15 năm tiếp sức mùa thi: Nhiều hỗ trợ dành cho thí sinh

25/06/2016 05:14 GMT+7

“Dù kỳ thi có thay đổi thế nào, thí sinh vẫn có thể yên tâm bởi đã có những đội hình sinh viên tình nguyện khắp các tỉnh, thành sát cánh hỗ trợ”.

Đó là thông điệp các đơn vị tham gia chương trình Tiếp sức mùa thi gửi gắm đến các thí sinh (TS) trên cả nước, nhân buổi tư vấn trực tuyến diễn ra chiều 24.6, tại Báo Thanh Niên.
Đồng loạt triển khai tại 63 tỉnh, thành
Năm nay, lần đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức đồng thời ở tất cả các tỉnh thành của cả nước với 120 cụm thi. Chính vì vậy, nhiều TS và phụ huynh tỏ ra lo ngại trước những điểm mới nói trên.
Giải tỏa phần nào những băn khoăn đó, anh Lâm Đình Thắng, Phó chủ tịch Hội Sinh viên VN, cho biết: “14 năm qua, chương trình đã được các đơn vị tổ chức liên tục, chu đáo, hỗ trợ đắc lực cho TS. Điều này thể hiện truyền thống của người dân VN - nhân văn, nghĩa tình. Năm nay, chương trình lần đầu tiên được mở rộng quy mô trên toàn quốc. Chương trình đồng loạt triển khai ở 63 tỉnh, thành và được tăng cường nguồn lực cho tình nguyện viên nhằm tiếp cận, hỗ trợ tốt nhất cho TS”.

tin liên quan

Tiếp sức thí sinh sẽ quy mô hơn
Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên, tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long, cho biết để phù hợp với sự thay đổi của kỳ thi, chương trình “Tiếp sức mùa thi” sẽ được tổ chức quy mô hơn.

Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT, thông tin: “Chỉ còn 1 tuần nữa kỳ thi sẽ diễn ra. Đến nay, TS đã có giấy báo dự thi và nắm vững địa điểm thi. Các cụm thi cũng chuẩn bị xong công tác tổ chức thi. Bên cạnh đó, chương trình cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho TS”.
Đến từ đơn vị dày dạn kinh nghiệm trong việc hỗ trợ TS trong suốt 20 năm nay, anh Lê Xuân Dũng, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM kiêm Trưởng ban tổ chức chương trình Tiếp sức mùa thi tại TP.HCM, tự tin nói: “Đến nay, mọi thứ đã sẵn sàng tiếp đón tất cả TS thi tại TP.HCM. Giai đoạn 1, từ ngày 25.6 đến 4.7, có 4.000 - 5.000 sinh viên tình nguyện ra quân trực tại 64 điểm thi cho hơn 66.000 TS... Giai đoạn 2 hỗ trợ TS và người nhà nộp hồ sơ xét tuyển, kéo dài từ ngày 1 - 12.8. Sinh viên tình nguyện bố trí ở bến xe, các trường, trên các tuyến xe buýt. Chúng tôi đã tập huấn kiến thức, kỹ năng cho tình nguyện viên, cập nhật những thay đổi trong kỳ thi để hỗ trợ TS hiệu quả”.
Trong khi đó, mặc dù lần đầu tiên tỉnh Đồng Nai tham gia tổ chức cụm thi ĐH nhưng chị Vũ Thị Hương, Trưởng ban Trường học Tỉnh đoàn, cho hay: Năm nay, tỉnh đã lập 7 đội hình thường trực, tiếp sức cho 20 điểm thi với trên 500 tình nguyện viên tham gia. Ngày 26.6, Tỉnh đoàn ra quân chiến dịch, bắt đầu hỗ trợ cho TS về TP.Biên Hòa làm thủ tục thi, tìm nhà trọ…

Chú trọng kỹ năng giao tiếp với thí sinh
Khá nhiều TS và phụ huynh đã đặt câu hỏi cho những người tham gia buổi tư vấn trực tuyến. Bên cạnh những quan tâm về sự hỗ trợ nơi ăn chốn ở, hướng dẫn đi lại…, có ý kiến thắc mắc: “Các tình nguyện viên cần chuẩn bị kiến thức và kỹ năng gì để hỗ trợ tốt nhất cho TS?”.
Anh Lê Xuân Dũng khẳng định: “Trong hơn 10.000 người đăng ký, chúng tôi sơ tuyển để lựa chọn ra những người có đủ tiêu chí. Bởi chúng tôi quan niệm chỉ cần tư vấn sai sẽ gây hại cho TS. Yêu cầu là phải có kiến thức chung về kỳ thi THPT quốc gia và phương thức xét tuyển. Các kỹ năng cơ bản phải có là giao tiếp, thuyết phục, làm việc nhóm. Ngoài ra còn đòi hỏi tính kỷ luật phải cao; tuân thủ quy định nghiêm ngặt của chương trình như giờ trực, tác phong...”.

