Trung Quốc chấn chỉnh tình trạng fan cuồng, tôn thờ thần tượng quá đà

03/09/2021 11:19 GMT+7

Cơ quan chức năng Trung Quốc đề ra nhiều biện pháp nhằm kiềm chế văn hóa hâm mộ thần tượng quá đà ở một bộ phận giới trẻ hiện nay . Báo chí nước này cũng chỉ trích nhiều bạn trẻ tôn thờ thần tượng đến mất lý trí.

Ám ảnh người nổi tiếng

Năm 2017, cô gái 18 tuổi Gong Yu Wen (Cung Ngọc Văn) phát hiện mình trở thành trung tâm của câu chuyện về văn hóa fandom (cộng đồng người hâm mộ) tại Trung Quốc và tình trạng “bám đuôi” người nổi tiếng. Cung Ngọc Văn đã bỏ học và thất nghiệp, “cắm trại” tại sân bay quốc tế Hồng Kiều (Thượng Hải) chỉ để nằm chờ sự xuất hiện của các ngôi sao và mong được chụp ảnh cùng họ.
Về sau, mọi hành vi "bám đuôi" của Cung Ngọc Văn với các nghệ sĩ cũng được bàn tán rầm rộ trên mạng xã hội. Nhiều người bức xúc hành vi “đu bám sân bay” của Cung Ngọc Văn và chia sẻ hàng trăm ảnh fan cuồng này “săn sao - chụp ảnh” một cách bất chấp.

Cung Ngọc Văn ''săn sao - chụp ảnh" mọi lúc mọi nơi. Đặc biệt, Cung Ngọc Văn không hâm mộ một nghệ sĩ duy nhất, mà “hết lòng” tiếp cận bất kỳ ngôi sao nào mà cô nhìn thấy

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH SINA

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc gọi Cung Ngọc Văn là "diva sân bay Hồng Kiều" và đổ xô đào bới cuộc sống cá nhân của cô. Kết quả học tập kém, thất nghiệp và lối sống dựa dẫm vào ông bà của Cung Ngọc Văn được công khai. Cô gái này trở thành một ví dụ điển hình của văn hóa hâm mộ người nổi tiếng sai trái tại Trung Quốc.
Nữ diễn viên Mã Tư Thuần từng khuyên Cung Ngọc Văn nên đi tìm bạn trai hơn là dành thời gian “săn sao - chụp ảnh”. Việc Cung Ngọc Văn được các nghệ sĩ để ý đến lại càng củng cố thêm niềm tin cho nhóm fan cuồng. Có lúc, dân mạng và fan cuồng còn đánh giá mức độ nổi tiếng của một ngôi sao từ Cung Ngọc Văn: “Nếu không bị "diva sân bay Hồng Kiều" đeo bám thì đừng có nói rằng mình nổi tiếng nhé”.

Với sự bùng nổ của các chương trình truyền hình thực tếphim ảnh… những nghệ sĩ xứ Trung càng có độ phổ biến rộng rãi hơn. Họ thu hút nhiều fan hơn và cũng có không ít fan cuồng có hành vi vượt quá tầm kiểm soát

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH SINA

Hâm mộ hay quấy rối?

Cung Ngọc Văn chỉ là một trong số nhiều trường hợp về văn hóa hâm mộ lệch lạc ở đất nước tỉ dân. Vào tháng 7 vừa qua, cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ hai người hâm mộ quá khích gắn thiết bị theo dõi bất hợp pháp trên xe của ca sĩ, diễn viên Vương Nhất Bác, để nắm lịch trình và hoạt động hằng ngày của thần tượng. Sau đó, họ còn bán thông tin cho những fan cuồng khác. Những người này không hề cảm thấy đang xâm phạm đời tư nghệ sĩ, mà còn khoe khoang chiến tích trên mạng xã hội.
Đây không phải lần đầu tiên Vương Nhất Bác phát hiện có thiết bị theo dõi gắn trên xe. Chủ nhân hit Vô cảm từng bị fan cuồng bao vây ở khách sạn, gõ cửa phòng lúc nửa đêm, gọi điện thoại chọc phá… Anh từng liên tục kêu cứu: "Nếu yêu quý tôi, xin hãy ý thức”. Dù vậy, tình trạng này vẫn không cải thiện. Bạn diễn của Vương Nhất Bác trong Trần tình lệnh là Tiêu Chiến cũng gặp tình huống fan quấy rối tương tự. Còn Jackson Wang (Vương Gia Nhĩ, nhóm Got7) cũng bị một fan cuồng tiết lộ địa chỉ nhà riêng lên mạng vào năm 2019.

