Giảm gần 9.000 tỉ đồng tổng mức đầu tư đường Vành đai 3 TP.HCM

28/01/2022 18:20 GMT+7

UBND TP.HCM vừa trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM để tổ chức thẩm định, trình Quốc hội xem xét.

Theo đó, đường Vành đai 3 có tổng chiều dài khoảng 91,64 km, điểm đầu là nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), kết thúc tại nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An).

Giai đoạn 1 của dự án đầu tư khoảng 76,34 km, quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, tốc độ thiết kế 80 km/giờ, cùng phần đường song hành 2 bên quy mô mỗi bên bố trí tối thiểu 2 làn xe. Giai đoạn hoàn chỉnh đối với phần đường cao tốc là 8 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ; Đối với phần đường song hành sẽ đầu tư toàn bộ hai bên tuyến, mặt cắt ngang mỗi bên có tối thiểu 2 làn xe và hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Hệ thống đường Vành đai hoàn thiện sẽ giải tỏa rất lớn áp lực giao thông đang ngày càng trầm trọng tại TP.HCM

H.M

Tổng mức đầu tư giảm gần 9.000 tỉ đồng

Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 75.777 tỉ đồng. Con số này giảm gần 9.000 tỉ đồng so với mức dự kiến trước đó là 84.684 tỉ đồng. Được biết, số tiền tiết giảm nhờ phần chi phí giải phóng mặt bằng đoạn đi qua tỉnh Bình Dương sau rà soát giảm khoảng 1.000 tỉ đồng. Phần còn lại đến từ việc điều chỉnh quy mô giai đoạn 1 của dự án cho phù hợp với tình hình thực tế.

TP.HCM kiến nghị vốn ngân sách từ 4 địa phương (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An) góp hơn 35.786 tỉ đồng và vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 40.000 tỉ đồng.

Trong đó, TP.HCM và các tỉnh thống nhất đề xuất Trung ương bố trí nguồn vốn đã cân đối cho Bộ GTVT để thực hiện dự án đường Vành đai 3 trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng hơn 17.146 tỉ đồng. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuyển kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn cho thành phố và các tỉnh để thực hiện dự án trong năm 2022, 2023.

Đồng thời, tiếp tục cân đối, bố trí phần vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ còn lại (hơn 22.843 tỉ đồng) cho các địa phương để thực hiện dự án. Như vậy, tổng vốn Trung ương hỗ trợ cho dự án Vành đai 3 TP.HCM là gần 40.000 tỉ đồng.

Về phần ngân sách địa phương (hơn 35.786 tỉ đồng), hiện nay, các địa phương chưa cân đối, bố trí nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM và các tỉnh sẽ báo cáo HĐND về việc cam kết thực hiện cân đối, bố trí vốn từ ngân sách địa phương để đầu tư hoàn thành dự án theo tiến độ, khi ngân sách Trung ương đã cân đối, bố trí vốn thực hiện dự án.

Các địa phương cũng kiến nghị Chính phủ đồng ý, trình Quốc hội cho phép các địa phương rà soát lại kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 để ưu tiên nguồn vốn để bố trí cho dự án Xây dựng đường Vành đai 3. Đồng thời, chấp thuận việc tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của các địa phương từ các nguồn vốn có thể huy động thêm trong giai đoạn 2021 - 2025 (như: từ việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do UBND các địa phương quản lý; từ nguồn thu sử dụng đất…) và phần dự kiến tăng thu của các tỉnh, thành phố từ các nguồn đấu giá quỹ đất dọc tuyến, các nguồn vốn hợp pháp khác...

Kiến nghị nhiều cơ chế đặc thù

Trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, TP.HCM cùng các địa phương cũng kiến nghị Quốc hội được áp dụng 1 số cơ chế đặc thù để đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ vào 2025.

Cụ thể, đề xuất cho phép Quốc hội giao các địa phương tổ chức thực hiện các dự án thành phần trên địa bàn của từng địa phương và giao cho các địa phương làm chủ đầu tư thực hiện các dự án thành phần này như các dự án độc lập.

Trong quá trình thực hiện dự án (sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương), trường hợp thực tế cần thiết phát sinh tăng quy mô, tổng mức đầu tư các dự án thành phần, kiến nghị Quốc hội chấp thuận giao HĐND cấp tỉnh xem xét quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư theo trình tự, thủ tục tương tự dự án nhóm A. Ngân sách địa phương chịu trách nhiệm bổ sung phần giá trị tăng so với tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua chủ trương và không tính vào tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 của địa phương.

Tương tự, về thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh các dự án thành phần cũng theo thẩm quyền, trình tự, thủ tục tương tự dự án nhóm A do UBND các tỉnh, thành phố là cơ quan quyết định đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư công.

Về cơ chế chỉ định thầu, kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp để thực hiện các dự án thành phần.

Đặc biệt, các địa phương đề xuất được thực hiện các giải pháp triển khai đồng thời các thủ tục và rút ngắn thời gian thực hiện công tác thẩm định và hoàn thiện hồ sơ về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa nước hai vụ trở lên; thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; thẩm tra, phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cùng các công việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.