Giảm phí cảng biển, doanh nghiệp mừng nhưng vẫn lo

30/07/2022 06:55 GMT+7

Sau hơn 3 tháng triển khai, từ ngày 1.8, TP.HCM sẽ điều chỉnh mức thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển xuất phát từ kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp . Mức giảm 50% bớt đi gánh nặng nhưng khó khăn vẫn còn.

Mừng, nhưng vẫn lo

Trao đổi với Thanh Niên chiều 29.7, đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cho biết: “Có thể nói sau 2 năm bị bão Covid-19 quần cho tơi tả từ chuyện nguyên liệu đến hậu cần cho sản xuất, chế biến và đặc biệt là chi phí logistics đắt đỏ gấp 4 - 10 lần so với trước dịch, nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ hoặc vừa trong ngành thủy sản phải phá sản, nhiều DN chết lâm sàng, nhiều DN vẫn cầm cự được nhưng lợi nhuận sụt giảm, thậm chí lỗ. Việc TP.HCM áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển trong thời điểm này làm gia tăng áp lực cho DN. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giảm phí hạ tầng và nhất là các chính sách về vay vốn đặc biệt đáng quý và có ích cho DN trong giai đoạn phục hồi này”.

Phí hạ tầng cảng biển TP.HCM sẽ giảm từ ngày 1.8.2022

ngọc dương

Cùng nhận định với VASEP, đại diện Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN cho rằng việc giảm thuế phí giúp DN nhẹ gánh, tuy nhiên khó khăn trong những tháng cuối năm vẫn còn rất lớn.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN, cho biết: “Các thị trường chính xuất khẩu của VN như Mỹ, châu Âu, Anh đang lạm phát và trải qua sự sụt giảm về nhu cầu, tác động tiêu cực trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN ngành gỗ. Khảo sát nhanh đối với 52 DN trong khoảng 1 tháng nay cho thấy: Trong 45 DN hiện xuất khẩu đi Mỹ, có 33 DN doanh thu hiện tại đã giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Chỉ 10 DN cho biết doanh thu tăng so với các tháng trước đó, tuy nhiên mức tăng rất nhỏ (11%)”.

Xu thế tương tự cũng diễn ra đối với thị trường EU. Trong số 38 DN tham gia thị trường này có tới 24 DN cho biết doanh thu hiện giảm trên 41% so với các tháng trước đó. Chỉ 4 DN cho biết nguồn thu tăng, ở mức 14%. Với thị trường Anh, trong 25 DN tham gia thị trường này, 17 DN thông báo có nguồn thu giảm, ở mức trên 41%. Khoảng 71% DN cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Với tình hình thị trường như hiện nay, 44% DN toàn ngành cho rằng nguồn thu của DN sẽ giảm khoảng 44% trong cả năm 2022.

“Các con số này cho thấy bức tranh về thị trường rất ảm đạm. Các DN hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào. Nhiều DN cũng đang tiến hành các biện pháp khắc phục, bao gồm giảm quy mô sản xuất, chuyển đổi mặt hàng, chuyển đổi thị trường và một số biện pháp khác”, ông Đỗ Xuân Lập nói.

Đại diện Hiệp hội Điều VN (Vinacas) đánh giá cao sự tiếp thu ý kiến và điều chỉnh thuế phí hạ tầng cảng biển, tuy nhiên đây chỉ là một tháo gỡ nhỏ vì gánh nặng đối với DN ngành điều trong thời gian tới còn rất trầm trọng. Ông Vũ Thái Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Điều Long Sơn, chia sẻ: “Công ty chúng tôi đã nhận đơn hàng đến hết quý 2/2022, tuy nhiên khách hàng hiện nay đang yêu cầu được chậm giao hàng do tiêu thụ không tốt. Do đó, tình hình đơn hàng sau tháng 9 vẫn còn là con số ẩn. Từ nay đến khoảng tháng 9.2022 thì thị trường ảm đạm. Hy vọng thị trường sẽ khá lên vào cuối năm vì đấy là tháng khách hàng có nhu cầu cao tiêu dùng cho Giáng sinh, Tết Dương lịch và ở Trung Quốc là Tết Nguyên đán”.

Nhọc nhằn đề nghị giảm phí

Như Thanh Niên đã phản ảnh, từ ngày 3.4.2022, nhiều hiệp hội đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính và HĐND TP.HCM, UBND TP.HCM kiến nghị hoãn thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn TP.HCM (gọi tắt là phí cảng biển) đến ngày 31.12.

Giảm nhiều loại phí trong ngành vận tải

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị xem xét, điều chỉnh nhiều loại phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho ngành giao thông do chi phí xăng, dầu tăng cao. Cụ thể, Bộ GTVT kiến nghị giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách; giảm 10% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa. Lĩnh vực hàng không được đề xuất giảm 20% mức thu phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay; giảm 20% mức thu phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay. Lĩnh vực hàng hải, kiến nghị giảm 20% phí trọng tải tàu, thuyền hoạt động hàng hải nội địa; giảm 20% phí bảo đảm hàng hải hoạt động hàng hải nội địa; giảm 20% lệ phí vào, rời cảng biển hoạt động hàng hải nội địa. Tất cả các loại phí, lệ phí này đều được kiến nghị xét giảm từ nay đến hết năm 2022…

Khẳng định việc thu phí này là đúng quy định nên từ ngày 1.4.2022, TP.HCM vẫn triển khai thu phí hạ tầng cảng biển với mức phí thấp nhất 15.000 đồng cho mỗi tấn hàng không đóng trong container (hàng xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP.HCM), cao nhất 4,4 triệu đồng mỗi container loại 40 feet (hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, chuyển khẩu). Theo Sở GTVT TP.HCM, sau 2 tháng đầu vận hành thu phí cảng biển, mức phí thu được hơn 500 tỉ đồng. Tính toán của Sở GTVT TP.HCM đến năm 2025, nguồn thu phí hạ tầng cảng biển dự kiến đạt khoảng 16.000 tỉ đồng. Sau khi trích một phần cho đơn vị thu phí, toàn bộ nguồn thu sẽ được đầu tư các công trình quanh cảng.

Trước phản ứng của cộng đồng DN, Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan giải quyết các kiến nghị của các Hiệp hội DN liên quan đến việc đóng phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển tại TP.Hải Phòng và TP.HCM. Từ kiến nghị của DN và chỉ đạo giải quyết của Chính phủ, Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản đề nghị giảm mức phí và trình HĐND TP.HCM thông qua. Theo đó, từ ngày 1.8, TP.HCM giảm 50% mức phí với hàng tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu được vận chuyển vào cảng và rời cảng bằng đường thủy nội địa. Ngoài ra, mức phí hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP.HCM hay ngoài TP điều chỉnh cùng một mức thu để tạo sự đồng thuận của các DN xuất nhập khẩu hàng hóa của các tỉnh thành khác xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển.

Theo tính toán của Sở GTVT TP.HCM, việc giảm 50% phí hạ tầng cảng biển với hàng chở bằng đường thủy và giảm mức thu đối với hàng mở tờ khai tại các địa phương khác sẽ khiến TP giảm gần 900 tỉ đồng mỗi năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.