Giảm thuế, lãi suất cho vay, tập trung cho tăng trưởng

Mai Hà
Mai Hà
06/05/2023 07:19 GMT+7

Sáng 5.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4. Thủ tướng nhấn mạnh đến nhiều giải pháp đã được triển khai hiệu quả như tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản...

Trong đó, đã tập trung xử lý quyết liệt, có hiệu quả với các doanh nghiệp, dự án thua lỗ, các ngân hàng yếu kém. Trong 12 dự án thua lỗ ngành công thương, đã tìm được đầu ra cho 8 dự án. Xử lý các vấn đề liên quan Trung tâm nhiệt điện Ô Môn, Nhiệt điện Sông Hậu 1; Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 được khánh thành mà không sử dụng thêm ngân sách và còn tiết kiệm hơn 200 tỉ đồng tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt và xử lý các vấn đề liên quan Ngân hàng SCB...

Giảm thuế, lãi suất cho vay, tập trung cho tăng trưởng - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 5.5

NHẬT BẮC

Dù vậy, Thủ tướng cũng lưu ý ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, tăng trưởng tín dụng thấp, rủi ro nợ xấu gia tăng, tình hình bất ổn bên ngoài tiếp tục tác động, ảnh hưởng lớn. Sản xuất công nghiệp tuy phục hồi trong tháng 4 nhưng tính chung 4 tháng vẫn giảm so với cùng kỳ. Các động lực tăng trưởng chủ yếu (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) đều có xu hướng suy giảm, xuất nhập khẩu 4 tháng giảm. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng thấp hơn cùng kỳ; vốn FDI đăng ký giảm. Các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản tiếp tục gặp khó khăn... 

Thủ tướng cũng nhấn mạnh một số vấn đề như việc OECD áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024; Trung Quốc mở cửa, phục hồi vừa mang lại cơ hội vừa có những thách thức; rủi ro tài chính, tiền tệ, bất động sản trên thế giới còn cao.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trong khi vẫn nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện lạm phát vẫn được kiểm soát trong mục tiêu Quốc hội giao và đang giảm dần, do đó, cần ưu tiên hơn cho tăng trưởng từ tháng 4, tháng 5 và những tháng tiếp theo. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các động lực tăng trưởng và lĩnh vực ưu tiên. Triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho phát triển nhà ở xã hội và 10.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp gỗ, thủy sản.

Đặc biệt, Bộ Tài chính khẩn trương trình cấp thẩm quyền phương án giảm 2% VAT; trình phương án đối với thuế tối thiểu toàn cầu; tiếp tục chuẩn bị phương án hỗ trợ bổ sung về miễn giảm thuế, phí, lệ phí; nghiên cứu, tính toán phương án giảm thuế trước bạ đối với ô tô; đề xuất xử lý bất cập, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán…

Vực dậy tăng trưởng TP.HCM

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều cùng ngày, thông tin về giải pháp vực dậy tăng trưởng của một số địa phương có quy mô sản xuất lớn, nhưng lại tăng trưởng thấp trong quý 1/2023 như TP.HCM, Bắc Ninh, Thái Nguyên..., Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đỗ Thành Trung cho rằng "các địa phương này phải giải quyết những vấn đề của riêng mình".

Sẽ tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu từ ngày 1.7

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ đã đề xuất Chính phủ đề xuất Quốc hội bố trí đầy đủ nguồn lực để phục vụ cho việc tăng lương từ ngày 1.7. Theo ước tính, cần 59.000 tỉ đồng để cho 6 tháng cuối năm 2023. Bộ Tài chính đã bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 là 12.000 tỉ đồng. Ngoài ra, còn 47.000 tỉ đồng khác được bố trí từ nguồn tăng thu dành cho cải cách tiền lương. Trong đó, ngân sách địa phương 27.000 tỉ đồng, ngân sách T.Ư 20.000 tỉ đồng.

Theo ông Trung, ngoài động lực tăng trưởng là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo suy giảm còn có các lĩnh vực khác khó khăn như bán lẻ, tiêu dùng, xuất nhập khẩu, thu hút FDI... Tuy nhiên, cũng có vấn đề đặc thù của một số địa phương, điển hình như TP.HCM, trước đây trung bình mỗi năm có 70 dự án được phê duyệt. Nhưng 2 năm gần đây số lượng dự án phê duyệt mới rất thấp.

