Giảm nghèo bền vững cần chính sách đặc thù

Thu Hằng
Thu Hằng
18/10/2023 17:35 GMT+7

Công tác giảm nghèo trong thời gian tới sẽ tập trung chú trọng vào các giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật, tăng cường tín dụng chính sách, hỗ trợ sinh kế, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát…

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Lê Bình, Phó chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB-XH), với báo chí về thực hiện công tác giảm nghèo trong thời gian tới, nhân Tháng cao điểm vì người nghèo" (từ 17.10 - 18.11).

Giảm nghèo bền vững cần chính sách đặc thù - Ảnh 1.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 đặt ra mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm

LƯU QUANG PHỔ

Thưa ông, trong năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều tại các vùng dân tộc thiểu số là 23,7%, giảm 12,8% so với năm 2016. Trong giai đoạn 2016 - 2021, cả 6 vùng kinh tế - xã hội đều có tỷ lệ nghèo đa chiều giảm hằng năm, nhất là tại các vùng khó khăn, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của việc tạo sinh kế bền vững cho người dân trong công cuộc giảm nghèo?

Ông Nguyễn Lê Bình: Việc tạo sinh kế bền vững cho người dân trong công tác giảm nghèo đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Trong Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo qua các giai đoạn và cả giai đoạn 2021 - 2025, hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất cho người nghèo luôn được ưu tiên hàng đầu.

Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhất nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và giảm nghèo bền vững.

Ở nhiều huyện vùng biên giới, miền núi, hải đảo vẫn còn tỷ lệ hộ nghèo cao, nguy cơ tái nghèo vẫn hiện hữu. Theo ông, đâu sẽ là những hướng đi cần chú trọng để hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững?

Đối với các huyện nghèo, nhất là ở khu vực biên giới, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, chúng ta cần thực hiện đầy đủ các giải pháp về giảm nghèo, đồng thời cần bổ sung chính sách đặc thù, cách làm phù hợp, vừa bảo đảm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, vừa bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Theo đó, chúng ta cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo đa chiều gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư; ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện, có chính sách đặc thù đối với khu vực biên giới, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. 

Trước mắt là ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh, sản xuất đối với huyện nghèo, huyện biên giới với mức đầu tư lớn hơn, có địa chỉ cụ thể.

Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở những địa bàn khó khăn, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Chúng ta cần triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp và HTX liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; phát triển đa dạng các mô hình sản xuất phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần chú trọng xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả nghị quyết của cấp ủy về giảm nghèo; phân công cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và đảng viên theo dõi, hỗ trợ huyện nghèo, huyện biên giới, giúp đỡ hộ nghèo.

Giảm nghèo bền vững cần chính sách đặc thù - Ảnh 2.

ông Nguyễn Lê Bình, Phó chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo

T.H

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 đặt ra mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo và tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm. Vậy, giải pháp trọng tâm trong triển khai công tác giảm nghèo bền vững trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Thời gian tới, công tác giảm nghèo sẽ tập trung vào 6 giải pháp chính về tuyên truyền; hoàn thiện cơ chế chính sách; phân cấp, phân quyền cụ thể; tổ chức thực hiện các dự án; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và tăng cường công tác giám sát, đánh giá.

Cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững.

Rà soát hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững, giảm nghèo đa chiều gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện; tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giảm nghèo.

Tổ chức triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, chính sách giảm nghèo thường xuyên, tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo, nhất là ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo để hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo, hỗ trợ người dân nâng cao năng lực, không rơi vào tình trạng nghèo đói.

Giải pháp trọng tâm cuối cùng là tiếp tục tăng cường công tác giám sát, đánh giá, thanh tra, kiểm tra thực hiện chương trình tại các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương; có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm.

Xin cảm ơn ông!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.