Bài học đầu đời phải là đất nước, con người Việt Nam

19/03/2013 10:00 GMT+7

(TNO) Đó là nhận định của các chuyên gia văn hóa, giáo dục khi nói về việc chọn sách tham khảo, dạy cho trẻ em Việt Nam ở lứa tuổi mầm non.

>> Tràn lan sách tham khảo thiếu nhi "gốc" Trung Quốc

“Cảnh giác” khi chọn sách

Theo GS.TS Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa - Du lịch, Phó hiệu trưởng Trường trung cấp u Việt TP.HCM, Chuyên gia Tâm lý Hội Tâm lý Giáo dục học TP.HCM, lứa tuổi mầm non (0-5 tuổi) là giai đoạn phát triển nhận thức rất quan trọng đối với trẻ.

Các chuyên gia giáo dục đều xác định, đây là giai đoạn “tri thức” của con người đang là một tờ giấy trắng. Vì vậy, những gì được viết vẽ vô não bộ sẽ là nền tảng nhận thức, được ghi nhớ rất lâu.

 
Bài học nhận biết "Những người trong gia đình" với người mẹ Trung Quốc trong trang phục sườn xám (cuốn Bách khoa thư đầu đời cho trẻ - Từ điển bằng hình cho trẻ em, trang 14, Nhà sách Đinh Tỵ liên kết với NXB Mỹ thuật phát hành) - Ảnh: Nguyên Mi chụp lại trang sách

“Trẻ em rất gần gũi với những cảm xúc hình ảnh và chủ yếu học qua hình ảnh. Ở lứa tuổi càng nhỏ thì những ấn tượng hình ảnh càng hằn sâu trên vỏ não. Trẻ sẽ ghi nhớ rất lâu”, ông Hiền nói.

Đặc biệt, ông Hiền phân tích, trẻ ở giai đoạn này cũng chưa thể tự nhận thức, phân biệt. Vì vậy, càng cần phải giáo dục, cho trẻ tiếp cận, gần gũi với văn hóa truyền thống, ngôn ngữ, hình ảnh “mẹ đẻ” về quê hương, đất nước. Sách hình dành cho trẻ em ở lứa tuổi này nên thuần Việt với con trâu, đồng lúa, bờ tre, áo dài hay hình ảnh các địa danh, thắng cảnh, di tích lịch sử Việt Nam, truyện kể Việt Nam…

“Đó là những kiến thức, đặt nền tảng cho sự phát triển văn hóa, tri thức của một con người sau này”, ông Hiền nhấn mạnh.


Thư viện với chữ tiếng Hoa ở phía trước cổng trong sách Tiếng Anh nhập môn (bộ sách dành cho lứa tuổi nhi đồng, trang 39, tập 3), do Nhà sách Mỹ Đình và NXB Mỹ Thuật liên kết phát hành - Ảnh: Nguyên Mi chụp lại từ sách

Trong khi đó, theo thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh, nguyên Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ÐT TP.HCM, đây là giai đoạn đầu đời của trẻ, lứa tuổi này rất nhạy cảm. Về mặt tâm lý trong giai đoạn này, khi đứa trẻ được ăn một món ngon nào đó thì sẽ nhớ mãi đến khi lớn. Tương tự, những hình ảnh quen thuộc từ thời thơ ấu, trong giai đoạn đầu đời cũng sẽ in sâu trong trí nhớ, nhận thức của mỗi người.

Trong chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi của Bộ GD-ĐT Việt Nam, học sinh đã được học về đất nước, về lá cờ Việt Nam. Trong đó, ngôi trường của em thì cắm cờ Tổ quốc Việt Nam.

Vì vậy, theo ông Hiền, ở lứa tuổi này, phụ huynh, những người làm giáo dục rất cần “cảnh giác” khi cho trẻ tiếp xúc với văn hóa nước ngoài. Sách báo, truyện kể dạy cho trẻ em cần lấy hình ảnh, nhân vật, những câu truyện của Việt Nam, mang đúng chất văn hóa, tinh thần Việt Nam. Bài học đầu đời phải là đất nước, con người Việt Nam.