Bộ KH-ĐT đã tham mưu một số giải pháp để vực dậy động lực tăng trưởng chung cho cả nền kinh tế, nhấn mạnh việc tìm kiếm thị trường, giữ vững sự phát triển khối doanh nghiệp, ổn định lao động, tránh mất việc làm... Các địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn các dự án đang tồn đọng để tạo động lực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có dòng tiền, tiếp cận vốn tín dụng... "Tôi cho rằng một trong những vấn đề quan trọng là làm sao để cán bộ, công chức dám nghĩ dám làm. Đây là giải pháp quan trọng để vực dậy tăng trưởng cho các địa phương", ông Trung nói.

Chia sẻ thêm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Thường trực Chính phủ, 17 bộ, ngành đã trực tiếp làm việc với TP.HCM để giải quyết các vấn đề cấp bách để làm sao từ tháng 4 trở đi, TP lấy lại đà tăng trưởng. "Tất cả các giải pháp đã bàn rất kỹ và sâu, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, giảm lãi suất... và tập trung vào mặt hàng như điện tử, gỗ, may mặc giảm sút trong quý vừa qua", ông Sơn nói.

Xem xét trách nhiệm chậm tiến độ sân bay Long Thành

Tại họp báo, trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên liên quan dự án sân bay Long Thành, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết có một số vướng mắc khiến việc đấu thầu gói thầu nhà ga hành khách sân bay Long Thành gặp khó khăn.

Cụ thể, quy định đơn giá theo tiêu chuẩn VN, nhưng nhà thầu quốc tế, đơn giá, lương cao hơn VN, giá bỏ thầu cao. Nhà thầu nước ngoài cũng lường trước khó đáp ứng tiến độ theo như yêu cầu bài thầu đặt ra (33 tháng - PV). Sau khi gia hạn thời gian mở thầu lần 2, ngày 20.4, chủ đầu tư dự án là Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) đã tổ chức hội nghị tiền đấu thầu, kêu gọi tất cả nhà thầu sân bay tất cả các nước trên thế giới tham gia vào dự án.

Xét xử vụ án liên quan ông Lê Thanh Thản trong tháng 6

Thông tin tại họp báo Chính phủ chiều 5.5, trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết do tính chất phức tạp của vụ án Việt Á, Bộ Công an phấn đấu có kết luận điều tra trong quý 2/2023. Đối với vụ án liên quan ông Lê Thanh Thản (Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh), ông Xô cho hay: "Do tính chất phức tạp của vụ án nên phải 5 lần điều tra bổ sung, do đó, kéo dài từ 2019 đến nay. Ngày 14.4.2023, Viện KSND TP.Hà Nội đã ban hành cáo trạng với 7 bị can và sẽ đưa ra xét xử trong tháng 6".

Liên quan việc xem xét trách nhiệm các chủ thể liên quan gây chậm tiến độ dự án sân bay Long Thành, ông Huy khẳng định Bộ GTVT đã yêu cầu ACV rà soát từng khâu, từng hạng mục xác định trách nhiệm của từng chủ thể, đồng thời phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn rà soát, báo cáo Chính phủ. Còn theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, trách nhiệm liên quan chậm tiến độ là chủ đầu tư (ACV) và ban quản lý dự án, từ quá trình đấu thầu, chọn nhà đầu tư và thi công.

Về việc dự án có lùi tiến độ sang năm 2026 hay không, lãnh đạo Bộ GTVT tiếp tục cho rằng điều này phụ thuộc hoàn toàn vào quá trình và kết quả đấu thầu gói 5.10 nhà ga hành khách. Bộ GTVT đang giao ACV rà soát toàn bộ, báo cáo cơ sở thực tiễn, pháp lý, căn cứ vào kết quả đấu thầu đàm phán với nhà thầu, trên cơ sở tính khả thi để tính toán tiến độ, trên tinh thần không vì đánh đổi chất lượng lấy tiến độ.

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, cho biết: "ACV phải chủ động rà soát, khẩn trương báo cáo Bộ GTVT trình các cấp để kéo dài tiến độ. Tuy nhiên, sau khi lựa chọn được nhà thầu rồi, nếu áp dụng đúng tiến độ có thể sẽ rút ngắn thời gian triển khai, thậm chí vẫn trong thời hạn".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.