Giáo dục hội nhập quốc tế: Phát huy thế mạnh của học sinh

09/08/2023 06:05 GMT+7

Các chuyên gia có mặt trong buổi tọa đàm 'Chương trình giáo dục hội nhập quốc tế tại các trường phổ thông' của Báo Thanh Niên sáng qua 8.8 đã chia sẻ những điểm sáng ấn tượng trong các chương trình hội nhập quốc tế đang áp dụng tại TP.HCM, đồng thời nêu các đề xuất.

Tiên phong trong dạy tiếng Anh tăng cường cho học sinh lớp 1 từ cách đây 25 năm, áp dụng dạy chương trình tích hợp tiếng Anh, toán, khoa học hoàn toàn bằng tiếng Anh với giáo viên nước ngoài từ cách đây 10 năm..., giáo dục hội nhập quốc tế tại các trường phổ thông TP.HCM trong nhiều năm qua ngày càng khẳng định được vai trò của mình. Nhất là khi tháng 6 vừa qua, thực hiện chương trình hành động của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ GD-ÐT và TP.HCM được giao nhiệm vụ xây dựng TP.HCM thành trung tâm quốc tế về giáo dục.

Giáo dục hội nhập quốc tế: Phát huy thế mạnh của học sinh - Ảnh 1.

Buổi tọa đàm “Chương trình giáo dục hội nhập quốc tế tại các trường phổ thông” với sự tham gia của đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM, các trường có chương trình hội nhập quốc tế, chuyên gia giáo dục và đại diện một số trường ĐH

ĐỘC LẬP

Hội nhập quốc tế không chỉ là giỏi tiếng Anh

Trao đổi ý kiến tại tọa đàm, bà Trần Thị Hồng Thủy, Hiệu phó Trường THPT chuyên Trần Ðại Nghĩa, cho biết học sinh (HS) và phụ huynh của trường quan tâm rất nhiều tới những chương trình giáo dục có định hướng hội nhập quốc tế. Ðiều này thể hiện qua con số có 30/62 lớp tổ chức chương trình tiếng Anh tích hợp và nhu cầu các năm không thay đổi.

Ngoài ra, theo bà Thủy, trường có các chương trình khác mang tính hội nhập quốc tế. Ðối với các lớp không theo học chương trình tích hợp thì có tiếng Anh tăng cường và tin học tăng cường - yếu tố không thể thiếu trong việc hội nhập quốc tế.

Thêm vào đó, từ năm học 2022 - 2023, trường đã cụ thể hóa 2 chương trình tăng cường tiếng Anh, tăng cường tin học bằng 2 chương trình mới hơn. Ðó là chương trình tiếng Anh và tin học theo định hướng chứng chỉ quốc tế.

"Trường cũng tổ chức chương trình tiếng Anh với người bản ngữ để tăng cường giao tiếp. Bên cạnh đó, ngoài tiếng Anh, từ năm học 2018-2019, tất cả HS đều được tiếp cận thêm tiếng Ðức, Trung, Nhật, Pháp. Các em biết thêm một ngoại ngữ là một lợi thế để tiếp cận nền giáo dục ở các nước trên thế giới", bà Thủy chia sẻ.

Cô Võ Thị Trúc Quỳnh, Phó giám đốc Nghiên cứu và phát triển chương trình, Trường Quốc tế song ngữ Victoria Nam Sài Gòn, cho biết nhà trường triển khai chương trình tích hợp giữa chương trình giáo dục phổ thông quốc gia và chương trình giáo dục quốc tế Cambridge. Nhà trường quan niệm việc học tiếng Anh là học thói quen và phản xạ tiếng Anh với hoạt động thường ngày. Ðiều quan trọng nhất là phải tạo thành thói quen và phản xạ nói tiếng Anh cho HS từ đầu đến cuối ngày. Trừ giờ dạy của chương trình VN, còn lại kể cả hoạt động sau giờ học đều dùng tiếng Anh với mục tiêu đây không phải là ngoại ngữ mà là ngôn ngữ thứ hai.

Ðáng chú ý, không chỉ chú trọng học thuật, Victoria Nam Sài Gòn còn rất chú trọng về các chương trình phát triển kỹ năng. Có thể kể đến chương trình giáo dục tính cách (Positive Action của Mỹ), chương trình trải nghiệm doanh nghiệp, đặc biệt là hệ thống các hoạt động học thuật và ngoài học thuật được thiết kế để nâng cao cơ hội vào các trường đại học (ÐH) tốp đầu trên thế giới, cũng như cơ hội giành các suất học bổng cho các HS vào các trường ÐH danh tiếng, để HS phát huy hết thế mạnh của mình.

Giáo dục hội nhập quốc tế: Phát huy thế mạnh của học sinh - Ảnh 2.

Nhiều ý kiến trao đổi giúp phụ huynh hiểu rõ các chương trình giáo dục hội nhập đang thực hiện ở các trường phổ thông

ĐỘC LẬP

Quan trọng là sự thích nghi

Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Hệ thống Trường Quốc tế Á Châu, cho hay hiện nay Hệ thống Trường Quốc tế Á Châu dạy song song chương trình của Bộ GD-ÐT và chương trình quốc tế dựa theo chuẩn AERO của Mỹ. Tốt nghiệp bậc THCS, HS có thể thi tuyển sinh vào lớp 10. Nếu học tiếp THPT tại trường, học xong 3 năm, HS thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ÐH trong, ngoài nước.

