Giảm ô nhiễm môi trường: Đổi xe máy cũ có khả thi?

09/09/2020 06:27 GMT+7

Hà Nội đang xem xét chương trình kiểm tra khí thải và hỗ trợ đổi xe máy cũ để giảm ô nhiễm môi trường . TP.HCM cũng có đề xuất tương tự...

Thế nhưng việc đổi xe máy cũ lấy mới cũng gây lo ngại đi ngược mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân.

Hơn 2,5 triệu xe máy trên 20 tuổi ở Hà Nội

UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản giao Sở TN-MT chủ trì phối hợp với các sở GTVT, Tài chính, TT-TT, VH-TT và UBND các quận xem xét chương trình “nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn TP”, báo cáo UBND TP trước ngày 15.9.
Trước đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đã có đề xuất gửi TP.Hà Nội về chương trình hợp tác nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở Hà Nội, thông qua việc thực hiện dự án kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành.
Hà Nội hiện có hơn 5,7 triệu xe máy, trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ đăng ký trước năm 2000 và trên 730.000 ô tô, chưa kể nhiều phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn. Theo Sở TN-MT Hà Nội, khí thải từ các phương tiện này bao gồm các dạng hạt bụi lơ lửng, khí ô xít carbon (CO), HC, ô xít nitơ và các chất khác gia tăng theo thời gian và ngày càng vượt quá giới hạn cho phép. Các chất ô nhiễm này gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí đô thị và là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Về giải pháp thực hiện cụ thể, Sở TN-MT Hà Nội đề xuất chương trình đo kiểm phát thải của xe gắn máy: lựa chọn và lắp đặt thiết bị đo kiểm cho 8 đại lý sửa chữa, bảo dưỡng xe máy trên địa bàn TP phục vụ đo khí thải, dự kiến tại 6 quận: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hà Đông và Thanh Xuân.
Bãi bán xe cũ thanh lý trên đường Nguyễn Văn Linh (H.Bình Chánh, TP.HCM) ẢNH: ĐỘC LẬP

Bãi bán xe cũ thanh lý trên đường Nguyễn Văn Linh (H.Bình Chánh, TP.HCM)

ẢNH: ĐỘC LẬP

Đồng thời, thí điểm chương trình hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ (sản xuất trước năm 2002), lựa chọn 30 đại lý xe máy trên địa bàn với các cơ chế khác nhau. Về kinh phí thực hiện, VAMM chủ động kinh phí đầu tư các thiết bị đo khí thải và lắp đặt tại 8 trạm đo kiểm và 30 trạm đổi xe, cùng các cán bộ kỹ thuật. Hỗ trợ dưới dạng hiện vật trị giá 300.000 đồng/người để hỗ trợ cho các xe đến kiểm tra khí thải. Kinh phí hỗ trợ người muốn đổi xe máy theo chương trình (2 - 4 triệu đồng/người). Dự kiến 5.000 xe máy cũ sẽ được đo kiểm khí thải.

TP.HCM hỗ trợ nhưng không khuyến khích

Tại TP.HCM, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TP.HCM), cho hay VAMM mới đây cũng đã đề xuất Sở GTVT TP.HCM phương án hỗ trợ người dân mua mới phương tiện tương tự như chương trình tại Hà Nội. Sở đang xem xét và sẽ phối hợp lấy ý kiến của Sở TN-MT, Sở Công thương…
Tuy nhiên, quan điểm của TP.HCM là không ủng hộ đổi phương tiện cũ lấy phương tiện mới. Nguyên nhân, TP.HCM đang triển khai đề án tăng cường vận chuyển hành khách công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân. Nếu đổi xe cũ lấy xe mới thì số lượng xe sẽ không giảm, thậm chí có thể dẫn tới việc khuyến khích mua xe mới, không đúng tinh thần chủ trương của TP.
Mặt khác, theo quy định, đối với phương tiện xe cơ giới cũ, hết “đát”, không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải thì nhà sản xuất phải có trách nhiệm thu hồi hoặc phương tiện sẽ bị cơ quan chức năng thu hồi, xử phạt nếu tham gia giao thông. Do đó, trong thời gian đề án tăng cường giao thông công cộng chưa đạt được tới mục tiêu thay thế phương tiện cá nhân, người dân vẫn còn phải sử dụng xe 2 bánh thì nhà sản xuất có thể hỗ trợ các trường hợp phương tiện cũ phải thu hồi và có nhu cầu mua phương tiện mới. Mục tiêu không phải khuyến khích đổi xe cũ lấy xe mới.
Trước đó, sau nhiều lần thúc Bộ GTVT nhanh chóng có hướng dẫn để TP.HCM từng bước triển khai thí điểm kiểm định xe máy nhưng vẫn phải chờ luật Giao thông đường bộ sửa đổi, TP.HCM đã chủ động phối hợp với VAMM thực hiện chương trình thí điểm kiểm tra khí thải xe máy với số lượng dự kiến ít nhất 6.000 xe trong thời gian từ 15.5 đến hết tháng 9. Theo đó, người dân TP sẽ được kiểm tra khí thải miễn phí tại 8 đại lý bảo dưỡng, sửa chữa thuộc 5 hãng xe: Honda, Yamaha, SYM, Piaggio, Suzuki trên địa bàn 4 quận: 1, 3, Phú Nhuận, Tân Bình.
“Sau khi kết thúc chương trình thí điểm vào tháng 9, Sở GTVT sẽ báo cáo kết quả thực hiện chương trình lên UBND TP để làm cơ sở đề xuất HĐND TP trình Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thí điểm kiểm soát khí thải xe máy, mô tô đang lưu thông trên địa bàn. Trên cơ sở rà soát, thống kê thực tế, Viện Khoa học công nghệ GTVT (Bộ GTVT) sẽ đề xuất một chương trình lớn, bài bản về việc kiểm tra khí thải, trong đó có áp dụng chế tài đối với những phương tiện không đủ tiêu chuẩn để triển khai trên địa bàn toàn TP. Quan trọng nhất, Chính phủ cần sớm ban hành quy định về kiểm soát khí thải, quy định về thu hồi phương tiện cũ để các địa phương, đơn vị liên quan có cơ sở pháp lý triển khai, thực hiện”, đại diện Sở GTVT TP.HCM đề xuất.

