Giang hồ rao bán vũ khí trên mạng: Xử lý hình sự, ngồi tù 5 năm

06/09/2020 10:16 GMT+7

Vấn nạn giang hồ rao bán vũ khí, công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội có xu hướng ngày càng phức tạp, công khai, bất chấp hành vi này có thể bị xử lý hình sự, ngồi tù...

Theo lãnh đạo Công an TP.HCM, thời gian qua tình trạng các đối tượng giang hồ tàng trữ, rao bán trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ vẫn còn diễn biến phức tạp đặc biệt là trên mạng xã hội.

Phát hiện nhiều vụ mua bán vũ khí qua mạng, vận chuyển vũ khí dưới dạng bưu phẩm

Nhiều vụ cướp manh động, giết người, cướp tài sản... có sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ như bình xịt hơi cay, súng… Các vũ khí, công cụ hỗ trợ này được các nghi phạm khai nhận là "mua trên mạng xã hội".

Bị xử lý hình sự

Cũng theo thông tin từ Công an TP.HCM, một số nghi phạm thậm chí còn sử dụng vũ khí quân dụng nhằm mục đích thanh toán lẫn nhau giữa các băng nhóm và sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện, truy đuổi.
Ngoài ra, nhiều thanh thiếu niên thường xuyên tụ tập, chạy xe lạng lách, đánh võng cũng tàng trữ, cất giấu vũ khí, hung khí, công cụ hỗ trợ trong người và phương tiện để chống trả lại lực lượng chức năng. Điển hình là vụ việc băng nhóm áo cam tụ tập hàng trăm người mang theo hung khí để gây rối tại quán nhậu ở Q.Bình Tân (TP.HCM) gây bức xúc thời gian qua.

Công an nói về băng nhóm áo cam 200 người đâm chém loạn xạ ở quán ốc

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, hầu hết các nghi phạm khi bị bắt đều khai mua bán loại vũ khí, công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội. Thủ đoạn chính của các nghi phạm là không cần kê khai tên, địa chỉ, số điện thoại mà vẫn tạo được tài khoản ảo hoặc lập trang web riêng để giới thiệu, quay video clip hướng dẫn cách chế tạo, rao bán…
Người mua chỉ cần ngồi một chỗ có thể mua bất kỳ lúc nào. Khi đồng ý mua bán thì giao dịch thông qua tài khoản ngân hàng hoặc thu hộ qua các công ty vận chuyển, bưu điện để qua mặt cơ quan chức năng. Vì vậy, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đánh giá hành vi như trên gây khó khăn cho cơ quan công an.
Theo một lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, thời gian qua Bộ Công an đã triệt phá nhiều đường dây mua bán súng, đạn (vũ khí, công cụ hỗ trợ...) qua mạng. Tuy nhiên, tình hình mua bán công cụ hỗ trợ qua mạng xã hội có xu hướng ngày càng phức tạp, công khai.
“Căn cứ vào điểm a, c, Khoản 5, Điều 10 của Nghị định 167/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội… quy định người nào có hành vi sản xuất, sửa chữa, mua bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ mà không có giấy phép sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng; nặng hơn thì cơ quan công an sẽ xử lý hình sự tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự theo điều 230 bộ luật Hình sự”, vị này nhấn mạnh.

Rao bán vũ khí thô sơ có thể bị xử phạt 5 năm tù

Trao đổi về vấn đề này, luật sư (LS) Hoàng Tư Lượng (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết, hành vi "nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ" là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 5 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (số 14/2017/QH14), có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự.

Một kho súng đạn, vũ khí, công cụ hỗ trợ bị công an phát hiện. Các nghi phạm khai nhận nhập về từ Trung Quốc, sau đó vận chuyển bằng đường bộ vào các tỉnh phía Nam rồi đưa đi phân phối, tiêu thụ cho các băng nhóm

Ảnh do Công an cung cấp

Đối với xử phạt hành chính, LS Lượng cho biết theo Điểm a, c, Khoản 5, Điều 10 Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội…, người nào có hành vi trao đổi, mua bán, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ sẽ bị phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng.Theo Điểm b, Khoản 6, Điều 10 của Nghị đinh trên, người vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng, buộc thu hồi tang vật vi phạm.
Đối với xử lý hình sự, theo LS Lượng người nào có hành vi mua bán vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 306 Bộ luật hình sự 2015 (BLHS) (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ” phạt tù 3 tháng - 2 năm; 1 - 5 năm tù giam nếu vi phạm có tổ chức, có số lượng lớn, mua bán qua biên giới hoặc gây thiệt hại lớn tài sản hoặc gây hậu quả chết người …
Đồng thời, theo LS Lượng người nào có hành vi lợi dụng mạng xã hội rao bán tràn lan vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ còn bị xử lý về tội “xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội” được quy định tại điểm d, e, Khoản 1, Điều 18 Luật An ninh mạng số 24/2018/QH14.
Liên quan đến hành vi rao bán vũ khí thô sơ, LS Lượng cho biết căn cứ theo Điểm e, Khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020 của Chính phủ quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội: người vi phạm sẽ bị phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng về hành vi lợi dụng mạng xã hội để “Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẽ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm.

Đề xuất gỡ bỏ web rao bán vũ khí, công cụ hỗ trợ

UBND TP.HCM vừa giao Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) khẩn trương có văn bản đề nghị Bộ TT-TT xem xét, gỡ bỏ các trang web đăng tải video với nội dung giới thiệu, mua bán và hướng dẫn các phương pháp chế tạo, sản xuất, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Đồng thời, yêu cầu các nhà cung cấp mạng viễn thông di động rà soát, cắt liên lạc đầu số sim card điện thoại khuyến mãi, không đăng ký, được dùng làm phương tiện rao bán vũ khí. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động rao bán vũ khí trên các trang mạng thông tin điện tử, như: Google, YouTube, Lazada... để xử lý theo luật An ninh mạng.
Liên quan vấn đề này, UBND TP.HCM dẫn Báo cáo số 212/BC-CATP-PC06 ngày 22.1 của Công an TP.HCM, cho biết tình trạng tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ vẫn còn diễn biến phức tạp. Một số vụ cướp tài sản có tính chất manh động, như: sử dụng hung khí, công cụ hỗ trợ chặn đánh, thậm chí đột nhập vào nhà nạn nhân để uy hiếp cướp tài sản. Tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, tàng trữ, cất giấu vũ khí, hung khí với mục đích phòng thân, giải quyết mâu thuẫn cá nhân hoặc chống trả lực lượng chức năng vẫn còn tồn tại.
Công an TP.HCM cũng nêu khó khăn hiện nay là các đối tượng giang hồ lợi dụng việc không cần kê khai thông tin thật khi tạo tài khoản mạng xã hội hoặc trang web để rao bán vũ khí trên mạng xã hội. Nhằm qua mặt cơ quan chức năng, các đối tượng giao dịch qua sàn thương mại điện tử rồi thanh toán qua tài khoản ngân hàng hoặc công ty vận chuyển.
Sỹ Đông
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.