Giảng viên đại học chưa đủ chuẩn

Hà Ánh
Hà Ánh
22/04/2019 09:30 GMT+7

Dù quy định yêu cầu trình độ giảng viên đại học phải từ thạc sĩ trở lên nhưng ở nhiều trường, tỷ lệ giảng viên tốt nghiệp đại học còn ở mức cao.

Đại học nhiều hơn thạc sĩ, tiến sĩ

Theo số liệu thống kê và báo cáo mới nhất vào đầu năm nay của các trường, tỷ lệ giảng viên (GV) cơ hữu thiếu chuẩn trình độ ở nhiều trường khá cao. Ở một số trường, tình trạng số lượng GV tốt nghiệp đại học (ĐH) còn nhiều hơn bậc thạc sĩ và tiến sĩ, đặc biệt là ở nhóm ngành sức khỏe.

Điển hình nhất cho tình trạng này phải kể đến Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang). Trường này đang có 156 GV trình độ ĐH, trong khi số người có trình độ tiến sĩ trở lên chỉ 33 người. So với tổng số GV cơ hữu 427 người, tỷ lệ ĐH lên tới trên 36,5% trong khi trình độ tiến sĩ trở lên chỉ chiếm chưa tới 8%.
Đáng chú ý hơn là ở ngành y khoa, thống kê cho thấy có tới 63% đội ngũ cơ hữu của trường thuộc ngành này (270 người). Trong đó số người chỉ tốt nghiệp ĐH lên tới 152, chiếm trên 56%. Với số lượng GV này, Trường ĐH Võ Trường Toản xác định 500 chỉ tiêu cho ngành y khoa trong năm 2019.
Tại Trường ĐH Bình Dương, GV cơ hữu tốt nghiệp ĐH chiếm nhiều nhất. Cụ thể có tới 143 người ĐH (chiếm trên 45% tổng GV cơ hữu), trong khi thạc sĩ chỉ 33,7% và từ tiến sĩ trở lên trên 20%.
Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai hiện cũng còn 40 GV cơ hữu ở trình độ ĐH. Ở khối ngành điều dưỡng và kỹ thuật xét nghiệm y học có 21 cơ hữu nhưng chiếm tới 1/3 ĐH, khối ngành công nghệ còn tới 14 người... Trường ĐH Phan Châu Trinh có 119 GV cơ hữu nhưng có 27 người tốt nghiệp ĐH (chiếm trên 22,6%). Trong đó, riêng nhóm ngành sức khỏe, tỷ lệ này lên tới 25% trong tổng số 80 GV. Trường ĐH Đông Á có 323 cơ hữu cũng còn 68 cử nhân và kỹ sư, chiếm trên 20%.
Trong khi đó có những trường đội ngũ cơ hữu không có bóng dáng của giáo sư nào như Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ với chỉ 1 PGS, trong khi có tới 21 cử nhân/kỹ sư.

Khó chấp nhận nếu so với chuẩn giáo viên phổ thông

Luật Giáo dục ĐH do Quốc hội thông qua năm 2012 đã quy định trình độ chuẩn của chức danh GV giảng dạy trình độ ĐH là thạc sĩ trở lên. Chỉ trừ một số chuyên ngành đặc thù, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có quy định cụ thể. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH được thông qua mới đây cũng khẳng định, trình độ tối thiểu của chức danh GV dạy trình độ ĐH là thạc sĩ (trừ chức danh trợ giảng).
Tuy nhiên sau nhiều năm trôi qua, quy định này vẫn chưa được thực hiện triệt để ở các trường khi tỷ lệ GV chỉ tốt nghiệp ĐH còn khá nhiều. Thực tế này càng khó chấp nhận khi đặt trong bối cảnh chung về trình độ chuẩn của giáo viên các bậc phổ thông. Hiện nay giáo viên tiểu học dù trình độ chuẩn là trung cấp nhưng thực tế đa số được đào tạo bậc CĐ, còn giáo viên THCS chuẩn CĐ nhưng đa số được đào tạo ĐH.
Trước tình trạng thiếu chuẩn GV này, hiệu trưởng một trường ĐH lý giải rằng số lượng GV chỉ có trình độ ĐH sẽ không được tham gia giảng dạy, chỉ trợ giảng hoặc làm việc ở phòng thí nghiệm, thực hành. Tuy nhiên lý giải này có vẻ chưa hợp lý, nếu không được giảng dạy thì tại sao trường lại thống kê đội ngũ này trong danh sách GV cơ hữu phục vụ mục đích xác định chỉ tiêu tuyển sinh?!

Kẽ hở từ quy định của Bộ

Chính quy định của Bộ GD-ĐT nhiều năm nay cũng đang có sự mâu thuẫn với luật Giáo dục ĐH khi chấp nhận GV có trình độ ĐH trong khi quy đổi để xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Theo Thông tư 01/2019 về xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm nay, một người có trình độ ĐH vẫn được tính hệ số GV cơ hữu 0,3 cho cơ sở giáo dục ĐH. Như vậy, chính quy định này của Bộ đã vô hình trung cho phép các trường được sử dụng GV thiếu chuẩn trình độ.
Chính vì quy định này, nhiều trường tìm mọi cách nâng số lượng GV cơ hữu để được tăng chỉ tiêu tuyển sinh, kể cả sử dụng đội ngũ thiếu chuẩn quy định. Giáo sư một trường ĐH tại TP.HCM cho biết: “Các trường có nhiều “chiêu” để có được tên GV. Thậm chí có trường sẵn sàng bỏ ra mỗi tháng 7 triệu đồng chỉ để thuê tên người có trình độ tiến sĩ phục vụ việc mở ngành mà người này không cần làm bất cứ việc gì”.
Lãnh đạo một trung tâm khảo thí cho rằng không thể chấp nhận tình trạng “cơm chấm cơm” vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nếu tỷ lệ thiếu chuẩn của người thầy còn cao.
Nếu quy định không chặt chẽ và thực hiện không nghiêm thì tình trạng thiếu chuẩn này vẫn sẽ tiếp tục khi mà tốc độ “chạy” điều kiện để tăng chỉ tiêu, mở rộng quy mô đào tạo của các trường ngày càng lớn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.