Gian lận xuất xứ sẽ gia tăng

18/06/2020 07:36 GMT+7

Bộ Công thương đã công bố 12 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại hoặc điều tra gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), tính đến nay, Việt Nam đã có 174 vụ việc bị nước ngoài khởi xướng phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu, bao gồm 98 vụ việc điều tra chống bán phá giá, 19 vụ việc điều tra chống trợ cấp, 23 vụ việc điều tra chống lẩn tránh và 34 vụ việc tự vệ.
Hết quý 1/2020, Bộ Công thương cũng đã công bố 12 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại hoặc điều tra gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
Ví dụ lốp xe tải và xe khách của Việt Nam đang bị cảnh báo do kim ngạch xuất khẩu vào EU tăng đột biến. Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này sang EU chỉ có giá trị 11.700 euro vào năm 2017 nhưng đến năm 2019 tăng vọt lên 69 triệu euro.
Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu lốp xe tải và xe khách của Việt Nam sang EU bắt đầu gia tăng từ tháng 5.2018 trùng với thời điểm EU áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với hàng này được nhập khẩu từ Trung Quốc. Do đó, khả năng hàng từ Trung Quốc chuyển sang Việt Nam để xuất vào thị trường này...
Thực tế, dù có nhiều trường hợp Việt Nam đã nhận được cảnh báo từ các nước nhập khẩu khá sớm, nhưng vẫn không tránh được kết quả bị xử phạt.
Chẳng hạn thép từ Việt Nam xuất sang Mỹ từng được cảnh báo nhiều lần trước đó, nhưng cuối cùng cũng bị “dính” đòn phòng vệ thương mại. Gần nhất là cuối năm 2019, Mỹ đã áp thuế lên hơn 450% đối với một số sản phẩm thép cuộn cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam. Mỹ kết luận rằng một số sản phẩm thép được sản xuất tại Hàn Quốc hoặc Đài Loan (Trung Quốc), nhưng sau đó đưa sang Việt Nam để gia công đơn giản rồi xuất khẩu sang Mỹ nhằm né thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ giá vốn đang áp dụng đối với sản phẩm của Đài Loan và Hàn Quốc.
Theo luật sư Trần Minh Hải - Giám đốc điều hành Công ty luật Basico, việc giả mạo, mượn danh xuất xứ Việt Nam dẫn đến hậu quả là các doanh nghiệp và một ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại như thuế chống bán phá giá, thuế chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá... lên rất cao mà hầu như ít phân biệt với từng doanh nghiệp. Từ đó sẽ khiến thị phần xuất khẩu của nhóm hàng đó sụt giảm mạnh vì giá bán sản phẩm của Việt Nam sẽ tăng cao. Điều này xảy ra sẽ khiến kết quả hội nhập, đàm phán các hiệp định thương mại tự do của VN để được hưởng thuế suất ưu đãi là đổ sông đổ bể.
“Việc phòng chống gian lận xuất xứ hay mạo danh xuất xứ hàng Việt theo tôi phần lớn là phụ thuộc vào cơ quan quản lý nhà nước. Chẳng hạn đưa ra những điều kiện nghiêm hơn về nguồn gốc xuất xứ hàng tạm nhập tái xuất vào Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn cả là việc thanh kiểm tra hoạt động nhập khẩu hay sản xuất thực tế ngay tại Việt Nam. Có thể đặt câu hỏi, tại sao các nước nhập khẩu lại phát hiện được những sản phẩm gian lận mà phía Việt Nam lại không biết?”, luật sư Trần Minh Hải nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.