Ðặc biệt, theo thạc sĩ Tư, để có thể trở thành công dân toàn cầu, bên cạnh giỏi tiếng Anh và các ngoại ngữ khác thì HS cần được dạy nhiều kỹ năng khác nhau, trong đó có kỹ năng thích nghi trong mọi hoàn cảnh thông qua các dự án học tập.

"Cái khó của bạn trẻ khi ra nước ngoài đôi khi không phải là tiếng Anh mà là khó khăn trong sự hòa nhập do tiếp xúc với HS đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Thích nghi tồn tại như thế nào là điều rất quan trọng. Nhiều em có IELTS 7.0 nhưng chưa chắc đã hoàn thành 4 năm ÐH ở nước ngoài do không có khả năng thích nghi", ông Tư nhận định.

Giáo dục hội nhập quốc tế: Phát huy thế mạnh của học sinh - Ảnh 3.

Buổi tọa đàm chương trình giáo dục hội nhập quốc tế thu hút nhiều ý kiến của các chuyên gia

ĐỘC LẬP

Có gia tăng áp lực cho học sinh?

Không chỉ ở tầm vĩ mô, tọa đàm sáng 8.8 của Báo Thanh Niên còn là cơ hội để các chuyên gia chia sẻ cùng phụ huynh quan tâm đến việc chọn trường cho con, những chương trình học tập phù hợp, làm sao để hội nhập quốc tế nhưng không gia tăng áp lực tiêu cực cho HS.

Cô Võ Thị Trúc Quỳnh cho biết trong môi trường giáo dục song ngữ, HS học song song chương trình của Bộ GD-ÐT và chương trình quốc tế. Ðể giảm được khối lượng kiến thức mà HS phải học thì việc tích hợp rất quan trọng, cần đảm bảo những gì HS đã học ở chương trình quốc tế thì sẽ không lặp lại trong nội dung học chương trình của Bộ GD-ÐT.

Tại Trường Quốc tế song ngữ Victoria Nam Sài Gòn áp dụng mô hình đồng giảng (co-teach). Trong 1 tiết dạy có cả giáo viên VN và giáo viên người nước ngoài cùng thực hiện. Giáo viên VN hiểu rất rõ nội dung kiến thức nào đã học bao nhiêu, đã hình thành nên kỹ năng nào trong giờ học chương trình Cambridge nên với những kiến thức tương tự của chương trình giáo dục phổ thông quốc gia, thầy cô không dạy nữa mà chỉ dạy bài tập để đảm bảo đầu ra.

Trong khi đó, ông Cao Quảng Tư cho rằng để HS chủ động, tự tin bước vào quá trình hội nhập toàn cầu, từ phụ huynh và thầy cô, nhà trường cần hiểu để khai thác điểm mạnh của con. Ðừng cứ thấy "con nhà người ta" được 9, 10 điểm trong khi con mình 7 hay 8 điểm thì lại càm ràm. Tâm lý so sánh đó đã khiến nhiều phụ huynh tạo áp lực cho chính con mình, muốn con mình phải giỏi tất cả các môn mà không biết khả năng của con mình là gì.

Ðể giúp một đứa trẻ có thể phát huy năng lực, cá tính riêng, ông Tư cho biết Trường Quốc tế Á Châu tổ chức lớp học với các dự án để HS có cơ hội phát triển kỹ năng tư duy và tìm kiếm thông tin. Ðồng thời trường có các CLB nghệ thuật, thể thao, nghiên cứu khoa học, truyền thông và báo chí...

Còn theo bà Trần Thị Hồng Thủy, Trường THPT chuyên Trần Ðại Nghĩa có hơn 20 CLB học thuật và kỹ năng , đồng thời tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ học cho HS tham gia. "Ðây cũng là một giải pháp quan trọng giúp HS giảm áp lực trong học tập", bà Thủy nhấn mạnh.

Trường ĐH "đặt hàng" những kỹ năng, tư duy trường THPT cần dạy cho HS

Buổi tọa đàm "Chương trình giáo dục hội nhập quốc tế tại các trường phổ thông" còn có sự tham gia của đại diện các trường ĐH tại TP.HCM.

Các giảng viên chia sẻ những tư duy, kỹ năng tân sinh viên cần có để tiếp tục hành trình hội nhập quốc tế. Phần lớn các giảng viên đều nhìn nhận các chương trình giáo dục hội nhập quốc tế hiện nay đã giúp HS khác biệt và chấp nhận sự khác biệt; tự do tư duy và không áp đặt tư duy của người khác. Đây đều là những khía cạnh của tư duy toàn cầu, giúp HS sống chung và hợp tác với bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, các giảng viên cũng cho hay không chỉ ngoại ngữ, các HS cũng cần xây dựng tư duy cởi mở và năng lực giao tiếp liên văn hóa để thích nghi với môi trường hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, ở giai đoạn phổ thông, cần nuôi dưỡng tư duy và định hướng nghề nghiệp đúng đắn cho HS trước khi vào ĐH.

Ngọc Long

Giáo dục hội nhập quốc tế: Phát huy thế mạnh của học sinh - Ảnh 3.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.