'100% sinh viên có việc làm, việc gì vậy?'

Hà Ánh
Hà Ánh
08/01/2020 11:30 GMT+7

‘Nhiều hiệu trưởng, trưởng khoa thường nói trường chúng tôi sinh viên ra trường có việc làm 80%, 90% thậm chí 100%. Nhưng tôi lại nghĩ, việc gì vậy?’

Câu hỏi này được chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, Chủ tịch Công ty đào tạo lãnh đạo và dịch vụ phát triển bền vững đặt ra tại Hội thảo gắn kết nhà trường và đơn vị sử dụng lao động trong quá trình đào tạo, tuyển dụng nhân sự do Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức sáng nay 8.1.

'Phải là việc làm xứng đáng'

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, Chủ tịch Công ty đào tạo lãnh đạo và dịch vụ phát triển bền vững: "Tôi nhận thấy vấn đề chúng ta đang gặp phải là nói về kinh tế thị trường nhưng mình sản xuất ra không biết họ đi đâu về đâu. Nhiều hiệu trưởng, trưởng khoa thường nói trường chúng tôi sinh viên (SV) ra trường có việc làm 80%, 90% thậm chí 100%. Nhưng tôi lại nghĩ, việc gì vậy? Việc bưng bê, dịch vụ, việc làm cò con hay khởi nghiệp rồi chết?".

Khung cảnh hội thảo sáng nay 8.1

Trung Kim

Theo ông Dũng, cái chúng ta cần nói ở đây là đầu ra có chất lượng không. "Cái tôi mong muốn là SV ra trường có việc làm nhưng phải là việc làm xứng đáng", ông Dũng nói.
Tiếp tục bài phát biểu, theo ông Dũng, cái doanh nghiệp đang cần là chất lượng sinh viên. Từ kinh nghiệm giảng dạy tại các trường ĐH, ông Dũng cho thấy tình trạng chung là không ít SV đang tự cao, niềm tin nhiều nhưng còn chủ quan.
"Chúng ta đang nâng họ lên quá tầm nhưng họ không định vị được họ ở đâu", ông Dũng nói. Trong khi đó, khi đi làm doanh nghiệp không chỉ cần người kiếm tiền giỏi cho họ mà còn cần sự tôn trọng cấp trên. Theo chuyên gia kinh tế này, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng sinh viên, trong đó cốt lõi nhất là giảng viên.

'Vô doanh nghiệp để được đào tạo là suy nghĩ sai lầm'

Với tư cách cựu SV trường, luật sư Trương Nhật Quang (Công ty Ánh sáng luật), đã nêu một số vấn đề về gắn kết nhà trường với đơn vị sử dụng lao động.
Ông Quang cho rằng SV không cần có kinh nghiệm làm việc nhưng cần có kiến thức thực tế. Thực tế doanh nghiệp tuyển người vào để làm được việc chứ không phải để đào tạo. "Nếu SV có hy vọng vô doanh nghiệp để được đào tạo là suy nghĩ sai lầm. Doanh nghiệp phải chạy, bạn làm không được phải dừng lại hỏi người khác là họ không muốn", ông Quang phân tích.
Tuy nhiên, theo luật sư này, SV mới ra trường vẫn có cơ hội nếu có tiếp cận được thực tiễn từ nhà trường, nhanh chóng chủ động hội nhập khi bước vào doanh nghiệp. Thời gian hội nhập có thể 2 tháng, 4 tháng hay 6 tháng thì doanh nghiệp có thể hiểu và sẵn sàng tiếp nhận. Điều này đòi hỏi SV phải nỗ lực chứ không chỉ đợi nhà trường không.

Luật sư Trương Nhật Quang tại hội thảo

Trung Kim

"Bản thân tôi không muốn nhận nhiều SV thực tập, tốn thêm thời gian hướng dẫn và trả lời các vấn đề các bạn hỏi vốn đã có trong luật. SV phải ở tâm thế chủ động và phải là người đã có kiến thức trước khi tìm đến doanh nghiệp. Nếu chỉ mong muốn đến đó để học thì không đạt được vì doanh nghiệp chỉ là nơi thực hành và làm việc", ông Quang chia sẻ.
Theo ông Quang, cần có sự phối hợp giữa trường và những người làm công tác thực tiễn bên ngoài trong giảng dạy, biên soạn giáo trình. Gần như cứ 10 năm hệ thống luật cơ bản sẽ thay đổi một lần, từ đó dẫn đến sự thay đổi của hàng loạt luật. Khi luật mới ra đời, giảng viên phải nghiên cứu rồi mới viết giáo trình, chờ thẩm định rồi ra sách thì luật chuẩn bị lạc hậu. Do vậy, theo ông Quang, cần có những người làm công tác thực tiễn vào giảng dạy trong nhà trường, phối hợp biên soạn giáo trình. Trường nên mời những nhà lập pháp định hướng được xu hướng thay đổi pháp luật để có kiến thức mới cập nhật cho sinh viên.

'Người học luật không thể nào không có kiến thức khác'

Luật sư Trương Thị Hòa kiến nghị trường đào tạo cho SV không chỉ kiến thức chuyên sâu mà còn kiến thức đa năng nhiều mặt để SV tự mình cạnh tranh với bản thân mình, cạnh tranh với người khác.
"Chúng tôi thấy SV có chuyên môn nhưng không chuyên sâu", bà Hòa nói. Kiến thức chuyên sâu ở đây, theo bà Hòa là những nguyên tắc cơ bản của ngành luật để lúc nào chạm tới luật cũng có thể so sánh, có mối liên hệ giữa các luật với nhau.
Cũng theo luật sư Trương Thị Hòa: "Ngoài kiến thức luật thì người học luật không thể nào không có kiến thức khác. Như Mỹ phải tốt nghiệp các khối kiến thức khác rồi mới học luật là vì vậy". Theo luật sư này, trường nên có thêm những buổi ngoại khóa bổ sung kiến thức xã hội và các mặt.

Luật sư Trương Thị Hòa

Trung Kim

"Tôi có đến tiếp xúc một trường ĐH tư có khoa luật, trường này đang đào tạo cho SV kỹ năng giao tiếp, tếp cận cho xã hội và điều này rất quan trọng. Kính mong thầy cô giúp cho SV điều này, điều đó cần lắm", bà Hòa nhắn nhủ.
Theo bà Hòa, bên cạnh những nỗ lực của lãnh đạo nhà trường và đội ngũ giảng viên còn có vai trò của bản thân người học. Nếu không có SV góp phần thì không có bước chuyển lớn được.
Trước các ý kiến doanh nghiệp, PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP.HCM, cũng cho rằng sản phẩm người học nếu chỉ có tư cách, chuyên môn mà chưa có lòng nhiệt thành cũng chưa tốt. Trong lòng nhiệt thành có sự nhiệt huyết và chân thành. Tôi đồng ý là bằng mọi cách để SV có được điều đó, trong đó vai trò giảng viên quan trọng nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.