Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ là hình thức, làm khó phụ huynh?

21/09/2017 10:48 GMT+7

Một phụ huynh chia sẻ trải qua thực tế tôi cho rằng ban đại diện cha mẹ học sinh là hình thức, không nên tồn tại và chỉ làm khó phụ huynh.

Nên xóa hay giữ ban đại diện cha mẹ học sinh tồn tại đang là vấn đề gây tranh luận trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mỗi luồng ý kiến đều có những phản biện minh chứng sự cần thiết hay không cần thiết.

Phụ huynh học sinh Đ.K.N, kể lại câu chuyện mà mình là người trong cuộc: “Năm con tôi học lớp chồi ở Trường mầm non tại Q.5, TP.HCM, tôi được vinh dự bầu làm Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh (ĐDCMHS) của lớp. Khi đi họp với trường nghe ban giám hiệu ra chỉ tiêu về vận động thu tiền phụ huynh để mua sắm tùm lum, kể cả những thứ xa xỉ không cần thiết, tôi ý kiến phản bác và về lớp cũng vận động... phụ huynh không đóng!. Thế là năm sau và những năm sau đó nữa, tôi được biết ban giám hiệu có bỏ nhỏ với giáo viên phụ trách lớp là... đừng có kêu cô đó vào ban đại diện nữa”.

Từ đó, phụ huynh trên khẳng định, phụ huynh trong lớp tin tưởng bầu tôi là người đại diện, nếu không làm đúng vai trò và lấy danh nghĩa để làm ngược lại mong muốn của tập thể đã tin tưởng mình, tôi cũng không muốn làm. Thế nên, trải qua thực tế tôi cho rằng ban này là hình thức, không nên tồn tại và chỉ làm khó phụ huynh.

Còn phụ huynh Bùi Hồng Phát, khu dân cư Nam Long, Q.Bình Tân, TP.HCM thẳng thắn nói: “Bỏ. Ban ĐDCMHS chỉ là công cụ để khi có 'biến' thì nhà trường có chỗ để đổ trách nhiệm. Tôi nói không sai, mỗi khi báo chí phản ánh trường này trường kia lạm thu, thì hiệu trưởng các trường đều trà lời 'đây là công trình tự nguyện của CMHS'. Thử hỏi nhà trường không 'bật xi nhan' thì sao phụ huynh biết phải thay lót sàn, bảng tương tác, bàn ghế…”.

tin liên quan

Xóa bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh?
Trong những ngày qua, câu chuyện lạm thu trong trường học đã trở thành đỉnh điểm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua các đợt thanh tra, Bộ GD-ĐT cũng đã khẳng định có xảy ra tình trạng lạm thu trong các trường học.

Tuy nhiên, cũng chính một phụ huynh nằm trong ban ĐDCMHS của một trường tiểu học lại phản ứng ngược lại: “Tôi đang đấu tranh và tất cả vì quyền lợi của phụ huynh. Cứ thực hiện theo khoản 4 điều 10 mà làm. Mỗi phụ huynh đều nhận được thông báo chi tiết từng khoản thu theo đúng quy định, đúng quy trình, phản biện khi thấy những đề xuất của nhà trường không hợp lý. Và tôi đang làm đúng như vậy, không nên xóa bỏ vì ban là cầu nối giữa phụ huynh và nhà trường. Đơn vị nào làm sai thì phải thay đổi chứ không thể đánh đồng”.

Tương tự, phụ huynh Trần Nhật Thanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bày tỏ quan điểm, cần có ban ĐDCMHS nhưng Bộ GD-DT phải có quy chế hoạt động sao cho không để hiệu trưởng chi phối ban đại diện dẫn đến lạm thu, tiêu cực.

Riêng phụ huynh Mai Hoàng Phúc (Q.3, TP.HCM) phân tích, mục đích và ý nghĩa về hoạt động của ban ĐDCMHS là không xấu. Đó là cầu nối giữa nhà trường và CMHS, chuyển tiếp ý kiến của CMHS về với nhà trường trong tinh thần xây dựng, hỗ trợ nhà trường tốt hơn trong công tác giảng dạy. Ngoài ra, ban này còn phải theo sát sự giảng dạy của nhà trường để hiểu biết và có ý kiến xây dựng thêm nếu có. Có thể hiểu tổ chức này cũng giống như Công đoàn, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho cha mẹ các em, đặc biệt là các em, trong môi trường giáo dục chung và Bộ cũng đã có quy chế hoạt động rất cụ thể.

tin liên quan

Tìm cách chống lạm thu
Vừa đầu năm học, thông tin lạm thu đã rộ lên ở một số địa phương. Nhiều sở GD-ĐT đã tức tốc có hướng dẫn thực hiện các khoản thu trong các cơ sở giáo dục.

Thế nhưng có một số ban ĐDCMHS đã làm sai, tự biến mình thành một cách tay đắc lực của nhà trường để thu thêm nhiều khoản vô tội vạ, đặc biệt là sử dụng sai luôn cả tiền quỹ. Phụ huynh Hoàng Phúc nói thêm: “Nếu tôi nhớ không lầm thì điều lệ cấm không cho sử dụng tiền quỹ của ban ĐDCMHS để quà cáp biếu xén cho nhà trường trong các dịp lễ tết. Tiền đó chỉ được chi cho công tác khuyến học, phát thưởng và hỗ trợ cơ sở vật chất cho nhà trường nếu cảm thấy cần thiết và trong phạm vi khả năng”.

Bầu chọn
Theo bạn, có nên bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh?

Từ đó, phụ huynh trên đưa ra ý kiến, bỏ cũng được, nhưng thay vì bỏ, Bộ GD-ĐT nên chấn chỉnh lại, soạn thảo lại quy chế cho chặt chẻ để ban ĐDCMHS hoạt động tốt hơn và làm đúng chức năng của mình. Nếu được vậy, tổ chức này sẽ vô cùng hữu ích trong công tác giáo dục chứ không vô bổ và vô trách nhiệm như hiện tại.

Cũng xin lưu ý rằng, ban ĐDCMHS chỉ hoạt động tốt một khi nhà trường không lạm dụng, lạm quyền để điều tiết hội theo hướng trục lợi sai quy chế cho nhà trường!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.