Gian nan bảo vệ đường dây cao áp

01/11/2013 10:32 GMT+7

Không chỉ gặp sự cố vì tình trạng thả diều, trồng cây lâu năm dưới đường dây truyền tải điện 500kV…, cả đường cáp ngầm 220kV bị vi phạm cũng đang là nỗi lo của các đơn vị quản lý lưới truyền tải điện cao áp tại Hải Phòng và các vùng phụ cận.

 Nhiều vụ mất an toàn lưới điện do… tàu thủy gây ra - Ảnh: Thu Hà
Nhiều vụ mất an toàn lưới điện do… tàu thủy gây ra - Ảnh: Thu Hà

Ông Nguyễn Văn Chớ, trưởng thôn 9, xã Chính Mỹ, H.Thủy Nguyên, TP Hải Phòng cho biết, tục chơi diều sáo ở xã Chính Mỹ có từ lâu đời, nhưng trước thì chơi có mùa, nay thì quanh năm, suốt tháng. “Lo nhất là diều vướng vào đường dây điện. Thôn cũng đã tuyên truyền qua loa phát thanh về những điều pháp luật nghiêm cấm. Người ta nghe đấy, biết cả, nhưng nghe xong rồi cũng để đấy vì không bị xử lý”, ông Chớ nói.

Ông Phạm Xuân Hường, GĐ Truyền tải điện Hải Phòng cho biết thêm, các tuyến đường dây có nhiều điểm giao chéo với đường sông, đường bộ có nhiều phương tiện giao thông qua lại cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Trong vòng 1 năm trở lại đây, đã xảy ra 4 sự cố trên tuyến đường dây cao áp do Hải Phòng quản lý. Gần đây nhất là sự cố ngày 20.8, tàu Vinashin Inco 09 vi phạm khoảng cách an toàn, gây sự cố cho đường dây 220kV Phả Lại - Hải Phòng 2 tại vị trí 77-78 vượt sông Kinh Môn.

Ông Đỗ Hồng Thành, chuyên viên Phòng kế hoạch - kỹ thuật - an toàn của Truyền tải điện Hải Phòng bổ sung: ngay tại các vị trí 77-78 vượt sông Kinh Môn, việc khai thác cát trộm trên khu vực sông đang đe dọa đến các chân móng trụ điện cao thế. Trước đó, cũng xảy ra sự cố ngày 10.7 do diều mắc vào đường dây, gây sự cố cho đường dây Vật Cách - Đồng Hòa 1. “Đoạn này là khúc sông cua, nguyên tắc lẽ ra là liên tục được bồi đắp vào, nhưng vì khai thác cát nên không những không được bồi đắp mà đất ở đây lại bị tụt trôi. Để bảo vệ an toàn cho các trụ cột, Truyền tải điện Hải Phòng cũng đã tính đến phương án phải lập kè chống sạt. Vi phạm nhiều cũng đồng nghĩa với thiệt hại lớn. Không chỉ là thời gian mất điện sau mỗi sự cố kéo theo mất công suất tải, mà những chi phí để khắc phục cũng không hề nhỏ”, ông Thành lo lắng.

Ông Phạm Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn (Công ty Truyền tải điện 1) cho biết, chỉ tính khoản tiền cho việc khắc phục sự cố tàu Nam Phương 02 chạm vào dây dẫn gây sự cố cho đường dây Phả Lại - Hải Phòng đã hơn 200 triệu đồng. Trước đó, ngày 16.1, sự cố đường dây cáp ngầm 220kV mạch kép truyền tải điện từ Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng đi Đình Vũ, do mỏ neo của tàu Etilen thuộc Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng cắm sâu xuống lòng biển và móc sợi cáp lên, làm đứt 1 mạch đường dây. Sự cố này mặc dù bước đầu được khắc phục nhưng đã mất hơn 3 tỉ đồng, để hoàn trả nguyên trạng dự kiến cho phí lên tới trên 20 tỉ đồng.

Để khắc phục mất an toàn lưới điện, ông Hường cho biết, Truyền tải điện Hải Phòng đã triển khai khá nhiều giải pháp đồng bộ, từ việc cắm các biển báo hiệu theo đúng quy định, lắp quả bóng báo hiệu và đèn tín hiệu tại các khoảng giao chéo với đường thủy và đường bộ…, đến tổ chức các đợt tuyên truyền tại các địa phương nơi có đường dây đi qua. Tuy nhiên, do việc chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật của người dân còn hạn chế và việc xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng còn nương nhẹ, nên nguy cơ sự cố do vi phạm hành lang lưới điện còn rất cao.

Vì sự an toàn của hệ thống lưới truyền tải điện - cơ sở hạ tầng thiết yếu để đảm bảo cung cấp điện của quốc gia, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, những biện pháp xử lý với các hành vi phải mạnh mới đủ sức răn đe. (Thu Hà)

THÔNG TIN DỊCH VỤ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.