'Bắc giàn giáo không theo quy chuẩn mà công nhân vẫn đứng làm việc!'

Quý Hiên
Quý Hiên
24/11/2018 10:24 GMT+7

Ông Trương Anh Dũng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, chia sẻ: các chuyên gia của Đức tỏ ra kinh ngạc và 'thán phục' vì lao động VN bắc cái giàn giáo không theo một quy chuẩn nào cả, vậy mà công nhân của chúng ta vẫn đứng trên đó làm việc, và vẫn 'bình thường'.

Tại hội nghị sơ kết hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Bộ LĐ-TB-XH tổ chức ở Quảng Ninh giữa tháng 11, đại diện tổng cục này cho biết trong 10 năm qua (tính từ thời điểm luật Dạy nghề có hiệu lực, tháng 6.2007), tổng cục mới chỉ tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quốc gia cho gần 45.000 người tại 23 nghề ở các bậc trình độ 1, 2, 3. Trong đó, 38.619 người đạt yêu cầu và được cấp chứng chỉ, tỷ lệ 86%. Nghề kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò có số lượng người tham gia đông nhất với 21.274 người.

Ông Trương Anh Dũng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, thẳng thắn thừa nhận thách thức rất lớn hiện nay của ngành GDNN đối với hoạt động đánh giá kỹ năng nghề quốc gia không chỉ về quy mô mà còn là chất lượng đánh giá. Trình độ đào tạo trung cấp, cao đẳng hiện có khoảng 600 ngành nghề nhưng tổng cục mới ban hành tiêu chuẩn được cho 191 nghề.
Ông Dũng chia sẻ: “Khi chúng tôi phối hợp với Đức để xây dựng, triển khai chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn Đức vào VN, chuyên gia của Đức tỏ ra kinh ngạc và 'thán phục' vì lao động VN bắc cái giàn giáo không theo một quy chuẩn nào cả, vậy mà công nhân của chúng ta vẫn đứng trên đó làm việc, và vẫn “bình thường”.
Ông Tào Bằng Huy, Phó cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB-XH, cho biết cục đang tham gia tham mưu cho lãnh đạo Bộ trong việc soạn thảo một số quy định liên quan tới bổ sung danh mục ngành nghề mà người lao động bắt buộc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, hoặc phải qua đào tạo thì mới được tham gia thị trường lao động.
Ông Trương Anh Dũng nêu một vài con số so sánh với những nước thị trường lao động có chất lượng cao như Nhật Bản tổ chức đánh giá kỹ năng nghề cho khoảng 700.000 - 800.000 người/năm, Hàn Quốc là khoảng 2 triệu người. Để thúc đẩy hoạt động này, chúng ta cần trả lời được các câu hỏi: Tại sao phải xây dựng hệ thống này? Người lao động, doanh nghiệp sẽ có lợi ích gì khi tham gia? “Phải tạo lợi ích không phải chỉ đến cho người lao động mà cho cả người sử dụng lao động, cơ sở đào tạo. Đó là điều chúng ta cần phải tiếp tục suy nghĩ, tìm giải pháp”, ông Dũng nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.