Giám đốc công ty khởi nghiệp trên xe lăn: Cùng 40 đồng sự giúp lại người khó khăn

21/06/2023 13:06 GMT+7

Cơn sốt bại liệt lúc 5 tuổi buộc Trung Hậu gắn chặt với chiếc xe lăn. Để trở thành 'ông chủ' của 40 nhân viên, ngoài sự nỗ lực của bản thân, chàng trai 38 tuổi cám ơn những người đã cho mình "chiếc cần câu để khởi nghiệp thay vì cho con cá, ăn một lần là hết".

Trong tiếng nhạc du dương, khách khứa ra vào uống cà phê buổi sáng, giám đốc Nguyễn Trung Hậu (38 tuổi) ngồi tĩnh lặng trên chiếc xe làm việc. Quán Ngồi Cafe là một phần trong khu phức hợp gồm nhà xưởng, văn phòng, khu lưu trú - nơi làm việc của 40 nhân viên mà ông chủ trẻ dựng trên nền đất rộng 1.200m2 ở X.Tân Thạnh Đông, H.Củ Chi.

Giám đốc công ty 40 nhân viên khởi nghiệp trên xe lăn - Ảnh 1.

Trung Hậu chọn khởi nghiệp ngành cà phê vì muốn đem những sản phẩm chất lượng phục vụ người dân quê hương.

Nhân vật cung cấp

"Cám ơn những chiếc cần câu"

Trung Hậu sinh ra vốn khỏe mạnh. Lên 5 tuổi, cơn sốt bại liệt ập đến vào một buổi chiều khiến cơ thể đứa trẻ lạnh cóng. Nằm viện suốt hơn 1 tháng, về nhà, cậu bé Hậu gần như chỉ nằm bất động trên gường.

Cơ thể yếu ớt nên lên 8 tuổi Hậu mới vào lớp 1. Đạt danh hiệu học sinh giỏi suốt 9 năm liền và đậu vào trường chuyên cấp 3. Nhưng sức khỏe kém, nghỉ tiết nhiều không thể theo kịp bài vở, Hậu tụt lại phía sau. Năm lớp 11, anh buộc phải thôi học.

"Tôi là học sinh ngồi xe lăn duy nhất của trường lúc bấy giờ. Cơ sở vật chất của trường lúc ấy chưa thể giúp một người như tôi có thể hòa nhập", Hậu ngậm ngùi.

Đường học cắt ngang, anh mất hơn 1 năm "cuộn tròn" trong thế giới của riêng mình. Một cậu bé chưa biết nghĩ về tương lai, chỉ biết lúc bấy giờ rất buồn, bế tắc.

Mọi thứ chỉ thực sự thay đổi khi gia đình mua cho anh chiếc máy vi tính. Không gian mạng là nơi mà Hậu có thể khám phá mọi kiến thức mới mẻ và kết nối với những người bạn thông qua những bài viết trên blog.

Giám đốc công ty 40 nhân viên khởi nghiệp trên xe lăn - Ảnh 2.

Hậu trò chuyện cùng 2 vị đại diện Hội chữ thập đỏ quốc tế trong một lần đến thăm công ty.

Nhân vật cung cấp

Khánh Uyên là một trong số đó. Cô bạn lúc bấy giờ là sinh viên trường ĐH Ngoại thương ở quận Bình Thạnh. Trong những lần trò chuyện, Uyên luôn khuyên Hậu học tiếng Anh để phát triển khả năng của bản thân. Nhưng anh lần lữa mãi vì không có tiền.

Để giúp Hậu, Uyên bắt xe từ thành phố đến một trung tâm gần nhà anh, âm thầm đăng ký khóa tiếng Anh. Tới ngày học, trung tâm gọi điện khiến Hậu ngỡ ngàng. 

Khánh Uyên chia sẻ: "Hậu rất thích tìm tòi, học hỏi những điều mới và đặc biệt thích tiếng Anh. Mình nghĩ có tiếng Anh Hậu sẽ tự tin hơn, có nhiều cơ hội tiếp cận những kiến thức mới mẻ".

"Tôi không bao giờ tin có một người dám làm điều đó cho tôi. Uyên giúp tôi tin rằng xã hội này còn có nhiều điều tử tế. Sau này tôi mới biết, Uyên đã giúp người khuyết tật như tôi 1 chiếc cần câu, chứ không phải cho tôi con cá", Hậu kể về người bạn tốt của đời mình. 

Giám đốc công ty 40 nhân viên khởi nghiệp trên xe lăn - Ảnh 3.

Cùng thời điểm đó, anh học nghề sửa vi tính từ 1 người bạn. Chỉ sau 4 tháng là có thể hành nghề, mỗi ngày kiếm được cả triệu. Hậu không phủ nhận nghề sửa chữa máy tính thật sự rất phù hợp với người khuyết tật như anh. Nhưng dường như, anh khao khát được làm nhiều điều hơn thế.

Vậy là sau một lời "rủ rê" lên Đà Lạt khởi nghiệp trong ngành cà phê của một người bạn, Hậu gật đầu cái rụp, mặc cho mẹ khóc can ngăn.

2 năm ở Đà Lạt, Hậu từ một người gọi điện chăm sóc khách hàng trở thành nhân viên thử nếm cà phê và lấn sân sang cả lĩnh vực quản lý nhân sự.

