9,25 điểm nhưng không biết làm bài tích phân đơn giản!

Quý Hiên
Quý Hiên
26/05/2018 08:48 GMT+7

Sau một năm học Bộ GD-ĐT thực hiện tổ chức thi môn toán bằng hình thức trắc nghiệm cho kỳ thi THPT, nhiều giảng viên đại học và giáo viên phổ thông bày tỏ mối lo việc dạy môn toán ở trường phổ thông sẽ trở nên mất ý nghĩa.

Giảm năng lực tư duy
Với chỉ tiêu tuyển sinh 5.700, chủ yếu khối A, mức điểm chuẩn cao (năm 2017 khoảng 23 - 24 đến hơn 28 điểm/3 môn), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội được xem là nơi tập trung đông đảo những thí sinh giỏi toán trong cả nước. Tuy nhiên, theo nhiều giảng viên Viện toán của trường, khi vào dạy rồi cảm giác đầy thất vọng.
PGS Nguyễn Cảnh Lương, giảng viên của trường, nói: “Ai đời toàn là những em thi được 8, 9, 10 điểm toán, vậy mà kiến thức toán hổng và tư duy toán ngô nghê đến không thể tin được! Chẳng hạn có những em làm bài đã đưa ra kết quả là căn của một tổng bằng tổng các căn… Vì thế mà điểm toán học kỳ 1, giữa kỳ 2 của sinh viên (SV) năm 1 rất kém. Không chỉ kém mà tỷ lệ khá giỏi thấp hơn rất nhiều so với những năm trước đây, hồi còn chưa gộp kỳ thi 2 trong 1”.
PGS Lương còn cho biết năm học này ông nhận dạy 7 lớp, đều của các ngành điểm đầu vào từ trước đến nay đều rất cao. Toàn những học sinh ở phổ thông thuộc hàng “đỉnh” về học toán nhưng khi vào ĐH, năng lực tư duy lại không như các thầy kỳ vọng. “Nhìn chung lứa SV mới tuyển mấy năm gần đây, đặc biệt là năm ngoái (lứa đầu tiên thi trắc nghiệm môn toán ở kỳ thi THPT - PV) tư duy kém. Vì thế, chúng tôi mới nhận xét với nhau rằng các em đúng là điểm cao nhưng không giỏi. Khi có những vấn đề đòi hỏi tư duy sâu một chút là SV ngồi ngẩn ra, không hiểu gì. Giảng viên cố giải thích, nhưng giải thích mãi các em không hiểu, đành phải cho qua”, PGS Lương chia sẻ.

