Giáo dục giới tính, trường theo sau học sinh

10/09/2016 08:01 GMT+7

Một phụ huynh trường mầm non ngạc nhiên và hoảng hốt khi con gái 5 tuổi về kể: “Con thấy cái vòi của bạn H. mẹ ơi”. Phụ huynh này trò chuyện với con thì biết bé thấy khi đi chung nhà vệ sinh với bạn.

Trong những buổi đưa đón con, nhiều phụ huynh quan sát thấy ở nhà vệ sinh trường mầm non dù có bồn vệ sinh riêng biệt cho bé trai, bé gái nhưng sắp xếp ở vị trí gần nhau, không có vách ngăn nên trẻ dễ dàng nhìn thấy nhau. Còn lúc các bé thay đồ đi ngủ thì chỉ chia thành hai góc nam nữ, học sinh (HS) thì đông nên hầu hết đều nhìn thấy cơ thể của nhau.
Một phó hiệu trưởng trường mầm non tại Q.5 (TP.HCM) cho biết: “Hầu hết trường mầm non ở nội thành đều được xây dựng khá lâu, trong thiết kế chưa chú ý đến yếu tố giới tính. Đặc biệt có cơ sở là các biệt thự cũ cải tạo lại nên cơ sở vật chất có phần hạn chế”. Có trường kêu gọi phụ huynh hỗ trợ cải tạo dần dần, dựng vách ngăn các nhà vệ sinh từng khu vực.

tin liên quan

Bi hài chuyện giáo dục giới tính: 'Con hỏi gì bậy bạ quá!'
Trong tháng 8 vừa qua, trên nhiều trang mạng xuất hiện những hình ảnh, câu chuyện về một bé trai khoảng 5 tuổi không chịu ngủ trưa mà cứ muốn làm 'chuyện người lớn' với một bé gái cùng lớp mẫu giáo, khiến nhiều phụ huynh hoang mang.

Bà Chung Bích Phượng, nguyên Phó phòng GD-ĐT Q.Tân Phú, cho biết: “Khi thiết kế trường mới, các đơn vị chỉ để ý đến việc sử dụng cho hết công năng diện tích. Có những quận, huyện, phòng giáo dục không được tham gia góp ý khâu thiết kế nên nhiều đặc trưng về bậc học, tâm lý lứa tuổi bị bỏ qua”.
Không chỉ cơ sở vật chất hạn chế mà nội dung chương trình giáo dục cũng không theo kịp với sự phát triển về thể chất, tâm sinh lý của HS hiện nay.

Giáo viên mầm non Trần Tú Quyên (Q.8) cho biết: “Chương trình ở bậc mầm non hoàn toàn chưa đề cập đến vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ. Trong chương trình lớp 5 tuổi có chủ đề bản thân nhưng cũng chỉ giới thiệu các bộ phận cơ thể đơn giản, giáo viên kết hợp chỉ sự khác biệt giữa bạn trai và bạn gái qua cách để tóc, quần áo… mà thôi. Và trong 120 chỉ số phát triển về nhận thức của trẻ 5 tuổi cũng không có chỉ số nào đề cập đến kiến thức về giới tính”.
Theo một giáo viên Trường tiểu học Âu Cơ (Q.Tân Phú), ở bậc tiểu học, HS cần được cung cấp các kiến thức về giới tính, đặc biệt là các bé gái để các em biết thiết lập cho mình những giới hạn an toàn vì có những HS lớp 3 đã dậy thì. Một số trường có mời chuyên gia tâm lý về nói chuyện với phụ huynh, HS nhưng chưa bài bản nên chưa hiệu quả.

Theo thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Lan Hải, chuyên gia của Hội quán Các bà mẹ, giáo dục giới tính cho trẻ rất quan trọng. Việc làm này giúp trẻ xây dựng khuynh hướng đúng đắn về giới và ít tò mò hơn. Theo bác sĩ Lan Hải, bắt đầu từ 3 tuổi, trẻ đã có nhận biết về mình và trí tưởng tượng luôn thôi thúc trẻ khám phá cái mới. Trẻ luôn để ý và muốn xâm nhập vào thế giới người lớn bằng cách bắt chước qua trò chơi bán hàng, đóng vai cô giáo, chú công an, kể cả bắt chước yêu nhau theo “kiểu người lớn”. Thông thường, khoảng 6 tuổi, do tò mò, trẻ thường thích chơi trò bác sĩ, giả vờ thăm khám, cho nhau xem các bộ phận kín hoặc đóng vai “người yêu”, “vợ chồng” ôm ấp, ngủ chung… Lên tiểu học, sự phát triển tâm sinh lý và ham muốn khám phá càng tăng lên.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Anh, Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1, lưu ý phụ huynh: “Đừng đợi đến tuổi nào đó chúng ta mới nghĩ đến việc dạy trẻ về giới tính, mà ngay khi trẻ biết phân biệt mình là con gái hay con trai thì đó đã là lúc chúng ta phải bắt đầu. Dạy về giới tính cần được thường xuyên để trẻ có thể hiểu và nhớ lâu. Hơn hết, cha mẹ hãy là tấm gương về lối sống lành mạnh cho con trẻ, điều đó thể hiện trong sinh hoạt, giải trí, tình thương yêu dành cho nhau, những giới hạn được đặt ra trong gia đình (giới hạn của cả người lớn). Chú ý về sự kín đáo và riêng tư cần thiết trong gia đình như ăn mặc, khi tắm, thay quần áo...”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.