Giám sát chặt chẽ, loại trừ 'cưa đôi' khi xử phạt vi phạm nồng độ cồn

10/01/2020 08:36 GMT+7

Chỉ trong 1 tuần ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, CSGT cả nước đã phát hiện 3.785 trường hợp vi phạm, với số tiền phạt lên tới 12,5 tỉ đồng.

Chia sẻ tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều 9.1, thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) - Bộ Công an, cho biết chỉ trong 1 tuần ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, CSGT cả nước đã phát hiện 3.785 trường hợp vi phạm, với số tiền phạt lên tới 12,5 tỉ đồng. Trong đó, các tỉnh Tây Ninh xử lý 308 trường hợp, Đắk Lắk 214 trường hợp, Bắc Giang 203 trường hợp, TP.HCM 282 trường hợp, Vĩnh Phúc 145 trường hợp, Hà Nội 129 trường hợp...

Cũng theo thượng tá Nhật, trước phản ánh từ dư luận rằng ăn hoa quả, uống sirô lên men cũng có nồng độ cồn, những ngày qua, Cục CSGT đã tiến hành thực nghiệm với 150 mẫu khác nhau để kiểm tra. Qua thử nghiệm cho thấy, đối với các loại quả ngọt (nho, dứa…) thì không phát hiện được nồng độ cồn, còn đối với một số loại sirô, nước hoa quả lên men có phát hiện nồng độ cồn ở ngưỡng 0,6 - 1,2 mg/lít khí thở, nhưng sau khi uống nước lọc, chỉ sau 2 - 5 phút là về ngưỡng bằng 0. Thực tế, trong những trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý, chưa có trường hợp nào có nguyên nhân từ ăn hoa quả hay uống nước sirô.

Trước những lo ngại đặt ra về tiêu cực trong kiểm tra, xử phạt nồng độ cồn đối với người điểu khiển phương tiện giao thông, trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT, cho rằng các quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã rất rõ ràng nhưng để phòng ngừa CSGT “cưa đôi” khi tuần tra, kiểm tra xử lý, người dân có thể giám sát.
Mới đây đã có quy định người dân được quay phim, chụp ảnh CSGT khi làm nhiệm vụ, nhưng ở khoảng cách không làm ảnh hưởng đến lực lượng chức năng. Yêu cầu ngành này đặt ra đối với các tổ công tác là quá trình kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm đều phải có camera để ghi hình toàn bộ quá trình làm việc.
“Chúng tôi sẽ cố gắng làm hết mình không để điều ấy (tiêu cực - PV) xảy ra, còn nếu có phát hiện các trường hợp vi phạm thì xử lý nghiêm minh”, trung tướng Dũng nói, đồng thời cho biết trong các quy định trước đây có nhiều lực lượng có thể dừng phương tiện giao thông, nhưng theo các quy định hiện nay, chỉ có lực lượng CSGT mới được phép dừng các phương tiện giao thông khi phát hiện các biểu hiện vi phạm. Thời gian tới, Cục CSGT sẽ có thông báo rộng rãi về việc dừng phương tiện để các lực lượng khác, người dân được biết.

Mỗi ngày giảm 4 vụ TNGT có người chết

Chia sẻ tại tọa đàm “Vì sao phải cấm rượu bia hoàn toàn khi điều khiển phương tiện” do Báo Giao thông tổ chức chiều qua, thiếu tá Đào Việt Long, Phó phòng CSGT (Công an TP.Hà Nội), cho biết trong 7 ngày CSGT ra quân xử lý người tham gia giao thông sử dụng rượu bia, đã xử lý 84 trường hợp, 18 trường hợp phạt kịch khung. Riêng ở Hà Nội đã giảm được 11 vụ TNGT, 9 người chết, đây là mức giảm sâu nhất lần đầu tiên trong 10 năm qua.
Thiếu tá Long cũng cho biết chưa có trường hợp nào bị xử phạt phản ứng lại khi bị phát hiện có nồng độ cồn mà cho rằng “tôi uống sirô” hay “ăn hoa quả”. Nếu thắc mắc về kết quả đo, người dân hoàn toàn có quyền thổi lại nồng độ cồn lần thứ 2 nếu có yêu cầu và muốn chứng minh không uống rượu bia.
Theo thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an) từ ngày 1 - 6.1, cả nước xảy ra 137 vụ TNGT, làm chết 103 người, bị thương 71 người. Bình quân 1 ngày có 17 người chết vì TNGT, thấp hơn bình quân năm 2019 là 21 người/ngày.
Còn theo ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, Nghị định 100/2019/NĐ-CP không phải quy định mới mà chỉ bổ sung thêm quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn với xe thô sơ. Trước đó, quy định cấm tuyệt đối sử dụng rượu bia đã được áp dụng với người điều khiển phương tiện ô tô, Cục CSGT đã xử phạt 10 năm nay, nhưng chưa ai khiếu nại vì bị phạt.
Thông tin thêm, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề về xã hội của Quốc hội, cho biết sau 9 ngày thực hiện, 99% người dân phản ánh đến Quốc hội hoan nghênh luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.