Gián điệp rình rập Thung lũng Silicon

17/11/2019 09:00 GMT+7

Vụ cựu nhân viên Twitter làm gián điệp cho Ả Rập Xê Út cho thấy kho dữ liệu khổng lồ ở Thung lũng Silicon trở thành mục tiêu của tình báo.

Theo cáo trạng mới công bố hồi tuần rồi của Bộ Tư pháp Mỹ, ba cựu nhân viên Twitter, bao gồm hai công dân Ả Rập Xê Út và một người Mỹ, bị cáo buộc tiếp cận dữ liệu của hàng ngàn người dùng theo chỉ thị của chính quyền Ả Rập Xê Út. Giới chuyên gia nhận định tình báo nước ngoài đang nhắm vào cơ sở dữ liệu khổng lồ của các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon (bang California).

Mua chuộc người trong nội bộ

Các gián điệp nỗ lực lôi kéo nhân viên làm tay trong nhằm thâm nhập kho dữ liệu người dùng. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Twitter tuyển dụng công dân Mỹ Ahmad Abouammo và người Ả Rập Xê Út tên Ali Alzabarah vào làm việc trong giai đoạn 2014 - 2015. Hai người này thông đồng với nhân viên marketing người Ả Rập Xê Út của Twitter, Ahmed Almutairi, thu thập dữ liệu hơn 6.000 người dùng Twitter, bao gồm người bất đồng chính kiến, để cung cấp cho chính quyền Ả Rập Xê Út, theo cáo trạng. Đáp lại, Twitter trong một tuyên bố khẳng định chỉ có một nhóm nhân viên được huấn luyện bài bản, đáng tin cậy (với số lượng giới hạn) mới được quyền truy cập thông tin nhạy cảm.
“Thách thức lớn nhất ở Thung lũng Silicon là đảm bảo an toàn kho dữ liệu khổng lồ trước mối đe dọa từ tin tặc lẫn nhân viên giả mạo hoặc đã bị gián điệp mua chuộc”, chuyên gia Bruce Schneier thuộc Đại học Harvard nhận định, theo AFP. Lâu nay, nhân viên “làm tay trong cho tình báo Nga hoặc Trung Quốc” thường bị gây áp lực phải tiếp cận cơ sở dữ liệu hoặc tạo ra lỗ hổng trong ứng dụng và nền tảng mạng xã hội để dễ dàng thâm nhập, theo ông Schneier.
Bên cạnh đó, các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon không đủ khả năng rà soát lý lịch toàn diện của nhân viên. “Nhà tuyển dụng chỉ kiểm tra bao quát như tiền án tiền sự, khó có thể đánh giá mối đe dọa gián điệp. Công ty công nghệ lớn lại tuyển dụng kỹ sư và nhân viên khắp thế giới, vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho tình báo nước ngoài”, chuyên gia John Dickson thuộc Công ty tư vấn an ninh Denim cho biết.

“Mỏ vàng” của điệp viên

Các cơ quan tình báo không cần phải điều động gián điệp ra nước ngoài, nhưng vẫn có thể thâm nhập sâu vào nhiều công ty lớn ở Mỹ nhờ vào trang LinkedIn của Tập đoàn Microsoft. “Thung lũng Silicon có nhiều bí mật hơn ở thủ đô Washington D.C. LinkedIn hiện là mỏ vàng giúp điệp viên dễ dàng kết bạn, theo dõi mục tiêu cần nhắm đến”, cựu đặc vụ Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Clint Watts đánh giá.
Trong những năm gần đây, các cơ quan phản gián ở Anh, Đức, Mỹ và Pháp nhiều lần phát cảnh báo về việc tình báo Trung Quốc âm thầm dùng LinkedIn làm công cụ tiếp cận hàng ngàn người, bao gồm nhân viên công ty công nghệ hàng đầu lẫn quan chức chính phủ.

[VIDEO] Sinh viên Trung Quốc gặp khó vì Mỹ lo ngại gián điệp

“Tình báo Trung Quốc đang thực hiện chiến dịch chiêu mộ gián điệp quy mô lớn trên mạng. Họ sử dụng tài khoản giả mạo, dễ dàng gửi tin nhắn, dụ dỗ hàng ngàn mục tiêu”, tờ The New York Times dẫn lời ông William R.Evanina, Giám đốc Trung tâm an ninh và phản gián quốc gia thuộc chính phủ Mỹ. Đáp lại, nữ phát ngôn viên Nicole Leverich (LinkedIn) tuyên bố công ty sẽ tăng cường rà soát để gỡ bỏ những tài khoản giả mạo.
Hồi tháng 10.2018, Bộ Tư Pháp Mỹ tuyên bố đã truy tố gián điệp Trung Quốc tên Hứa Ngạn Quân về tội trộm cắp bí mật thương mại công nghệ sau khi ông ta dùng LinkedIn để chiêu mộ một kỹ sư thuộc tập đoàn công nghệ hàng không vũ trụ hàng đầu của Mỹ GE Aviation. Hiện phía Trung Quốc chưa có phản ứng gì trước thông tin trên và lâu nay luôn bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến trộm cắp bí mật thương mại công nghệ của Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.