Áp lực dân số khiến khó đạt mục tiêu mô hình trường tiên tiến

Bích Thanh
Bích Thanh
26/11/2020 07:48 GMT+7

Do áp lực gia tăng dân số quá lớn, mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập ở TP.HCM có nhiều nguy cơ không thể hoàn thành mục tiêu.

Mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập xuất hiện tại TP.HCM từ năm học 2006 - 2007 với việc thí điểm tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3). Vào thời điểm đó, học phí của trường này là khoảng 850.000 đồng/tháng trong khi học phí của các trường công lập khác là 30.000 đồng/tháng.
Khi thí điểm, Sở GD-ĐT TP.HCM đã cam kết với phụ huynh là trường không dạy thêm, học thêm, không thu khoản tiền khác ngoài học phí. Bảo đảm dạy chương trình của Bộ GD-ĐT, thực hiện phương pháp dạy học tiên tiến và phát huy năng khiếu của từng học sinh (HS). Sau đó, đến năm học 2013 - 2014, TP.HCM tiếp tục mở rộng thí điểm ở Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) và Nguyễn Hiền (Q.11) cùng tiếp tục định hướng các trường tiếp cận với phương pháp giáo dục trong khu vực và quốc tế để đáp ứng những mục tiêu giáo dục hiện đại.
Mô hình này chính thức triển khai vào năm học 2016 - 2017 ở tất cả các bậc học thực hiện theo Quyết định số 3968/QĐ-UBND của UBND TP với những tiêu chí cụ thể về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… Theo đó, trường được tổ chức trên cơ sở tài chính là kết hợp giữa ngân sách nhà nước bố trí theo định mức đầu tư/HS và xây dựng mức thu theo thỏa thuận với phụ huynh để trang trải chi phí đào tạo nhưng không được quá 1,5 triệu đồng/HS/tháng.
Khoản thu này sẽ được sử dụng vào các hoạt động tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, tăng cường ngoại ngữ, học ngoại ngữ với giáo viên người nước ngoài, dạy các bộ môn năng khiếu, môn tự chọn, thực hiện chương trình giáo dục kỹ năng sống, các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm...
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), một trong 3 trường THPT thực hiện mô hình nói trên, cho hay với mức học phí 1,5 triệu đồng/tháng, nhà trường có điều kiện tổ chức đa dạng các hoạt động kỹ năng, hoạt động trải nghiệm. HS có nhiều cơ hội tiếp cận với các phương pháp giáo dục hiện đại hơn giúp cho quá trình trưởng thành, hội nhập tự tin hơn.
Ông Tạ Tân, Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Phú, cho biết trường thực hiện mô hình tiên tiến theo xu thế hội nhập vẫn áp dụng chính sách về hỗ trợ học phí như bất cứ các trường công lập khác. Cụ thể, HS thuộc các đối tượng miễn, giảm học phí sẽ được áp dụng những quy định của nhà nước. Phần còn lại thuộc về phí dịch vụ như tiền ăn, bán trú…, phụ huynh đóng theo sử dụng thực tế.
Từ đó cho đến năm học 2019 - 2020, trong hội nghị Tổng kết công tác xây dựng trường tiểu học thực hiện mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế, Sở GD-ĐT TP.HCM thống kê có khoảng 39 trường thực hiện mô hình này. Cụ thể, 3 trường THPT, 8 trường THCS, 12 trường tiểu học, 16 trường mầm non. Chính trong hội nghị này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, nhìn nhận qua 4 năm thực hiện, mới có 12 trường tiểu học của 11 quận triển khai mô hình, tức chưa đến 50% tổng số quận, huyện trên địa bàn TP, do áp lực gia tăng dân số quá lớn. Trong khi đó, TP đặt ra mục tiêu phấn đấu mỗi quận, huyện có ít nhất 3 trường ở mỗi cấp học thực hiện mô hình trường tiên tiến. Như vậy, mục tiêu này nhiều nguy cơ không thể hoàn thành.
Lãnh đạo một phòng giáo dục cho biết, một số quận huyện phải “khất” mục tiêu của TP vì không đủ chỗ học cho HS. Bởi với áp lực về dân số như hiện nay, thực hiện ở một trường nào đó, nghĩa là phải phân tuyến số HS sang các trường khác mà hầu hết trường nào cũng đã rất quá tải.
Ngoài mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập, hiện nay trong các trường công lập tại TP.HCM đang thực hiện giảng dạy chương trình tiếng Anh tích hợp. Theo đó, học phí của chương trình này hiện nay vào khoảng 3,5 triệu đồng/tháng, tùy theo bậc học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.