"Hoàn cảnh không tạo nên con người. Mà chính từ nội hàm bên trong mỗi người sẽ tạo nên giá trị của họ. Hành trình bạn đi quan trọng nhất là thái độ bạn chọn, nó sẽ ảnh hưởng tới kết quả của bạn", Hậu chia sẻ.

Chiến thắng bản thân là chiến thắng lớn nhất

Tham gia quá trình sản xuất cà phê chất lượng cao, Hậu nhận ra người dân quê Củ Chi của mình vẫn quen uống loại cà phê trộn đậu, vị đắng ngắt, đặc sệt.

"Sản lượng cà phê của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Brazil, tại sao người dân phải uống cà phê trộn", Hậu trăn trở.

Vậy là năm 2016, Hậu gom hết vốn liếng và kinh nghiệm của mình về Củ Chi cho ra đời thương hiệu Ngồi Cafe.

"Tôi muốn hướng đến sự đơn giản: ngồi để tĩnh lặng, ngồi để bắt đầu một ngày mới…Ra ngồi làm ly cà phê rồi đi cắt cỏ - tiếng gọi nhau của bạn bè rủ cha mỗi sáng khiến tôi nhớ mãi", Hậu lý giải.

Giám đốc công ty 40 nhân viên khởi nghiệp trên xe lăn - Ảnh 4.

Giám đốc ngồi xe lăn hướng dẫn nhân viên một số công việc ở quán Ngồi Cafe.

Nhân vật cung cấp

Quán cà phê rộng 40m2 ngay trong sân nhà, ngốn hết 450 triệu tiền vốn. Với những món mới lạ chế biến từ cà phê rang ủ lạnh kết hợp với sữa, nhắm đến đối tượng học sinh sinh viên, Hậu thắng lớn. Doanh thu mỗi ngày 5 -6 triệu, Hậu thu hồi vốn chỉ trong 9 tháng đầu.

Nhưng đến tháng 11 thì chàng trai bị một thương hiệu cà phê lớn hơn đánh gục, khi họ mở chi nhánh tại một điểm gần quán của anh. Chưa kịp đưa ra giải pháp thì dịch Covid -19 bùng phát, giãn cách xã hội nhiều tháng liền.

Thời điểm khó khăn nhất, tài khoản của anh còn đúng 7 triệu đồng trong tài khoản với 7 nhân viên. Ông chủ trẻ họp bàn, chia sẻ tình hình và gợi ý nếu ai muốn rời đi sẽ phụ tiền xe để họ ra về.

Nhưng tất cả đều ở lại với anh. 

Sau dịch, Hậu tiếp cận các sàn thương mại điện tử. Vẫn là sản xuất, phân phối cà phê nguyên chất và hướng đến xây dựng chuỗi quán. Bên cạnh đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội, lựa chọn đội ngũ nhân sự trẻ, năng động. 

Trường Giang, nhân viên pha chế trong quán, người đã đồng hành cùng Hậu trong thời điểm dịch Covid chia sẻ: "Lạc quan, nghị lực, không bỏ cuộc trước khó khăn là những điều mà một nhân viên như tôi có thể nói về ông chủ của mình khi công ty gặp khó khăn".

Giám đốc công ty 40 nhân viên khởi nghiệp trên xe lăn - Ảnh 5.

Hậu trò chuyện trong một buổi giao lưu của những bạn trẻ Thái Lan, Việt Nam.

Nhân vật cung cấp

Với những kinh nghiệm của bản thân trong kinh doanh, Hậu được nhiều người nhờ hỗ trợ tư vấn vận hành quán. Anh cũng thường được các trường đại học mời giao lưu với sinh viên để chia sẻ câu chuyện nghị lực, chiến thắng bản thân, tinh thần khởi nghiệp của mình. 

Đồng hành cùng người bạn của mình hơn 10 năm qua, Khánh Uyên vẫn luôn nhìn thấy ở Hậu sự lạc quan, luôn không ngừng học hỏi và nắm bắt cơ hội đến với mình. 

"Dù có thời gian Hậu bệnh nặng, ra vào bệnh viện liên tục nhưng luôn có những hoài bão riêng của mình. Qua những gì Hậu đã cố gắng, bạn ấy xứng đáng với những gì đang có. Hy vọng hậu sẽ gặp thêm những người bạn, người đồng hành tốt", Khánh Uyên tâm sự. 

Ông Nguyễn Văn Cử, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển - DRD ở TP.HCM cho biết, 13 năm trước Hậu là người được hưởng lợi từ những chương trình của trung tâm nhưng giờ quay ngược lại hỗ trợ người yếu thế. 

Đầu tháng 5, Ngồi Cafe lấy toàn bộ tiền đấu giá và toàn bộ doanh thu bán sản phẩm trong 5 ngày được gần 30 triệu đồng hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật khó khăn tại 3 tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Phước.

"Từ đó, Hậu đã quyết định trích 5% doanh thu tất cả các sản phẩm của công ty về sau hỗ trợ người khuyết tật. Là một doanh nghiệp chưa đủ mạnh, nhưng Hậu biết nghĩ đến việc đáp đền tiếp nối, đó là điều rất trân quý", ông Cử cho biết. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.