Giáo dục nhìn từ một bài toán

05/12/2022 04:17 GMT+7

Những tranh luận xung quanh một bài giải toán phép nhân đơn giản của học sinh tiểu học giúp thấy được nhiều điều về giáo dục một con người.

Bài toán được một giáo viên (GV) cho học sinh (HS) mới bắt đầu học phép nhân như sau: “Hằng ngày, cô Ba lái đò chở các bạn nhỏ qua sông đi học. Sáng nay cô Ba chở 6 chuyến đò, mỗi chuyến có 4 bạn. Hỏi sáng nay, cô Ba chở bao nhiêu bạn nhỏ qua sông?”. Trong phần bài giải, HS đặt phép tính “6x4 = 24”. GV cho là sai. Một phụ huynh thắc mắc vì sao bài toán bị chấm sai nên đã chia sẻ hình ảnh trên một diễn đàn, thu hút nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Tuy nhiên, kể cả khi có chuyên gia phân tích rằng nhận xét của GV là không sai vì như thế nhằm giúp HS hiểu đúng ý nghĩa của phép nhân thì cuộc tranh cãi vẫn tiếp tục diễn ra.

Là phụ huynh, hẳn ít nhiều ai cũng từng dạy con học và lắm lúc “vò đầu bứt tai” khi con không chịu cách ba mẹ chỉ dẫn vì cho rằng “không giống cô dạy ở trường”. Ngược lại, đôi khi phụ huynh cũng bức xúc tại sao bài toán này không giải theo hướng đơn giản mà lại lòng vòng nhiều bước, rối rắm… Ấy là bởi vì ba mẹ chỉ dẫn con theo cách hiểu của một người lớn, thậm chí có thể biết vững về lĩnh vực này, nhưng không phải là phương pháp của một nhà sư phạm nên chưa hiểu hết từng giai đoạn trong việc truyền thụ kiến thức cho HS.

Khi không xác định rõ điều này sẽ dẫn đến hiểu sai, không cảm thông lẫn nhau giữa phụ huynh và GV trong việc dạy dỗ HS. Hệ quả là đôi khi dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có giữa gia đình và nhà trường.

Giáo dục hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, đặc biệt trong 3 năm qua khi triển khai chương trình giáo dục mới từ tiểu học đến THPT. Từ đề án đến thực tiễn quả là một khoảng cách quá lớn, do cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan, khiến chương trình mới nảy sinh không ít bất cập. Thiếu giáo viên, thiếu điều kiện cơ bản để thực hiện, thiếu sự đồng bộ trong điều hành… nên chương trình giáo dục mới còn khập khiễng, vẫn phải vừa làm vừa điều chỉnh. Tạm bỏ qua những vấn đề vừa nêu, chỉ nói đến nội dung và hình thức thực hiện thì chương trình mới thật sự rất khác với những gì các thế hệ HS từ 3 năm trước đã được học.

Chắc chắn sẽ còn rất nhiều câu hỏi tại sao, những lo lắng, bức xúc từ phía phụ huynh khi “chạm” vào những câu chuyện cụ thể về giáo dục qua việc học của con trong chương trình mới. Hơn bao giờ hết, trong giai đoạn này, nhà trường và phụ huynh cần đồng hành, thấu hiểu nhau hơn. Nhà trường cần giúp phụ huynh tiếp cận nhiều hơn với những thay đổi trong giáo dục bằng nhiều cách khác nhau, có thể là những buổi mời phụ huynh đến dự giờ học của con em mình; là những chia sẻ thông tin trên các nền tảng công nghệ để phụ huynh hiểu hơn về chương trình. Về phía phụ huynh, cũng cần bình tĩnh hơn, suy nghĩ thoáng hơn để có thể đồng hành nhiều hơn nữa, trước hết là với con mình, sau đó đến nhà trường.

Người phương Tây có câu: “Cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ”. Thật vậy, để dạy dỗ, nuôi dưỡng một con người trở nên tử tế cần có sự góp sức, đồng hành của cả gia đình, nhà trường và cả cộng đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.