 2.2018 đến 2.2019.

Trở lại với vấn đề tổng số lượng công bố và xếp hạng theo THE, mặc dù Việt Nam chưa có trường nào được xướng tên trên Bảng xếp hạng THE 2019, nhưng hiện tại đã có 4/10 đơn vị đạt từ 400 bài ISI trở lên cho 7 tháng đầu năm 2019 (hay hơn 60 bài/tháng). Đặc biệt, ĐH Tôn Đức Thắng đã đạt trên 1.000 bài ISI trong 7 tháng đó (hay khoảng 150 bài/tháng). Vì vậy, hoàn toàn có cơ sở để hy vọng sẽ sớm có đơn vị nghiên cứu của Việt Nam được ghi tên lên Bảng xếp hạng THE. Dĩ nhiên, việc đạt xếp hạng đó không thể trở thành hiện thực ngay lúc này, mà có lẽ cần tối thiểu từ 3 đến 5 năm nữa; bởi THE dựa trên dữ liệu trong 5 năm gần nhất của thời điểm xếp hạng. Vậy nên các đơn vị giáo dục và nghiên cứu của Việt Nam cần tiếp tục duy trì hoặc nâng cao năng suất và chất lượng công bố quốc tế, trước mắt là các bài báo quốc tế, của đơn vị mình.
Dù cho gần đây có nhiều quan điểm cho rằng các trường của Việt Nam nên thôi “cơn say” chạy theo số lượng công bố quốc tế [3], nhưng mối quan hệ biện chứng giữa “lượng-chất” có lẽ vẫn đúng. Chưa đủ “lượng” về số công bố quốc tế chắc chắn sẽ khó có khả năng tạo được chuyển biến về “chất” trên các bảng xếp hạng đại học của khu vực hay thế giới.

Đầu tư cho nghiên cứu với bối cảnh Việt Nam trong thời gian đến

Duy trì và nâng cao số lượng cũng như chất lượng công bố quốc tế để lọt vào các bảng xếp hạng uy tín trong thời gian sắp đến sẽ không phải là nhiệm vụ dễ dàng nếu các đơn vị tại Việt Nam thiếu một nguồn lực tài chính dồi dào nếu muốn đi đường dài. Kể cả trường hợp đã có tên trên bảng xếp hạng, việc cần thêm rất nhiều tiền cho nghiên cứu để tiến lên những vị trí cao hơn cũng là rất thiết yếu, xét ở bình diện đóng góp cho quốc gia và quốc tế; hơn là việc tự hài lòng trong khi vẫn chỉ luôn đứng ở đáy của các bảng xếp hạng đó. Nhưng đầu tư như thế nào cho hợp lý trong bối cảnh Việt Nam vẫn là nước có trình độ nghiên cứu chưa theo kịp các nước tiên tiến, và người dân vẫn chưa thật sự được hưởng lợi gì từ nhiều nghiên cứu của các đơn vị giáo dục và nghiên cứu của nước nhà do cơ cấu phát triển ngành nghề công nghiệp và kỹ thuật ở nước ta chưa hẳn đã ở mức cao?
Trước tình hình đó, có lẽ việc tăng cường hợp tác giữa các trường trong nước và với các trường nước ngoài để cùng tăng sản lượng và chất lượng công bố, là điều quan trọng cần tiếp tục duy trì trong nỗ lực thay đổi cả “lượng” và “chất”, bên cạnh việc tự xây dựng năng lực nghiên cứu của chính mỗi đơn vị. Chẳng hạn, cho đến nay các bài báo trên những tạp chí hàng đầu như Science hay Nature vẫn là niềm mơ ước của các trường Việt Nam; nhưng với suất đầu tư thông thường lên đến hàng triệu hay hàng chục triệu đôla Mỹ cho mỗi bài báo như vậy trên thế giới, liệu có đơn vị giáo dục hay nghiên cứu nào của Việt Nam có đủ lực để làm được và duy trì? Chính vì vậy, nếu bất kỳ một đơn vị nào có thể hợp tác được với nước ngoài để tạo ra được những kết quả ở tầm đó thì cũng sẽ là một việc đáng trân trọng nhằm tạo ra đột phá với một tỷ suất đầu tư thấp hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.