Giảm chi để khỏi tăng thu

01/09/2017 06:55 GMT+7

Phát biểu của lãnh đạo Bộ Tài chính đang gây bức xúc khi tuyên bố 'tăng thuế giá trị gia tăng không ảnh hưởng nhiều tới người nghèo' để bảo vệ đề xuất tăng thuế suất Thuế GTGT từ 10 - 12%.

Đầu tiên phải khẳng định ngay rằng, tăng thuế GTGT chắc chắn ảnh hưởng đến tất cả mọi người, trong đó có người nghèo.
GTGT là một loại thuế doanh thu đánh vào mỗi giai đoạn sản xuất, lưu thông sản phẩm hàng hóa, từ lúc còn là nguyên liệu thô cho đến sản phẩm hoàn thành, và cuối cùng là tiêu dùng.
Dù một số mặt hàng lương thực - thực phẩm không bị đánh thuế GTGT ở chợ nhưng đã bị tính thuế GTGT ở cả một quy trình dài dằng dặc trước khi ra đến chợ. Cho nên tăng thuế GTGT thì kiểu gì giá hàng hóa, dịch vụ cũng tăng.
Càng không thể nói người nghèo không hay ít bị ảnh hưởng. Với người nghèo, một đồng cũng quý. Chi phí sinh hoạt chỉ cần tăng thêm 100.000 đồng/tháng, rau - thịt có thể chưa bớt nhưng cây kem cho con, đồng quà - tấm bánh cho bố mẹ già rất có thể sẽ bị cắt. Chất lượng cuộc sống sẽ giảm sút.
Lý do tăng thuế GTGT là do áp lực thu ngân sách. Nhưng thực tế, thu ngân sách lại đang hết sức sáng sủa. Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng qua ước đạt 762.800 tỉ đồng, bằng 62,9% dự toán, tăng 12,8% so cùng kỳ năm 2016.
Đây là mức tăng thu cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Bộ Tài chính cũng thừa nhận, tiến độ thu ngân sách của các địa phương trong 8 tháng qua đạt khá so với dự toán và tăng so với cùng kỳ năm trước.
Số thu tăng, vậy tại sao Bộ Tài chính lại “căng thẳng” đến mức giải thích không thấu tình đạt lý về tác động của việc tăng thuế GTGT đến đời sống người dân như nói trên? Hơn nữa, Bộ lại đưa ra đề xuất đi ngược chủ trương kích cầu tiêu dùng của Chính phủ? Bởi nguyên nhân không nằm ở "tổng thu" mà nằm ở "tổng chi".
Trong tổng chi ngân sách, chi thường xuyên (chi trả lương, tiêu dùng...) vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất. Cụ thể, chi thường xuyên 8 tháng đạt trên 585.000 tỉ đồng, bằng 65% dự toán, tăng 7,4% so cùng kỳ năm 2016. Điều đó cho thấy tổ chức, bộ máy hưởng lương từ ngân sách còn rất cồng kềnh. Một nghiên cứu của Trường ĐH Kinh tế quốc dân công bố hồi tháng 3 năm nay cho thấy, tỷ trọng chi ngân sách/GDP của VN thuộc loại cao nhất trong khu vực Đông Nam Á hơn 10 năm qua. Cho đến năm 2016, tỷ trọng này vẫn ở mức trên 28% GDP, trong đó chi thường xuyên luôn chiếm tỷ trọng khoảng 70%.
Về logic, chi nhiều thì phải thu nhiều nên cách tốt nhất để giảm thu là giảm chi. Chúng ta vẫn đang phải vay để bù đắp bội chi, để trả nợ... Đây là cảnh báo về khả năng nợ công tiếp tục gia tăng. Vì vậy, giảm thu (thuế, phí, lệ phí...) vừa có tác dụng khoan sức doanh nghiệp, khoan sức dân song song với việc siết kỷ cương ngân sách để giảm bội chi là việc cấp thiết mà Bộ Tài chính phải làm, chứ không phải là những đề xuất tăng thu như nói trên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.