Giảm bất bình đẳng khi học sinh học trực tuyến

15/09/2021 07:27 GMT+7

Giảng dạy trực tuyến nếu không tính toán dễ làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, nhất là đối với học sinh hoàn cảnh khó khăn .

Do vậy ngành giáo dục cần thiết kế nhiều nền tảng, kênh học trực tuyến để toàn bộ học sinh (HS) được học tốt nhất.

Khi giáo dục trực tuyến là cách lựa chọn duy nhất

Ngành giáo dục đã buộc phải xem giáo dục trực tuyến, giảng dạy trực tuyến như là phương cách tối ưu để cung cấp dịch vụ giáo dục đến cho người học trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Dù giáo dục trực tuyến không thể thay thế và không thể mang đến chất lượng tốt như giáo dục truyền thống vì nhiều lý do khác nhau, nhưng với tình thế này không còn cách nào khác. Điều quan trọng phải tổ chức dạy và học trực tuyến như thế nào cho hiệu quả và tạo công bằng trong việc tiếp cận nhất cho HS.
Một khảo sát ở Ý cho thấy có đến 75% giáo viên (GV) không biết cách dạy trực tuyến sao cho hiệu quả, họ chỉ đơn giản là bê nguyên xi cách giảng truyền thống tại lớp vào nền tảng trực tuyến. Đây là điều dễ hiểu vì các trường đào tạo sư phạm gần như không đào tạo các kỹ năng hay phương pháp sư phạm cho việc giảng dạy trực tuyến cho các GV. 
Bởi vậy để nâng cao chất lượng dạy học cần có những tài liệu chia sẻ, lớp tập huấn nhanh cho GV chưa được trang bị các kỹ năng sư phạm này. Đây là việc rất quan trọng, bởi khả năng truyền đạt, cảm hứng dạy học của thầy cô quyết định rất lớn đến độ tập trung học của HS khi không “bị” giám sát trực tiếp.

Trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay, học trực tuyến là lựa chọn bắt buộc

Ngọc Thắng

Cần nhiều kênh giảng dạy cho học sinh

Điều đáng lưu ý nhất của giảng dạy trực tuyến là dễ làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đối với HS hoàn cảnh khó khăn. Để học trực tuyến cần phải có đầy đủ các trang thiết bị, mạng internet và không gian học phù hợp. 
Việc sở hữu một thiết bị học trực tuyến đối với HS gia đình khó khăn không phải dễ. Ngay cả ở Mỹ, theo thống kê vẫn có hàng ngàn gia đình thu nhập thấp, gia đình ở nông thôn không tiếp cận được với mạng internet. Con số này ở nước ta chắc chắn sẽ cao hơn. Bởi vậy, không chỉ dạy trực tuyến, các trường cần phải có nhiều kênh giảng dạy để đảm bảo toàn bộ HS đều có thể tiếp cận.
Ngoài việc gửi các bài học về nhà, có thể tận dụng mở thêm kênh giáo dục hoặc tăng thời lượng phát sóng các kênh giáo dục trên truyền hình, phát thanh. Lịch học ở các kênh này phải được xây dựng theo hướng phát đi phát lại chương trình nhiều lần và công bố cụ thể cho HS. Cùng với đó là tạo các trang web về giáo dục, ghi hình sẵn đưa lên YouTube… để HS vào học. GV cần giới thiệu về các kênh, tài nguyên học liệu… cho HS biết. 
Ngoài ra, khuyến khích các GV, nhất là GV về hưu, tạo các kênh giảng dạy, bổ trợ thêm cho HS có nhu cầu. Phần mềm dạy và học cũng cần sử dụng nền tảng đơn giản, dễ thao tác, phù hợp lứa tuổi HS. 
Bên cạnh đó, trong giáo dục trực tuyến, các em HS phải học tại nhà nên trong bối cảnh này cha mẹ cũng phải trở thành thầy cô giáo của các em, nhất là đối với các em HS bậc tiểu học.
Khó khăn chồng chất khi học trực tuyến
Bộ GD-ĐT liệt kê những khó khăn trong việc tổ chức dạy học trực tuyến hiện nay, đến từ cả điều kiện khách quan và chủ quan, như: nhiều tỉnh, thành phải tổ chức dạy học trực tuyến, song do hệ thống đường truyền internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học miễn phí chất lượng không tốt, nhiều HS thiếu trang thiết bị học tập.
TP.HCM thống kê sơ bộ còn thiếu 77.000 máy tính để học trực tuyến; An Giang có khoảng 50% HS tiểu học, 20 - 30% HS THCS, THPT thiếu thiết bị học trực tuyến; Sơn La có gần 70% HS chưa có thiết bị học trực tuyến, 1.635 thôn/bản/khu vực nơi ở của HS không có mạng internet; Ninh Thuận có trên 70% HS tiểu học, trên 30% HS THCS, THPT chưa có thiết bị học trực tuyến…
Tuệ Nguyễn
Các giải pháp hỗ trợ
Bộ GD-ĐT cho biết trước khó khăn chung của ngành GD-ĐT, nhiều địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ HS, GV như: Hà Nội huy động được hơn 2.000 máy tính, thiết bị dạy học; TP.HCM tổ chức quyên góp máy tính, điện thoại; Thừa Thiên-Huế trích ngân sách hỗ trợ thiết bị học tập; Hà Tĩnh huy động doanh nghiệp ủng hộ phương tiện học tập cho HS có hoàn cảnh khó khăn; Nghệ An cử cán bộ biên phòng đến các bản làng để hỗ trợ điện thoại và giúp đỡ HS học trực tuyến…
Các cơ sở giáo dục, GV có nhiều sáng tạo để khắc phục khó khăn như dạy học và hướng dẫn việc học qua hình thức tin nhắn, qua nhóm trên các mạng xã hội (Zalo, Facebook…); dạy học và hướng dẫn việc học qua tài liệu do GV chuẩn bị và photo gửi đến gia đình HS…
Kho học liệu của Bộ GD-ĐT đã được bổ sung bài giảng, học liệu và kết nối với Hệ tri thức Việt số hóa chia sẻ dùng chung cho cả nước. Hiện nay có gần 7.000 bài giảng trực tuyến, trong đó có 1.500 video bài giảng trên truyền hình có chất lượng. Có 14 kênh truyền hình của T.Ư và địa phương thường xuyên phát chương trình ôn tập và dạy học.
Tuệ Nguyễn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.