10 nhà khoa học xã hội nhân văn mới có 1 người có khả năng 'dẫn dắt'!

08/10/2017 14:21 GMT+7

Một dự án thuộc Trường ĐH Thành Tây (Hà Nội), vừa công bố kết quả khảo sát các nghiên cứu về khoa học xã hội của Việt Nam, cho thấy số bài viết về lĩnh vực này được đăng trên tạp chí quốc tế rất ít.

Theo kết quả mà nhóm thực hiện dự án mạng lưới khoa học xã hội Việt Nam của Trung tâm nghiên cứu xã hội liên ngành, Trường đại học Thành Tây “đếm” được thì trong suốt 10 năm (từ 2008 - 7.2017) Việt Nam chỉ có 412 nhà khoa học khối ngành khoa học xã hội và nhân văn có bài đăng trên các ấn phẩm Scopus (danh sách các tạp chí quốc tế của Elsevier – một công ty xuất bản học thuật ở Hà Lan). Đây là con số quá nhỏ nho so với tổng số ước tính khoảng trên chục ngàn tiến sĩ khối ngành này hiện nay.
Trong buổi công bố kết quả ban đầu của dự án (được tổ chức hôm qua, 7.10 tại Hà Nội), các diễn giả còn bình luận: “Nếu ví các nhà khoa học như những con sói, thì các nhà khoa học khối ngành khoa học xã hội và nhân văn của chúng ta rất ít những “con sói đơn độc” (nghĩa là khả năng nghiên cứu một mình - PV), hoặc nói cách khác là chưa nhiều những “con sói đầu đàn” , có vai trò dẫn dắt nền khoa học".
Cụ thể những nhà khoa học có bài solo (bài chỉ có một tác giả - PV) rất ít. Số tác giả chưa có bài solo là 307 người (chiếm 75% trong tổng số 412 nhà khoa học được thống kê). Số người có ít nhất một bài đóng vai trò chủ đạo chỉ chiếm một nửa. Những người có 2 bài solo còn giảm nữa (còn 123 người), có 3 bài còn 77 người. Nấc cao nhất (có 5 bài solo) chỉ 37 người. “Như vậy trong 10 nhà khoa học xã hội và nhân văn chỉ 1 người giỏi ở mức độ có vai trò dẫn dắt người khác”, một diễn giả nói.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy năng suất nghiên cứu của các nhà khoa học khối ngành khoa học xã hội và nhân văn trong nhóm tuổi 30 - 50 tỉ lệ thuận với số tuổi và số công trình của các nhà khoa học (càng nhiều tuổi càng có bài đăng). Nhưng quy luật này không đúng với nhóm người trên 50 tuổi. “Cái này phản ánh có khoảng cách với các ngành nghiên cứu hiện đại của những nhà khoa học lớn tuổi. Ngoài ra họ còn gặp vấn đề về ngôn ngữ (tiếng Anh – PV), hoặc có quan hệ với các tạp chí xuất bản không mạnh như người trẻ”, đại diện nhóm nghiên cứu giải thích.
Theo nhóm nghiên cứu, dù rất ít nhà khoa học có công bố quốc tế, nhưng khối ngành khoa học xã hội cũng đã và đang xuất hiện những “ngôi sao”. Chẳng hạn, trong khi số lượng bài trung bình là 3,6 bài/ người, thì người có số lượng bài được xuất bản nhiều nhất là 63 bài. Hoặc có người được xuất bản bài khi mới 19 tuổi . Một “nét đẹp” nhất trong hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn là có nhà khoa học một mình xuất bản đến 58 bài (trong khi phần lớn các bài được xuất bản là công trình của các nhóm tác giả), và người có số lượng bài nhiều nhất là 63.
Nhóm nghiên cứu cũng nhận xét: “Nếu có ai đó chê các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn thì khi nhìn vào các con số này sẽ phải suy nghĩ lại. Rõ ràng năng lực nghiên cứu của nhiều nhà khoa học xã hội và nhân văn của chúng ta không hề kém".
Trao đổi với nhóm nghiên cứu, PGS Nguyễn Ngọc Châu, Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật - Viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam cho biết ông và các đồng nghiệp khối ngành khoa học tự nhiên thực sự ấn tượng bởi các kết quả do nhóm đưa ra. Cũng theo ông Châu, trong các cuộc tranh luận từ trước tới nay, nhiều học giả đến từ các ngành khoa học tự nhiên hồ nghi việc ở Việt Nam có nền nghiên cứu khoa học xã hội mà cho rằng chúng ta chỉ có khoa học minh họa. Rồi ông Châu nhận xét: “Các anh làm được cái phân tích này là rất hay, bởi nó cho chúng ta thấy rằng tuy còn le lói nhưng ở VN có một số nhà khoa học đang nghiên cứu về khoa học xã hội thực sự, có bằng chứng, có số liệu”.
Tuy nhiên ông Châu góp ý nhóm nên hoàn thiện công cụ cũng như phương pháp thống kê, phân tích, đánh giá, để đưa ra được những con số có ý nghĩa hơn, đánh giá đươc chất lượng nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học nói chung, khối ngành khoa học xã hội nói riêng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.