Áp lực vì thiếu tự chủ khi ôn tập

Bộ GD-ĐT khuyến cáo thí sinh bám sát vào chương trình lớp 12 để ôn tập, nhưng nhiều em vì quá lo lắng, hoặc thiếu tự chủ khi ôn tập nên dẫn đến việc quá tải về kiến thức, bão hòa về trí nhớ, và thậm chí 'tẩu hỏa nhập ma'.

Đây là tình cảnh bất lợi, nhất là kỳ thi THPT quốc gia cận kề.
Càng ôn càng thấy thiếu
Việc ôn tập hiện nay của thí sinh (TS) có sự tác động từ nhiều phía: Từ giáo viên trực tiếp giảng dạy với vô số tài liệu học tập, từ học luyện thi ở trung tâm, gia sư. Và đặc biệt, TS bị “hút hồn” do chìm trong ngồn ngộn những kiến thức, kiểu đề “tiên đoán” tràn lan trên mạng… Cuối cùng là TS thấy cái gì cũng hay, cũng cần, thiếu sự tỉnh táo để nhận biết đâu là kiến thức nền, căn bản cần có; đâu là phần cần nâng cao, mở rộng theo dụng ý mà cấu trúc đề thi của Bộ đã xây dựng từ dễ đến khó, đảm bảo 60% kiến thức xét tốt nghiệp và 40% phân loại xét tuyển sinh.
Vì thế mà TS càng ôn càng thấy thiếu, càng thấy thiếu càng lo hơn, tạo ra cho bản thân một áp lực không cần thiết, bất lợi cho tinh thần và tâm lý khi dự thi.

Để khắc phục tình trạng này, nhất là khi thời gian còn lại không nhiều, các chuyên gia khuyên TS phải có cách ôn tập hiệu quả. Nên dành thời gian hệ thống lại toàn bộ kiến thức trọng tâm. Trên cơ sở các đề tham khảo mà Bộ công bố, tăng cường luyện tập các dạng đề trắc nghiệm kiến thức. Tham khảo để nắm chắc các “chiến thuật” làm bài thi trắc nghiệm (phần này trên Thanh Niên đã chia sẻ rất nhiều). Phân bổ thời gian biểu khoa học để ôn tập. Không học ép, học dồn. Không nên quá căng thẳng, lo lắng. Phải có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý.

Chú trọng rèn kỹ năng xử lý đề theo hướng mở
Đối với môn văn, đây là môn tự luận duy nhất trong kỳ thi THPT quốc gia. Vì thế ngoài việc nắm vững kiến phần đọc hiểu, kỹ năng viết đoạn văn, kiến thức trọng tâm của phần nghị luận văn học, cần phải chú ý đến đáp án chấm và những yêu cầu của giám khảo. Trong đó phần làm văn có 4 yêu cầu cơ bản: làm rõ được luận đề, bố cục hợp lý, có tính sáng tạo và chính tả, dùng từ, đặt câu. Không nên học thuộc lòng từng bài học, vì đề thi biến hóa, rất đa dạng. Cần chú trọng rèn luyện kỹ năng xử lý một đề thi theo hướng mở.
Cách ôn hiệu quả nhất là dành thời gian đọc lại toàn bộ kiến thức phần tiểu dẫn và văn bản để nắm khái quát trọng tâm về tác giả và tác phẩm. Từ đó tóm tắt được tác phẩm, ghi nhớ những dẫn chứng tiêu biểu nhất. Đối với văn bản thơ, những bài tương đối ngắn (như Sóng - Xuân Quỳnh, Tây tiến - Quang Dũng) nên nhớ toàn bộ văn bản. Đối với những bài dài (như Việt Bắc - Tố Hữu, Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm) cần thuộc những dẫn chứng tiêu biểu.
Để bài làm có chiều sâu, có điểm ở phần sáng tạo, TS phải biết liên hệ, so sánh với các tác phẩm khác cùng đề tài. Cần ghi nhớ thêm các nhận định, các ý kiến đánh giá về tác phẩm, tác giả để đưa vào bài làm sẽ tăng tính thuyết phục và hấp dẫn.
Ngoài ra, chỉ nên tham khảo thêm tài liệu hay và có độ tin cậy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.