Gian lận điểm thi tại Sơn La: Cựu phó giám đốc Sở phủ nhận việc nhờ nâng điểm

Quý Hiên
Quý Hiên
21/05/2020 18:02 GMT+7

Tại TAND tỉnh Sơn La, bị cáo Trần Xuân Yến phủ nhận lời khai của bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga việc nhờ nâng điểm cho các thí sinh, khẳng định chỉ nhờ xem điểm.

Chiều nay, 21.5, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở Sơn La bắt đầu phiên xét hỏi đầu tiên với các bị cáo.
Sau khi đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La (VKS) đọc xong cáo trạng, chủ tọa hỏi ý kiến của 12 bị cáo về các nội dung luận tội trong cáo trạng.
Các bị cáo Trần Xuân Yến, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La; Trần Văn Điện, nguyên cán bộ Trường THCS Chiềng Cơi (TP.Sơn La); Nguyễn Minh Khoa, cựu Phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03) Công an tỉnh Sơn La; Lò Văn Huynh, nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, cho biết không đồng ý với một số nội dung hoặc toàn bộ nội dung trong cáo trạng liên quan tới phần luận tội của cá nhân mình. Các bị cáo còn lại đều nhất trí với nội dung cáo trạng.
Trong phần xét hỏi của tòa với bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga, nguyên chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, bị cáo Nga trả lời rành rẽ, chi tiết từng câu hỏi của chủ tọa, khớp với các lời khai được mô tả trong cáo trạng.
Bị cáo Nga cho biết, trong số những người nhờ bị cáo sửa bài thi nâng điểm, có bị cáo Trần Xuân Yến sửa bài thi, nâng điểm cho 13 thí sinh (trong đó có 4 thí sinh trùng tên với danh sách thí sinh mà ông Nguyễn Ngọc Hà, vốn là cấp trên trước đây của bà Nga, cũng đưa cho bà Nga nhờ nâng sửa điểm).
Bị cáo Nga cho biết, chiều 30.6, bị cáo Yến đến phòng chấm thi trắc nghiệm, đưa cho bị cáo 3 danh sách, tổng cộng 13 thí sinh, trong đó ghi rõ họ tên thí sinh, số báo danh, địa điểm thi, mã đề thi, số điểm cần nâng, số phòng thi của từng thí sinh.
Trong số 3 tờ này, có 1 tờ viết tay, ngay lúc ấy bị cáo Nga nhận ra đó là chữ của ông Nguyễn Ngọc Hà. Các tờ danh sách đó, trước bị cáo Nga để ở nhà bố mẹ ruột (nhưng bố mẹ ruột không biết). Về sau đã được bị cáo giao nộp cho cơ quan công an.
Theo bị cáo Nga, trước ngày thi khoảng nửa tháng, bị cáo Yến gọi bị cáo Nga sang phòng làm việc của bị cáo Yến để nói chuyện. Trong câu chuyện, bị cáo Yến nói năm nay có một số trường hợp con cháu của các cán bộ trong ngành, của các cấp trên,… bắt buộc phải giúp đỡ để sửa bài, nâng điểm.
Bị cáo Yến còn hỏi bị cáo Nga nếu muốn sửa điểm bài thi trắc nghiệm thì làm thế nào? Bị cáo Nga trả lời bằng việc mô tả các thao tác kỹ thuật, rồi nói: “Bài thi không được niêm phong và phải có sự hỗ trợ của bên công an”. Ông Yến khẳng định là sẽ không niêm phong bài thi, còn bên công an thì bảo Hưng (tức bị cáo Đỗ Khắc Hưng) bố trí.

