Giáo dục trong thời đại mới

31/12/2018 07:14 GMT+7

Những ngày này, chúng ta nghe nói nhiều về công nghiệp 4.0. Nếu quan sát và phân tích, chúng ta sẽ nhận ra, dù gọi bằng tên nào đi chăng nữa, thì rõ ràng đang có một bước chuyển lớn về cách thức tổ chức sản xuất, do sự phát triển của khoa học, công nghệ và kết nối toàn cầu.

Phía sau nó là cả một thời đại mới đang tới. Chúng ta có thể gọi tên là thời đại 4.0, hay thời đại hậu thông tin, hay thời đại trí tuệ nhân tạo đều được, vì tên gọi, không quan trọng bằng bản chất.
Sự xuất hiện của một thời đại mới như thế sẽ mang lại những cơ hội vô cùng lớn cho VN phát triển. Những cơ hội này chúng ta chưa từng có, vì trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, chúng ta đứng ngoài cuộc chơi, vì chúng ta không biết, hoặc không thể tham gia, do chiến tranh và dân trí quá thấp.

Động cơ... biết tư duy

Để nắm được cơ hội đang tới này, có hai vấn đề mấu chốt cần cải thiện mạnh mẽ. Thứ nhất là cải thiện thể chế - cơ chế quản trị, vận hành quốc gia sao cho hiệu quả và phù hợp. Thứ hai là cải thiện chất lượng giáo dục, tức chất lượng của con người, sao cho đáp ứng với yêu cầu của thời đại mới.
Tạm thời bỏ qua vấn đề thứ nhất vì không nằm trong chủ đề của bài viết này, chúng ta sẽ thấy, giáo dục cần phải thay đổi mạnh mẽ, không chỉ bởi nhu cầu tự thân của giáo dục, mà còn bởi yêu cầu của thời đại mới đang đến.
Nếu nhìn giản lược để đặc trưng các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây bằng sự xuất hiện của các động cơ, thì thời kỳ 1.0 được đặc trưng bằng động cơ hơi nước, thời kỳ 2.0 động cơ điện, thời kỳ 3.0 động cơ điện tử (máy tính và thiết bị điện tử) thì thời kỳ 4.0 sẽ được đặc trưng bởi động cơ... biết tư duy, tức trí tuệ nhân tạo.
Giáo dục sẽ làm gì khi có sự xuất hiện của những cỗ máy biết suy nghĩ đó?

Các vấn đề cần giải quyết

Giáo dục có nên tập trung đào tạo những con người để cạnh tranh với robot có trí tuệ nhân tạo?
Giáo dục cần làm gì để nuôi dưỡng nhân tính, để con người vẫn còn là con người, thay vì một dạng máy móc vô cảm? Và vô số câu hỏi cơ bản khác nữa...
Chưa kể, trong thời đại mới này, do sự phát triển của công nghệ và kết nối internet, con người cá nhân được giải phóng và trở thành lực lượng chủ đạo của xã hội. Con người cá nhân ra đời và tìm được vị trí, có được điều kiện để phát triển và ngày càng thể hiện được vai trò quyết định của mình.
Nhìn vào sản xuất chúng ta sẽ thấy, với các nhu cầu cơ bản và đại trà, khủng hoảng của sản xuất hiện giờ là khủng hoảng thừa. Để tồn tại và phát triển, sản xuất và dịch vụ đang dịch chuyển theo hướng cá nhân hóa như một xu hướng tất yếu.
Giáo dục trong thời kỳ mới phải đương đầu với tất cả các vấn đề cơ bản đó. Từ sự xuất hiện của một làn sóng công nghiệp mới, làm cho việc tổ chức sản xuất và xã hội sẽ thay đổi cơ bản, đến sự xuất hiện của con người cá nhân với hành vi và lối sống hoàn toàn khác trước.
Giáo dục đối mặt và tham gia giải quyết các vấn đề đó thành công. Nếu không thì đó là thất bại không chỉ của giáo dục, mà còn là sự thất bại chung của quốc gia, và một lần nữa, viễn cảnh lỡ tàu sẽ trở thành sự thật.

Đào tạo người có khả năng làm chủ cuộc sống

Giáo dục là một hệ thống cồng kềnh phức tạp, xuyên suốt từ mầm non đến đại học, liên quan đến hàng chục triệu con người.
Thật may mắn, những vấn đề phức tạp nhiều khi lại không đòi hỏi một giải pháp phức tạp tương ứng. Giải pháp cho những vấn đề như thế đôi khi lại bắt đầu bằng những nguyên tắc rất đơn giản đến mức ngạc nhiên, nếu chúng ta dám nhìn thẳng vào hiện trạng, nhìn rõ thách thức và có mục tiêu rõ ràng để vươn tới.
Vậy hiện trạng của hệ thống giáo dục hiện thời là gì? Đầu tiên và quan trọng nhất là vấn đề triết lý và mô hình giáo dục.
Dù không được gọi tên, nhưng nền giáo dục hiện thời đang tập trung đào tạo những con người công cụ, ghi nhớ như máy tính và cạnh tranh với robot.
Đó là triết lý vận hành ngầm của nền giáo dục hiện thời. Triết lý này cần phải thay đổi. Thay vì tập trung đào tạo con người công cụ, cần phải chuyển sang đào tạo những con người tự do, có khả năng lãnh đạo bản thân, làm chủ cuộc sống. Vì chỉ những con người như thế, mới có thể đối mặt và thành công trong một thời đại mới, tuy có nhiều cơ hội, nhưng bất định và bất lường.
Còn về mô hình, hệ thống giáo dục hiện thời cần xác lập một mô hình giáo dục chủ đạo, có khả năng hiện thực hóa triết lý giáo dục về việc đào tạo những con người tự do đã được xác lập.
Từ thực tế cho thấy mô hình giáo dục khai phóng là phù hợp hơn cả, đủ sức để tạo ra những con người có đủ năng lực để làm chủ bản thân và có cơ hội thành công trong thời đại mới này.
Như thế, một vấn đề rất lớn của giáo dục, tưởng chừng không thể tháo gỡ, lại có thể thay đổi hoàn toàn, nhờ việc xác lập lại một triết lý giáo dục mới, triển khai một mô hình giáo dục mới, để vươn lên làm chủ thời đại mới đang tới.
Nếu giáo dục làm được như thế, thì tương lai của giáo dục, và do đó là tương lai của đất nước, sẽ vô cùng tươi sáng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.