Bài học khi đổi mới

19/05/2017 07:56 GMT+7

Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông từ năm 2018 đồng nghĩa với việc một lứa học sinh sắp phải đối mặt với việc thí điểm, thực nghiệm những thay đổi lớn trong chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá...

Những bài học về một số đề án, chương trình giáo dục lớn mà Báo Thanh Niên đã nêu trong số báo ra ngày 18.5 đòi hỏi những người có trách nhiệm phê duyệt và thực thi mỗi thay đổi trong giáo dục - đào tạo phải có trách nhiệm và tính toán sao cho việc thí điểm sắp tới không thể làm theo kiểu ngẫu hứng, áp dụng trên hàng vạn học sinh (HS), “vẽ” ra thật hay các mục tiêu để rồi tuyên bố “không thực hiện được”.
Chuẩn bị thật kỹ các điều kiện thực hiện
Báo cáo giám sát của Quốc hội về những hạn chế trong việc triển khai chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK) hiện hành cho thấy nguyên nhân chủ yếu là công tác chuẩn bị chưa chu đáo. Vì vậy, Chính phủ cần tổng kết việc thực hiện CT-SGK một cách nghiêm túc và sâu sắc nhằm chuẩn bị thật kỹ các điều kiện để thực hiện Đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng thí điểm là một khâu tất yếu trong đổi mới CT giáo dục phổ thông để hoàn thiện, điều chỉnh những nội dung còn bất cập, hạn chế trước khi triển khai đại trà. Trong Nghị quyết 88 của Quốc hội cũng đề cập tới vấn đề này. Tuy nhiên, quan trọng nhất là chất lượng chứ không phải là tiến độ hay số lượng.
Ông Thắng cũng khẳng định về mặt nguyên tắc, thí điểm phải làm trên một phạm vi và nhóm đối tượng nhất định chứ không phải triển khai trên quy mô quá rộng thì sẽ không còn là thí điểm nữa. Đã là thí điểm thì chỉ nên chọn một số địa phương, loại hình trường tiêu biểu vùng miền, điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa khác nhau… “Nếu làm đúng theo nguyên lý như vậy thì sẽ không lo cả một thế hệ bị mang ra làm chuột bạch”, ông Thắng nói.

tin liên quan

Những đề án thí điểm giáo dục dở dang
Những đề án giáo dục thí điểm nhưng thực hiện với quy mô quá lớn, gần như triển khai đại trà kể cả ở những nơi chưa đủ điều kiện trong thời gian vừa qua đã không trả lời được mục tiêu quan trọng nhất: thí điểm để làm gì?

Tuy nhiên, theo ông Thắng, dù thí điểm trên phạm vi hẹp thì cũng rất cần thận trọng, phải có tổng kết, đánh giá và công bố cho cả xã hội biết. Dù có thí điểm thì cũng phải cân nhắc tính khả thi để khi triển khai đại trà chỉ có những điều chỉnh nhỏ, kèm theo đó là những cam kết, giải pháp bổ sung thiếu hụt, nếu có, đối với đối tượng HS học theo chương trình thí điểm. “Có như vậy mới không làm ảnh hưởng tới cả một lứa HS và gây hoang mang trong dư luận xã hội”, ông Thắng đề nghị.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP.Hà Nội, cho rằng thời gian qua ngành giáo dục đổi mới rất nhiều nhưng xã hội, người dân lại chưa hài lòng với những đổi mới ấy. “Phải chăng mục tiêu đúng, nhưng cách thức thực hiện sai? Nếu như vậy thì đây là cái giá quá đắt cho sự đổi mới vội vàng”, ông Lâm nhận định.
Thay đổi cách thức thực nghiệm
Đầu tháng 5, Ban Phát triển CT giáo dục phổ thông mới đã bắt đầu tiến hành tập huấn về nội dung, cách thức thực nghiệm CT cho đội ngũ cốt cán. Theo thông tin từ đợt tập huấn này thì CT mới sẽ có những thay đổi về cách thức thí điểm, thực nghiệm. CT có nhiều cách thực nghiệm khác nhau, ví dụ bằng cách đánh giá tác động của các quy định trong chương trình đối với HS, giáo viên (GV), nhà trường, ngân sách và chi phí xã hội. Có những môn học hoặc khối lớp chỉ thực nghiệm những nội dung mới, phương pháp giáo dục mới… Có nhiều cách áp dụng như soạn một số bài để dạy thử nghiệm, điều tra thực tế, phát phiếu hỏi GV, HS; phỏng vấn sâu cán bộ quản lý, GV và HS THPT… Nếu tháng 9.2017 mà CT này được ban hành thì đội ngũ viết SGK có thể dựa vào đó để viết và thực nghiệm cuốn sách hoặc bộ sách của mình.