Điểm ghi trong danh sách “nhờ xem điểm” là thí sinh… tự chấm

Được chủ tọa phiên tòa hỏi đến ngay sau bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga, bị cáo Trần Xuân Yến phủ nhận toàn bộ lời khai của bị cáo Nga. Bị cáo Yến khẳng định: “Đúng là chiều 30.6, bị cáo có chuyển cho bị cáo Nga 3 danh sách, nhờ xem điểm, chứ không phải nâng điểm".
Khi được tòa hỏi về việc có những thông tin gì của 3 tờ giấy bị cáo Yến đưa cho bị cáo Nga, bị cáo Yến nói không nhớ. Khi tòa nhắc lại lời khai của bị cáo Nga (trong 3 tờ giấy đó ghi rõ họ tên thí sinh, số báo danh, địa điểm thi, mã đề thi, số điểm cần nâng, số phòng thi của từng thí sinh), hỏi có đúng vậy không, bị cáo Yến nói: “Vì bị cáo nhận danh sách đó từ người khác đưa nên bị cáo không nhớ rõ”.
Nhưng sau đó khi tòa hỏi, có tờ danh sách nào bị cáo tự viết ra hoặc đánh máy, bị cáo Yến xác nhận là có 1 tờ do tờ cũ (do ông Hoàng Tiến Đức, lúc đó là Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, đưa) bị bẩn, nên đánh máy lại và bổ sung tên 3 thí sinh nữa. Bị cáo Yến khẳng định mục đích đưa cho bị cáo Nga tờ danh sách này cũng chỉ nhờ xem điểm.
Giải thích về việc những con số được viết kèm với tên từng thí sinh trong 3 danh sách mà bị cáo Yến đưa cho bị cáo Nga, mà theo bị cáo Nga đó là số điểm bị cáo Yến muốn nâng cho thí sinh, bị cáo Yến nói đó là điểm mà các thí sinh... tự chấm cho mình sau khi làm bài thi.
“Con anh Nguyễn Văn Hải cũng nói với bị cáo con thi được 24 điểm, con anh Trần Ngọc Mạnh do người thân nói cháu làm được 27 điểm, nên bị cáo điền vào đó”, bị cáo Yến khai.
Tòa hỏi, mục đích ghi điểm thí sinh tự chấm vào đấy làm gì, bị cáo Yến vẫn một mực trả lời là không để làm gì ngoài xem điểm.
Chốt lại, bị cáo Yến vẫn khẳng định không đồng ý với các lời khai của bị cáo Nga. Không gặp bị cáo Nga trước khi thi để trao đổi gì, mà chỉ để hỏi thủ trưởng nhờ xem điểm thì làm thế nào.
Sau khẳng định trên của bị cáo Yến, chủ tọa hỏi về khoảng thời gian mà thí sinh có thể cần nhờ xem điểm, thay vì chờ đến ngày Bộ GD-ĐT công bố điểm thi. Sau các câu trả lời của bị cáo Yến, chủ tọa phiên tòa xác định được đó là trong khoảng từ ngày 7.7 đến 11.7.2018.
Đến đây, chủ tọa phiên tòa hỏi: Có phải bị cáo cần xem điểm trong khoảng thời gian từ ngày 7.7 đến 11.7?”. Bị cáo Yến trả lời: “Bị cáo không nhận thức rõ thời gian nào cần xem điểm. Chỉ là thủ trưởng nhờ thì làm”, sau đó giải thích thêm: “Những người nhờ xem điểm cũng không nói là lúc nào cần biết điểm”. 
Tại tòa, bị cáo Yến còn khẳng định mình không đóng vai trò quản lý trong công tác chấm thi kỳ thi THPT quốc gia 2018, không có trách nhiệm giám sát bất kỳ ai, dù được phân công làm Tổ trưởng tổ chấm thi trắc nghiệm.
Bị cáo Yến còn cho rằng, trong công tác chấm thi, bị cáo là một đối tượng bị giám sát như tất cả các thành viên trong tổ chấm thi.
Bị cáo Yến nói: “Thực hiện Thông tư 04 ký vào tháng 3.2018 của Bộ GD-ĐT ban hành quy chế thi, bị cáo cụ thể hóa từng nhiệm vụ của từng thành viên thông qua Thông báo số 01 của Sở GD-ĐT Sơn La. Theo đó, từng thành viên của tổ chấm thi phải tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.