Nhiều giảng viên toán của các trường ĐH khác ở Hà Nội cũng than phiền chất lượng học toán của SV năm 1 “có vấn đề”. “Khi dạy giải tích, có SV thú thật là em không biết làm tích phân đơn giản, trong khi đầu vào môn toán của em ấy là 9,25. Tôi ngạc nhiên hỏi lại, sao hơn 9 điểm toán mà tích phân đơn giản cũng không làm được thì em ấy trả lời là nhờ học mẹo casio bấm máy tính ra đáp số, chứ em không diễn giải cách làm được”, giảng viên bộ môn toán, khoa công nghệ thông tin của một trường ĐH ngành quân đội, kể.
Một cán bộ Phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải (Hà Nội) cũng nói: “Các thầy khoa toán trường tôi kêu lắm, nhưng chúng tôi cũng không dám phỏng đoán nguyên nhân, bởi vài năm gần đây điểm chuẩn đầu vào của trường không được tốt như trước đây. Tuy nhiên, ngay cả với riêng SV công nghệ thông tin, là ngành điểm chuẩn vẫn ở mức cao, các thầy cũng cho rằng chất lượng đầu vào đi xuống, thì có lẽ cũng cần phải nghĩ tới tác động của hình thức thi trắc nghiệm môn toán”.
Cách thi làm chất lượng đi xuống ?
Một giảng viên khác của bộ môn toán trường quân sự nói trên cho biết năm nay trường vẫn dùng kết quả thi THPT để tuyển đầu vào nhưng đề xuất kế hoạch đánh giá năng lực riêng để tuyển sinh. “Kết quả thi của Bộ và hình thức thi trắc nghiệm môn toán như hiện nay không đáp ứng được yêu cầu tuyển chọn bởi chất lượng SV rất kém, điểm thi lên đến gần 30/3 môn nhưng dạy cực vất vả”, vị giảng viên này cho biết và nói thêm: “Hình thức thi quyết định cách học, do đó chỉ có thể kết luận cách thi của Bộ GD-ĐT làm chất lượng đi xuống”.
Nhiều giảng viên thuộc các đơn vị thành viên ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết trường mình “ngấm đòn” của thi trắc nghiệm môn toán sớm hơn các trường ĐH khác tới 2 - 3 năm. Hậu quả là phải “chấp nhận” những lứa SV chất lượng thấp. “Hiện tại tôi đang hướng dẫn 4 SV năm 3 làm khóa luận, nói chung là rất chật vật. Các em yếu tư duy đã đành (do thi trắc nghiệm môn toán không đo được tư duy của các em), mà lại trúng tuyển ngành vật lý dù không hứng thú với môn học (do cách tuyển sinh dựa vào đánh giá năng lực mà ĐH Quốc gia từng thực hiện), nên thầy phải rất chật vật để vực các em lên”, GS Hà Huy Bằng, Khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, chia sẻ.
Ông Nguyễn Cảnh Duy, giáo viên toán Trường THPT Khoa học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết ông và các đồng nghiệp cũng nhận thấy có biểu hiện đi xuống về chất lượng SV ngành toán mấy năm gần đây khi hướng dẫn thực tập. “Từ cách trình bày bảng, trình bày bài đã thấy có vấn đề. Các bạn ấy biết cách để giải ra kết quả cuối cùng, nhưng cách tạo sự phát triển tư duy trong một bài giảng, để cho HS phát triển theo mạch phát triển tư duy thì rất ít bạn làm được”.
Nếu “kết tội” bằng cảm nhận cá nhân thì khó thuyết phục !
Theo GS Đỗ Đức Thái, Chủ nhiệm Khoa Toán tin, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tuy có nhiều ý kiến băn khoăn về tác động xấu của thi trắc nghiệm môn toán, nhưng minh chứng rõ ràng, có đo đạc, có số liệu thì chưa ai làm, và cũng chưa kịp làm, bởi lứa SV đầu tiên trúng tuyển ĐH bằng kết quả thi trắc nghiệm môn toán chưa kết thúc năm học đầu tiên. “Nếu kết tội cho thi toán trắc nghiệm mà chỉ bằng cảm nhận cá nhân của các thầy trong quá trình làm việc với SV thì đúng là khó thuyết phục người khác. Vì thế rất nên có một cuộc khảo sát, nhưng bằng những công cụ tinh tế, dựa vào khoa học giáo dục, để đo đạc mối tương quan giữa chất lượng SV với việc thi trắc nghiệm môn toán”, GS Thái đề xuất.
Cũng theo GS Thái, có một vấn đề cũng cần được lưu tâm, mà điều này ảnh hưởng lớn tới chất lượng đầu vào của SV các trường ĐH, đó chính là chất lượng đề thi. Cơ sở để có nhiều người ủng hộ việc thi toán trắc nghiệm là về mặt lý thuyết, đề thi trắc nghiệm có thể phân loại, đánh giá được người học. Nhưng từ lý thuyết đến việc soạn ra được một đề thi trắc nghiệm đạt được yêu cầu này là một khoảng cách rất lớn. “Ví dụ với đề thi chính thức môn toán kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, ngay cả đối với những người chấp nhận thi trắc nghiệm là tốt thì họ cũng thấy nó được soạn không theo được tiêu chí của một đề trắc nghiệm. Đề mẫu 2018 cũng hao hao như thế”, GS Thái nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.