tin liên quan

Đừng ép trẻ thành thiên tài!
Hiện nay, có những chương trình, phương pháp mới dạy trẻ 6 - 12 tháng biết đọc chữ, biết nói tiếng Anh, biết làm toán... Đó là một sự 'cưỡng bức'’, làm cho não của trẻ phát triển lệch lạc.

Không làm “đồng khởi” mà “cuốn chiếu”
Theo Cổng thông tin của Bộ GD-ĐT, tại buổi tiếp xúc cử tri ngành GD-ĐT tại Quy Nhơn mới đây, trả lời những băn khoăn về đổi mới giáo dục phổ thông trong thời gian tới, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Sẽ phải tính toán kỹ để đổi mới theo hướng khả thi nhất. Do vậy, nếu sang năm học 2018 - 2019 mà triển khai “đồng khởi” là rất khó khăn, vì thế chúng tôi dự định năm học tới chỉ tập trung đổi mới ở lớp 1 và làm thử nghiệm ở lớp 6, lớp 10. Năm học 2019 - 2020 sẽ tiếp tục làm đại trà lớp 2, lớp 6, lớp 10. Cứ thế “cuốn chiếu” dần để về mặt chuyên môn là chuẩn chỉnh lại CT, về điều kiện thực hiện là có thời gian chuẩn bị về GV và cơ sở vật chất, đến năm 2023 hoàn thành đổi mới. Nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra thời điểm thực hiện đổi mới CT-SGK phổ thông bắt đầu từ năm 2018, đây là thời điểm đã được tính toán đến quá trình chuẩn bị. Ngành giáo dục cũng đang triển khai theo hướng quyết liệt, thận trọng và cầu thị lắng nghe”, ông Nhạ nói.
Để việc đổi mới đồng bộ về điều kiện, ông Nhạ cho hay Ban quản lý dự án của Bộ đang rà soát, xây dựng các chuẩn GV theo khung mới và chuẩn quản lý nhà giáo mới. Trước mắt rà soát 1,4 triệu GV và cán bộ quản lý giáo dục hiện nay đang ở đâu so với các bậc chuẩn, từ đó xây dựng các CT bồi dưỡng cho GV đạt mức chuẩn tối thiểu, đáp ứng yêu cầu CT mới. Đối với đào tạo GV, Bộ đã giao cho 7 trường đại học sư phạm làm nòng cốt, hơn 100 trường cao đẳng, trung cấp sư phạm sẽ làm vệ tinh cho việc đào tạo lại đội ngũ GV ở các địa phương.
Từ tháng 9.2017 sẽ tiến hành bồi dưỡng GV cốt cán, sau đó mở rộng ra. Bộ cũng yêu cầu các trường sư phạm tự thay đổi, chủ động đào tạo GV các môn học mới.
Chọn thí điểm theo 6 vùng miền
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên CT giáo dục phổ thông mới, cho biết Ban soạn thảo dự kiến đề xuất việc thí điểm CT mới sẽ chọn theo 6 vùng miền khác nhau. Có thể mỗi vùng miền một tỉnh và mỗi tỉnh cũng chọn một địa bàn nhất định, tiêu biểu cho các địa bàn của tỉnh đó, thuận lợi và cả khó khăn. Mục tiêu của việc thực nghiệm là để triển khai đại trà chắc chắn hơn. Tuy nhiên, khi đưa vào thực nghiệm thì những lớp được chọn sẽ có sự chỉ đạo, quan tâm chu đáo hơn để HS tham gia học thử nghiệm không bị thiệt thòi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.