Hãng xe máy kích cầu tiêu dùng?

Trên thực tế, cả Hà Nội và TP.HCM đều đang nghiên cứu đề án hạn chế phương tiện cá nhân, một trong những mục tiêu quan trọng là cấm xe máy vào khu vực nội đô, giảm tỷ lệ xe máy lưu thông để giảm ùn tắc (song song với phương án thu phí ô tô). Việc đổi xe máy cũ có thể đạt mục tiêu giảm tỷ lệ phát thải từ xe máy không đạt tiêu chuẩn, song có đi ngược chủ trương hạn chế dần phương tiện cá nhân?
Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết mục tiêu chung của TP.Hà Nội là hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, vì vậy các chương trình đều phải được xây dựng tương đồng với mục tiêu này. Đề xuất của Sở TN-MT sẽ được các sở, ngành liên quan góp ý trước khi trình UBND TP.Hà Nội xem xét, quyết định.
Ở khía cạnh khác, ủng hộ chương trình hỗ trợ người dân chuyển đổi từ phương tiện cũ sang phương tiện mới mà VAMM đang đề xuất, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, cho biết quy định kiểm tra khí thải, kiểm định đối với xe mô tô, xe gắn máy đang được đưa vào luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Trong đó, việc hỗ trợ người dân đổi xe cũ lấy xe mới phù hợp với tinh thần của các chính sách khuyến khích nâng cao an toàn phương tiện và giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng với số lượng khoảng 2,5 triệu xe gắn máy cũ đang lưu thông trên địa bàn TP.Hà Nội, chi phí để thực hiện sẽ rất lớn, khó khả thi. Do đó, giống như chương trình tặng nón bảo hiểm cho người dân mà Honda đã thực hiện, nên có cách làm hợp lý trên quy mô vừa phải. Bước đầu, các hãng xe sẽ tài trợ một phần chi phí đổi xe cho người dân như một cách thí điểm, mục tiêu là tạo tâm lý cho người dân muốn thay đổi phương tiện, hiểu được ý nghĩa của việc này. Sau đó, Chính phủ có thể hỗ trợ thông qua các chính sách giảm thuế, phí… vì đây là chương trình có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Trước lo ngại việc khuyến khích người dân chuyển đổi sang phương tiện mới có thể đi ngược lại chủ trương hạn chế xe cá nhân của cả Hà Nội và TP.HCM, theo ông Hùng, hạn chế sử dụng khác với vấn đề sở hữu. Chính quyền hạn chế người dân sử dụng xe máy, mong muốn giảm mức độ sử dụng của các phương tiện cơ giới cá nhân nói chung chứ không hạn chế sở hữu xe máy, ô tô. Khi các quy định hạn chế xe gắn máy, ô tô được ban hành thì dù xe cũ hay mới cũng sẽ phải tuân thủ. Vấn đề là mức độ phát thải của các phương tiện mới thấp hơn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
“Hiện tất cả các hãng xe đang kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam đều chịu sự quản lý về sản xuất, kinh doanh, thuế... Một chiếc xe bán giá bao nhiêu, thậm chí từng bộ phận, linh kiện như thế nào cũng đều được quản lý chặt chẽ nên người dân không cần lo ngại các hãng xe lợi dụng mục đích hỗ trợ để kích cầu tiêu dùng hoặc nâng giá bán xe trước khi hỗ trợ. Nếu chương trình này được triển khai, chắc chắn các hãng sẽ công bố giá bán, mức giảm tương ứng để việc hỗ trợ mang tính thực chất, tới tận từng người dân”, ông Hùng nói thêm.
Về vấn đề kiểm tra khí thải, ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh: Việc kiểm tra khí thải sẽ không thực hiện đồng loạt với toàn bộ xe đang lưu hành, mà có lộ trình theo thời gian, địa bàn, đối tượng. Các trạm kiểm định sẽ được triển khai theo chủ trương xã hội hóa, với sự tham gia, trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhập khẩu xe mô tô, gắn máy, của từng cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa.
Tại TP.HCM, tính đến ngày 2.9, tổng số lượng xe tham gia kiểm tra khí thải là 10.682 xe, đạt 178,03% so với kế hoạch và bằng 106,82% so với mục tiêu toàn chương trình đặt ra là 10.000 xe. Trong đó, có 10.035 xe đạt tiêu chuẩn, chiếm tỷ lệ 93,94%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.