Giãn cách theo Chỉ thị 16 phải làm thật nghiêm

09/07/2021 05:54 GMT+7

Liên quan đến việc TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16 kể từ 0 giờ ngày 9.7, nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ và hy vọng tất cả cùng thực hiện thật nghiêm, quyết liệt để dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát.

Như Thanh Niên thông tin, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh, hơn 1 tháng qua TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp như giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng, Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM... Từ 0 giờ ngày 9.7, TP quyết định giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng.
“Để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, TP xác định cần phải làm quyết liệt hơn nữa, xem đây là cuộc chiến thực sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo cho sự phát triển dài hạn và nâng cao một mức nữa trong công tác phòng chống dịch”, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói.

Bản tin Covid-19 ngày 8.7: Cả nước 1.314 ca bệnh, TP.HCM căng thẳng trước giờ thực hiện Chỉ thị 16

Mong là lần giãn cách cuối

Mong rằng lần giãn cách này nhà nước và nhân dân cùng nhau chung sức để vượt qua đại dịch.

Thanh Gi

Chúng ta phải hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo cho sự phát triển lâu dài. Đây là vấn đề cấp bách trong phòng chống dịch.

Phương Lê

Gói hỗ trợ như chiếc phao cứu sinh cho người dân, đặc biệt là đối tượng mất việc, không có thu nhập do dịch bệnh bùng phát. Mong rằng Trung ương sẽ phối hợp với chính quyền địa phương nhanh chóng giải ngân, hỗ trợ kịp thời cho dân.

Mai Thi


Việc TP thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa các hoạt động đời sống hằng ngày trở lại bình thường, được bạn đọc (BĐ) Thanh Niên đồng tình ủng hộ. “Hy vọng 15 ngày áp dụng Chỉ thị 16 TP sẽ làm quyết liệt, nhất là cấp quận, phường, để làm sao 15 ngày nữa chúng ta chặn đứng được dịch bệnh. Rồi từ từ có vắc xin tiêm cho người dân mới hy vọng mọi thứ trở lại bình thường như xưa. Mong rằng đây là lần cuối TP.HCM thực hiện giãn cách do dịch”, BĐ Văn Minh ý kiến. BĐ Quang Duy viết: “TP.HCM phải làm quyết liệt, nghiêm khắc thực hiện triệt để đúng chỉ thị. Tuân thủ 5K. Rà soát, tăng tốc xét nghiệm, tiêm chủng... để nhanh chóng dập dịch”.
“Giãn cách theo Chỉ thị 16 phải được thực hiện nghiêm túc từ ngày đầu đến ngày cuối. Đừng để xảy ra tình trạng hai ba ngày đầu làm rất quyết liệt nhưng đến những ngày kế tiếp thì làm kiểu phong trào. Chỉ cần một vài nơi lơ là sẽ thành dã tràng xe cát Biển Đông. TP cũng cần mạnh tay với những cán bộ lơ là trong công tác dập dịch”, BĐ Thai Dung lưu ý. Còn BĐ Duc Minh đề xuất: “Chính quyền cơ sở, phường xã mà nòng cốt là cảnh sát khu vực, lực lượng dân phòng, tổ dân phố... cùng với tuyên truyền phải kiểm tra, giám sát, xử phạt mạnh tay với những người không chấp hành”.

Sáng 9.7: Thêm 425 ca Covid-19, TP.HCM có đến 350 ca

Cần nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, người lao động

Nhiều ý kiến cũng lo ngại việc giãn cách theo Chỉ thị 16 sẽ thêm khó khăn cho những đối tượng yếu thế trong xã hội, vì vậy nhà nước cần có các chính sách, phương án hỗ trợ khẩn cấp người nghèo, người không có thu nhập để họ có thể vượt qua đợt giãn cách này. “Chỉ thị giãn cách thì biết rồi, còn điều cũng cần làm ngay lúc này là lên phương án hỗ trợ để bà con nghèo, không có thu nhập sống trong những ngày tháng này...”, BĐ Let's Color đề nghị.
Trước đó, hôm 7.7, tại buổi họp báo công bố Quyết định 23 của Thủ tướng về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết người lao động và chủ sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 có thể tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng từ ngày 8.7.
Chậm nhất sau 7 - 10 ngày kể từ khi nhận hồ sơ, người lao động và doanh nghiệp sẽ nhận được tiền hỗ trợ... “Rất hoan nghênh. Hỗ trợ người dân giai đoạn này cho thấy sự quan tâm của chính quyền và cũng là động lực để mọi người chung tay chống dịch. Hy vọng sẽ triển khai gọn lẹ, khoa học..., để gói hỗ trợ đến tay người cần”, BĐ Mai Anh ý kiến.
“Sự quan tâm của nhà nước đối với người dân là một sự cần thiết và cấp bách trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát. Rất thiết thực và ý nghĩa. Nhưng phải quản lý giám sát chặt chẽ, kiểm tra xem xét cho sâu sát, không bỏ sót, đúng đối tượng cần và được nhận, nhất là hộ nghèo, lao động tự do, người bán vé số, xe ôm...”, BĐ Thanh Tuan góp ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.