Vương Nhất Bác (trái) và Vương Gia Nhĩ từng bị fan cuồng rình rập

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH SINA

Các nghiên cứu chỉ ra rằng sự biến đổi từ một niềm yêu thích bình thường thành tôn thờ người nổi tiếng một cách mù quáng là hành vi có liên quan đến bệnh tâm lý. Đối với các fan cuồng này, tiêu chuẩn đạo đức, xã hội không còn. Họ chỉ mang trong mình nỗi ám ảnh, muốn theo dõi, biết mọi thứ về thần tượng.
Một nghiên cứu khác tại Anh nhận định lý do phổ biến nhất đằng sau chuỗi hành vi của fan cuồng chính là họ ảo tưởng rằng có thể hiểu hết mọi thứ về thần tượng. “Thông qua các phương tiện truyền thông, fan cuồng dần cảm thấy rằng mình hiểu được một người nổi tiếng từ ngoại hình, cử chỉ, lối trò chuyện… dù chưa bao giờ giao tiếp trực tiếp với họ”, một chuyên gia chia sẻ.

Những trường hợp như “diva sân bay Hồng Kiều" và nạn dùng các thiết bị theo dõi bất hợp pháp cho thấy vấn đề tâm lý bất ổn của một bộ phận fan cuồng quá khích tại Trung Quốc

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH SINA

Trung Quốc sẽ mạnh tay với tình trạng fan cuồng?

Vào tháng 5, show âm nhạc sống còn Thanh xuân có bạn 3 đã bị buộc chấm dứt sớm vì gián tiếp kêu gọi fan mua sữa chua do nhà tài trợ chương trình sản xuất. Cụ thể, người hâm mộ phải mua sữa chua nhằm lấy mã bình chọn cho thần tượng, vì mua quá nhiều nên nhiều người uống không hết phải đổ bỏ.
Cảnh tượng hàng trăm hộp sữa chua bị đổ xuống sông dấy lên tranh cãi lớn trong bối cảnh Trung Quốc đang kêu gọi người dân chống lãng phí thực phẩm. Việc mua rồi bỏ đồ uống một cách phí phạm còn khiến khán giả đặt ra câu hỏi về văn hóa hâm mộ thần tượng mù quáng và sự tác động tiêu cực đến nhận thức giới trẻ ở Trung Quốc.

Thanh xuân có bạn 3 bị tố gián tiếp khiến fan lãng phí thực phẩm

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH SOHU

Cũng trong tháng 5 năm nay, khán giả chán nản khi đọc tin một nhóm fan cuồng làm loạn trên máy bay vì muốn tiếp cận nhóm nhạc TNT. Đến tháng 8, đội fan cuồng của Ngô Diệc Phàm coi thường luật pháp, định cứu anh thoát khỏi nhà tù bằng một kế hoạch tỉ mỉ.
Hàng loạt lùm xùm trên càng khiến giới chức Trung Quốc tính đến việc áp dụng biện pháp chấn chỉnh fan cuồng. Gần cuối tháng 8 vừa qua, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc công bố kế hoạch gồm 10 điều ngăn chặn văn hóa hâm mộ “hỗn loạn”, xóa bỏ sự ảnh hưởng tiêu cực của người nổi tiếng đến giới trẻ...

Fan Ngô Diệc Phàm từng xây dựng kế hoạch giúp anh "vượt ngục"

ẢNH: INSTAGRAM NV

Trong bản kế hoạch, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc nhấn mạnh bài trừ việc đăng tải và truyền bá tin đồn độc hại hoặc kích động người hâm mộ. Bên cạnh đó, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc còn đưa ra văn bản vừa cảnh cáo vừa kêu gọi người hâm mộ đi theo hướng “hâm mộ ngôi sao một cách hợp lý”. Cơ quan chức năng cũng đã xóa bỏ các bảng xếp hạng do fan bình chọn, dừng tổ chức các show sống còn mà khán giả bỏ tiền mua vote…
Từ tháng 6, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã có ý muốn chấm dứt tình trạng "mất kiểm soát" liên quan đến các nhóm người hâm mộ trực tuyến cũng như chấn chỉnh văn hóa hâm mộ ngày càng biến tướng tại Trung Quốc.

Các nhóm hâm mộ ở Trung Quốc (hay còn gọi là Trạm fan, Hậu viện hội) cũng được xem là một hình thức vừa ủng hộ thần tượng vừa kinh doanh rất tốt. Tờ The Paper gần đây đã báo cáo rằng ngành công nghiệp này có thể có giá trị lên tới 140 tỉ nhân dân tệ (493 tỉ đồng) vào năm 2022

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH SINA

Trước đó, vào tháng 3 năm nay, một đại biểu quốc hội Trung Quốc từng đề nghị: “Văn hóa fandom trong nước đã vượt quá giới hạn và cần được quản lý”.
Tuy nhiên, bất chấp những đề xuất và thông báo được đưa ra, nhiều người cho rằng tình trạng fan cuồng khó mà giải quyết triệt để. Không ít dân mạng cho rằng "diva sân bay Hồng Kiều" Cung Ngọc Văn dù đã biến mất trên các phương tiện truyền thông, nhưng những phiên bản của cô vẫn không ngừng xuất hiện và còn biết cách “ẩn thân” để không bị chú ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.