600 nhà khoa học tham gia nghiên cứu kinh tế xã hội vùng Tây Bắc

Quý Hiên
Quý Hiên
23/07/2020 20:07 GMT+7

Tại Hà Nội vừa diễn ra hội nghị tổng kết chương trình “Khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” giai đoạn 2013 - 2020. Đây là một chương trình nghiên cứu ứng dụng , với khoảng 600 nhà khoa học tham gia.

Hôm nay, tại Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội và Bộ KHCN tổ chức hội nghị tổng kết chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước “Khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” (còn gọi là Chương trình Tây Bắc) giai đoạn 2013 - 2020.
Đây là một chương trình nghiên cứu khoa học ứng dụng, được Thủ tướng Chính phủ chuẩn y và Bộ KHCN giao Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ quan chủ trì thực hiện trong giai đoạn 2013 - 2018, sau đó được kéo dài đến tháng 6.2020.
Theo PGS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc, sau 7 năm triển khai thực hiện, chương trình đã hoàn thành các mục tiêu đặt ra, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển nhân lực, kinh tế, xã hội bền vững theo hướng bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng Tây Bắc.
Chương trình đã điều phối và thu hút 40 tổ chức và tổng số 600 nhà khoa học đăng ký tham gia chủ trì thực hiện đề tài đến từ nhiều tổ chức khoa học công nghệ trong cả nước. Có 200 tổ chức khoa học lớn tham gia phối hợp thực hiện, trong đó có 12 sở, ngành thuộc các tỉnh vùng Tây Bắc. Toàn bộ 58 đề tài, dự án thuộc chương trình được tiến hành dựa trên cơ sở dữ liệu có độ tin cậy cao, các phương pháp nghiên cứu, triển khai, cách tiếp cận phong phú, đa dạng, hiện đại, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của từng nhiệm vụ.
Chương trình đã mang lại kết quả khoa học có giá trị, làm cơ sở triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm và mở rộng quy mô nghiên cứu trong giai đoạn sắp tới, góp phần xây dựng, phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực tại chỗ, thu hút các nguồn nhân lực khác, phát huy thế mạnh các nguồn lực tự nhiên trong chiến lược phát triển bền vững vùng Tây Bắc.
Bên cạnh các nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học phục vụ xác định chiến lược, kế hoạch phát triển và các khâu đột phá của vùng và các địa phương vùng Tây Bắc, chương trình cũng đã đạt được các kết quả cụ thể, thực tiễn về ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao giá trị các sản phẩm hàng hóa và các mô hình tăng trưởng. Phát triển giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển văn hóa - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng.
Kết quả nghiên cứu của Chương trình Tây Bắc là cơ sở quan trọng để phục vụ đầu tư và quản lý, không chỉ đối với quốc gia, các ban, bộ, ngành mà còn với các tỉnh và là nhu cầu bức thiết đối với nước ta trong thời kỳ đổi mới hiện nay.
PGS Nguyễn Kim Sơn cho biết thêm: “Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã kịp thời tổng hợp, chọn lọc các kết quả đạt được từ Chương trình Tây Bắc để góp ý các dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ của một số tỉnh vùng Tây Bắc nhiệm kỳ 2020 - 2025; Báo cáo tư vấn phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025 cho các tỉnh vùng Tây Bắc; đặc biệt đã đề xuất với Ban Kinh tế T.Ư về quan điểm và giải pháp về phát triển bền vững vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045”.

Tiếp tục "nhờ" khoa học công nghệ để vực dậy Tây Bắc

Tại hội nghị, ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ KHCN, gửi lời cảm ơn tới các nhà khoa học đã mang hết tâm huyết, trí tuệ và không quản ngại khó khăn để đi đến địa bàn xa xôi, góp phần đưa khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Rồi đây, một Tây Bắc giàu tiềm năng, lợi thế sẽ cất cánh và phát triển bền vững với sự đồng hành của khoa học và công nghệ.
Theo ông Chu Ngọc Anh, Chương trình Tây Bắc đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhiều kết quả từ các nhiệm vụ nghiên cứu đã và đang được chuyển giao hoặc bàn giao cho các ban, bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu của chương trình cũng chỉ ra rằng, vùng Tây Bắc là vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế nhưng chưa được khám phá và phát huy tốt để phát triển. Tây Bắc vẫn là vùng còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, chịu nhiều tác động ngày càng lớn bởi biến đối khí hậu.
“Trong thời gian tới, việc tiếp tục triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ sẽ góp phần tạo nên một nền tảng, một đòn bẩy tri thức - công nghệ - văn hóa - xã hội mạnh mẽ, góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững vùng Tây Bắc, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân các dân tộc trong vùng”, ông Chu Ngọc Anh nói.
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư, cũng đánh giá cao về sự tham gia của hơn 600 nhà khoa học đã trực tiếp giải quyết một số vấn đề cơ bản và nóng bỏng nhất đang đặt ra trong thực tiễn, giúp vực lên để phát triển bền vững vùng Tây Bắc.
Tuy nhiên, vùng đất khó khăn nhất nước này vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp như suy thoái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; ô nhiễm môi trường; tỷ lệ hộ nghèo cao; chất lượng nguồn nhân lực mức thấp; tệ nạn xã hội, ma túy, buôn bán và phụ nữ trẻ em gia tăng trong thời gian gần đây… "Điều này hàm ý việc tiếp tục tổ chức triển khai nghiên cứu là xuất phát từ chính nhu cầu thực tiễn của vùng và sự phát triển bền vững của Tây Bắc, cũng chính là sự phát triển bền vững của cả nước", ông Bình nói.

Theo ông Bình, để tìm ra lời giải tối ưu, hài hòa cho các bài toán phát triển trước mắt và lâu dài, để phát huy tối đa các tiềm năng và lợi thế nhằm nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển so với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, lựa chọn duy nhất là phát huy nguồn lực trí tuệ, nguồn lực con người, tức là dựa vào sức mạnh của khoa học công nghệ và văn hóa.

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.