tin liên quan

Lần đầu tiên 63 tỉnh, thành giúp thí sinh
Năm nay, kỳ thi THPT quốc gia được chia thành nhiều cụm ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Để phù hợp với sự thay đổi của kỳ thi, chương trình Tiếp sức mùa thi được tổ chức tại 63/63 tỉnh, thành.

Chị Vũ Thị Hương cho rằng một trong những điểm nhấn của chương trình năm nay ở Đồng Nai chính là chú trọng trang bị kỹ năng giao tiếp cho sinh viên tình nguyện. Trao đổi thêm với PV Thanh Niên, chị Hương giải thích: “Đối với sinh viên tình nguyện, điều quan trọng nhất là tiếp cận với TS để biết rõ nhu cầu tư vấn và hỗ trợ điều kiện cần thiết nhất trong mùa thi. Chẳng hạn đó là các nhu cầu về thông tin đường đi, chỗ trọ, các thủ tục liên quan đến kỳ thi, phòng thi. Nếu như tình nguyện viên không được trang bị những kỹ năng đó thì không thể tiếp cận được với TS”.
Chị Hương cho biết thêm, chương trình ở Đồng Nai còn có đội hình phản ứng nhanh, cập nhật tình hình TS có vướng mắc gì để kịp thời hỗ trợ về an toàn giao thông, xe ôm hay có phương án đối phó với ngập lụt trong những ngày mưa.
Nhiều tình nguyện viên và thí sinh quan tâm đến chương trình Tiếp sức mùa thi. Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Nhiều tình nguyện viên và thí sinh quan tâm đến chương trình Tiếp sức mùa thi. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Theo chị Trịnh Thị Thúy Hằng, Phó chủ tịch thường trực Hội Sinh viên tỉnh Bình Dương, bên cạnh việc hỗ trợ ăn ở và đi lại, địa phương này chuẩn bị những điểm vá xe lưu động hỗ trợ TS và phụ huynh trên đường đi thi. Ngoài ra còn có những đội hình hỗ trợ việc phân tuyến giao thông giờ cao điểm. Lực lượng sinh viên tình nguyện đã có phương án chủ động giúp đỡ các TS, đặc biệt TS khó khăn về chỗ ăn, ở.
Một TS hỏi: “Làm sao để nhận diện được đâu là đội quân tiếp sức mùa thi thật? Nếu gặp đối tượng lừa đảo thì phải làm sao?”. Anh Lê Xuân Dũng chia sẻ: “Trong những năm qua, có rất nhiều đối tượng lợi dụng hình ảnh chương trình để thực hiện động cơ xấu. Tuy nhiên gần đây tình trạng đó đã giảm. Các bạn cần lưu ý: Đội sinh viên tình nguyện trực ngay tại địa điểm thi, theo nhóm chứ không đơn lẻ 1 - 2 cá nhân. Bên cạnh đó, còn có những đặc điểm về đồng phục để nhận diện”.
Theo anh Dũng, TS nên liên hệ với tình nguyện viên ở ngay cổng trường nơi điểm thi của mình. Trong trường hợp nghi ngờ đối tượng lừa đảo, TS và phụ huynh có quyền hỏi những thông tin cơ bản, thậm chí yêu cầu cho xem thẻ.
Mất giấy tờ thì làm sao?
Một số TS băn khoăn: “Nếu mất hết giấy tờ tùy thân, có được tham gia dự thi không?”. Ông Nguyễn Quốc Cường nói: “Nếu chẳng may rơi vào trường hợp như thế, các em cũng không có gì phải hoang mang. Những kỳ thi trước có không ít TS bị mất hết giấy tờ ngay trước thời điểm gần giờ thi. Tôi khẳng định, các TS này vẫn được tạo điều kiện tốt nhất để vào dự thi. Ngay khi đến điểm thi, TS cần báo ngay với hội đồng thi để tiến hành chụp ảnh, lấy dấu vân tay và viết giấy cam đoan để tránh trường hợp thi hộ”.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.