Sẽ “đính kèm” danh mục sách tham khảo cùng sách giáo khoa?

Trước thực tế nhiều loại sách tham khảo (STK) không rõ nguồn gốc, nội dung không phù hợp, gây bất an cho phụ huynh, học sinh, Bộ GD-ĐT cũng đã lên tiếng về chất lượng STK hiện nay.

Ông Phạm Ngọc Định, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho hay, thời gian tới Bộ GD-ĐT bổ sung chế tài cũng như quy định rõ ràng hơn, tăng cường khâu quản lý, giám sát làm thế nào để không có tình trạng bắt học sinh mua STK; giáo viên, hiệu trưởng không giới thiệu, không “bán hộ” STK cho học sinh của mình.

Về chất lượng STK, ông Định nêu những ý tưởng ban đầu của Bộ GD-ĐT trong mong muốn quản lý được chất lượng STK đưa vào nhà trường. Theo đó, mỗi môn học sẽ có một số tài liệu STK nhất định và Bộ sẽ cho in danh mục STK đạt chất lượng đó lên bìa trên bìa SGK để giáo viên, học sinh, phụ huynh có định hướng lựa chọn.

 
Hơn một nửa đầu sách thiếu nhi tại các nhà sách có nguồn từ Trung Quốc - Ảnh: Nguyên Mi

“Những sách được giới thiệu ở bìa SGK như vậy sẽ được thẩm định, chứ không phải xuất bản tràn lan mà không hề được thẩm định dẫn tới có “sạn” như hiện nay”, ông Định nói.

Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, bày tỏ với sự phân cấp quản lý như hiện nay, một mình ngành GD-ĐT không thể “ôm” hết chất lượng của thị trường STK. Nhưng với những STK đưa vào nhà trường thì chắc chắn Bộ phải có trách nhiệm.

“Trước đây, đã có danh mục STK đưa vào thư viện các nhà trường, nhưng sau đó danh mục này đã bị bãi bỏ. Vậy có nên khôi phục lại quy định này không”, ông Chuẩn đặt vấn đề.

Ông Chuẩn còn cho rằng việc thẩm định STK hoàn toàn có thể dựa vào các hội đồng bộ môn của mỗi môn học.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất hiện nay, Cục Xuất bản, Bộ Thông tin-Truyền thông cần siết chặt lại quy trình kiểm duyệt nội dung, cấp phép xuất bản và phát hành, cũng như xử lý các đơn vị vi phạm trong nội dung sách được xuất bản. Thiết nghĩ, điều đó sẽ có tác dụng trong việc sàng lọc “sạn” trong sách, đặc biệt là các ấn phẩm dành cho thiếu nhi, có nguồn gốc từ Trung Quốc, như những trường hợp vừa qua.

Tổ chuyên môn có trách nhiệm xem xét nội dung STK đang lưu hành trong trường

Văn bản hướng dẫn sử dụng SGK và tài liệu giảng dạy học tập trong trường phổ thông được ban hành từ năm 2008 và đến nay vẫn còn giá trị trong chỉ đạo của Bộ GD-ĐT với các cơ sở GD-ĐT.

Theo đó, với các loại STK được sử dụng trong nhà trường, hiệu trưởng các trường phổ thông có trách nhiệm giao cho các tổ chuyên môn xem xét nội dung các STK đang lưu hành trong trường.

Nếu phát hiện STK chưa chính xác hoặc không phù hợp với tính chất giáo dục phổ thông thì cần lưu ý học sinh trong việc sử dụng; nếu phát hiện STK có sai sót lớn ảnh hưởng đến dạy và học thì cần kịp thời báo cáo với cơ quan quản lý giáo dục.

Công văn này cũng nêu rõ: các cơ quan quản lý giáo dục và các trường phổ thông không bắt buộc học sinh mua STK. (Tuệ Nguyễn)

Nguyên Mi - Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.