28% sinh viên có nguy cơ phải bỏ học khi tăng học phí?

Hà Ánh
Hà Ánh
23/11/2018 19:03 GMT+7

Một khảo sát của tác giả với trên 1.000 hộ dân ở 11 tỉnh thành đầu năm 2017 cho thấy có tới 28% sinh viên có nguy cơ phải bỏ học nếu tăng học phí.

Sáng 23.11, hội thảo khoa học quốc gia “Nhu cầu nhân lực cho phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những đáp ứng của giáo dục ĐH Việt Nam” do Văn phòng Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực (Bộ GD-ĐT) phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức.

74% phụ huynh sẵn sàng vay tiền cho con học đại học

Trong bài tham luận của mình, PGS-TS Đặng Thị Lệ Xuân, khoa Kế hoạch và phát triển Trường ĐH Kinh tế quốc dân, đã công bố kết quả khảo sát  với trên 1.000 hộ dân ở 11 tỉnh thành đầu năm 2017. Theo đó  71% người dân đồng ý giáo dục ĐH là khoảng đầu tư cho tương lai và 74% sẵn sàng đi vay tiền cho con theo học ĐH.

Tuy nhiên, tác giả cũng công bố kết quả cuộc điều tra về tác động của việc tăng học phí với với người học. Cụ thể, có tới 28% sinh viên có nguy cơ phải bỏ học khi tăng học phí. Trên một nửa số hộ gia đình được hỏi cho biết họ phải cho con đi làm thêm do học phí cao, riêng nhóm nghèo nhất phải đi làm hêm nhiều nhất (79%).

Điều tra thực tế sinh viên đang học cũng cho thấy kết quả tương đồng với các phụ huynh : Hiện có 51% sinh viên đang phải đi làm thêm chỉ vì học phí cao (không tính số người làm thêm vì muốn có thêm kinh nghiệm).

Cũng theo điều tra này, có tới 33-41% sinh viên đang đi làm thêm phản ánh rằng việc đi làm ảnh hưởng nhiều và rất nhiều ở cả 4 khía cạnh: lên lớp, tiếp thu bài giảng, kết quả học tập và khả năng hoàn thành khóa học. Để đảm bảo khách quan, điều tra còn hỏi sinh viên không đi làm thêm  nhận định của họ về ảnh hưởng của việc làm thêm tới bạn bè của mình, kết quả khá ngạc nhiên khi mức độ tương đồng có sự trùng khớp.

Rào cản với học sinh nghèo học giỏi?

Cuộc điều tra còn lấy ý kiến, phản ứng của phụ huynh có con đang học hoặc chuẩn bị thi ĐH về mức học phí hiện hành. Khi được hỏi về mức học phí mới (13-17 triệu đồng/ năm) thì có tới 85% nhóm nghèo nhất cho rằng đây là mức cao và rất cao.

Cũng với mức học phí này, gần 40% số người nhóm nghèo nhất và trên một nửa số người nhóm cao hơn không thể đảm bảo kinh phí cho con theo học.

Nếu tính tổng tất cả các nhóm, có tới 37% số hộ gia đình sẽ không thể đảm bảo kinh phí cho con đi học ĐH. Giải pháp với các gia đình này là chọn trường có mức học phí thấp hơn hoặc đi vay tiền cho con học, cho con đi làm thêm khi đi học.

Từ đó, tác giả cho rằng, học sinh các gia đình ở tất cả các nhóm thu nhập đều có thể bị tước đoạt quyền được theo học trường ĐH mà mình mong muốn vì lý do học phí. Tính tổng các nhóm, có tới 32% số học sinh sẽ không được học trường mà mình mong muốn vì lý do học phí.

Mức học phí mới khiến cho 100% hộ gia đình thuộc nhóm nghèo nhất và 77% hộ gia đình nhóm kế tiếp có nguy cơ phải đi vay tiền cho con theo học ĐH. Kể cả 2 các nhóm còn lại thì con số thống kê cũng không hề thấp. Như vậy, nếu các gia đình không thể vay tiền cho con đi học thì có tới 58% số học sinh không thể đi học ĐH vì lý do tài chính.

Cần chính sách tài chính bổ trợ

Cũng theo tác giả, các trường ĐH được thực hiện tự chủ được phép thu học phí cao hơn so với đại trà gấp 2-3 lần. Nguồn thu này là cơ sở cho các khoản chi chuyên môn như nghiên cứu khoa học sinh viên, giảng viên, giáo trình và chi lương giảng viên. Đáng nói, trong 3 trường ĐH đang thực hiện chính sách tự chủ theo đề án của Chính phủ thì có 2 trường học phí chiếm tới 70% nguồn thu của trường, trường còn lại chiếm một nửa.

Từ những số liệu trên, PGS-TS Đặng Thị Lệ Xuân cho rằng, nguồn thu học phí là điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của giáo dục ĐH khi nó góp phần nâng cao chất lượng từng bước. Tuy nhiên, chính sách này ảnh hưởng tới tính công bằng khi nó trực tiếp gạt đi những học sinh đủ khả năng học tập nhưng không đủ khả năng tài chính.

Vì vậy, theo PGS-TS Đặng Thị Lệ Xuân, bên cạnh thực thi chính học sinh học phí, cần có các chính sách tài chính khác bổ trợ để hạn chế sự bất công bằng trong tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ giáo dục của người học do học phí gây ra. Đó có thể là học bổng cho sinh viên nghèo, đối tượng chính sách và đặc biệt là chính sách tín dụng sinh viên một cách hiệu quả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.