Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn: Có nhiều thứ làm hỏng nhà biên kịch

27/03/2010 10:17 GMT+7

Phóng viên của TNTT> đã có cuộc trò chuyện với nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn, Phó tổng biên tập tạp chí Điện Ảnh, Trưởng khoa Điện ảnh trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội về vấn đề lời thoại trong phim Việt hiện nay

Để bàn về lời thoại trong phim Việt, trước hết, ông có thể nói ngắn gọn về tầm quan trọng của lời thoại trong phim?

Trong một bộ phim, ngoài phần hình ảnh còn có phần âm thanh (chiếm 25% trong bộ phim), trong đó gồm: âm nhạc, thoại, tiếng động. Lời thoại có chức năng gây kịch tính trong phim, đẩy không khí lên cao; thể hiện tính cách của nhân vật; chuyển cảnh này sang cảnh khác; tăng nhịp điệu, giữ nhịp điệu, tránh sự rời rạc trong phim.

Ảnh: Minh Ngọc

Ông có nhận xét gì về lời thoại trong phim Việt  (phim nhựa và phim truyền hình) hiện nay?

Khi xem một bộ phim truyền hình hay điện ảnh, nếu ta nhắm mắt lại không nhìn lên màn hình mà hiểu hết bộ phim, thì đó là bộ phim rất dở. Lời thoại đã nói hết hình ảnh. Phim Việt thường là vậy, thiếu hình ảnh nên phải tăng lời thoại lên. Trong điện ảnh, lời thoại “càng ngắn càng nhiều, càng ít càng tốt”, còn phim Việt thì ngược lại “càng nhiều càng ít”. Lời thoại trong điện ảnh không được nói trực diện, mà cần ẩn dụ, ẩn ý. Nhưng trong phim Việt hầu như không có những lời thoại như vậy. Lời thoại thường lộ ra, phô hết cả ra. Phần lớn lời thoại là phụ đề của hành động, lời thoại nói những điều diễn viên nghĩ chứ không nói những điều diễn viên cảm nhận, vì thế lời thoại thiếu sự tinh tế và duyên dáng.

Tôi có một người bạn Nhật làm điện ảnh, anh có nói rằng phim Việt Nam không có cảnh mổ bụng moi gan, đâm chém nhau, nhưng lời thoại thì đầy bạo lực từ vợ nói với chồng, con với bố mẹ, đồng nghiệp với nhau. Các nhân vật thường được tưởng tượng ra, lời thoại cũng do tự nghĩ ra nên xa rời cuộc sống, không có ngôn ngữ đời thường. Mà đời thường lại “tươi như đuôi cá quẫy”, mang tính triết lý, nhân văn, ý nghĩa nhân sinh. Thường ở nước ngoài luôn có nhà ngôn ngữ học xem xét lời thoại có hợp với tâm trạng, nhân vật hay không, âm lượng giọng nói thế nào. Ở ta vẫn chưa có, chúng ta làm một cách tự do, bừa bãi.

Theo ông, vì sao lời thoại vẫn là điểm yếu trong phim Việt?

Người viết kịch bản được dạy rằng khi viết những câu thoại phải tập nói trước gương, với các cung bậc, ngữ điệu khác nhau. Chúng ta không có những nhà biên kịch viết được những câu thoại như vậy. Các nhà biên kịch thường viết về những nhân vật tưởng tượng, lời thoại tưởng tượng, câu chuyện cũng tưởng tượng, không có đời sống. Nếu nhà biên kịch không thuộc đời sống của những người đánh bạc, kẻ ăn cắp, buôn lậu, bà mẹ đau đớn vì con… mà lại bịa ra thì làm sao có lời thoại hay. Lời thoại không từ trái tim, không từ nỗi buồn niềm vui có thực thì sao tác động được tới khán giả.

Các nhà viết kịch bản trẻ thì muốn làm cái gì cũng nhanh, xong ngay lập tức, kiếm được nhiều tiền. Tôi dạy sinh viên bao nhiêu năm trời, không có câu thoại để tôi đáng nhớ. Tôi nói thật.

Như vậy, phải chăng đội ngũ các nhà biên kịch của chúng ta đang yếu đi?

Yếu đi thì không phải. Các nhà biên kịch đông hơn nhưng nhu cầu, áp lực công việc đòi hỏi nhanh, nhanh thì lại làm ẩu vì họ bị trả tiền rẻ, quá rẻ. Một người bạn tôi ở Nga viết một kịch bản mà sống đủ trong 3 năm trời. Trong khi đó kịch bản ở ta chỉ trả vài triệu đồng. Có những phim, tác giả kịch bản viết 5 năm trời mà chỉ nhận được số tiền như vậy. Các nghệ sĩ không được đối xử đúng với công sức họ bỏ ra thì tự thân họ sẽ không dồn nhiều công sức để sáng tác nữa. Nói chung, có rất nhiều thứ có thể làm hỏng nhà biên kịch, đó là: cơ chế, áp lực, thời gian, tiền bạc...

Với kinh nghiệm và thành công trong nghề, theo ông, để có lời thoại hấp dẫn, sâu sắc, gần gũi, nhà biên kịch cần phải làm gì?

Đọc nhiều, xem nhiều, sống nhiều.

Làm điện ảnh, nếu cẩu thả, dối trá sẽ lộ ra ngay. Chúng tôi quan trọng việc người cùng nghề đánh giá nhau ai là người làm hàng thật, ai là người làm hàng giả. Cần giữ cho mình sự tín nhiệm, đừng để người ta nói “ông đấy làm hàng chợ, cô ấy diễn dở ẹc”. Điều tôi muốn nói ở đây chính là đạo đức nghề nghiệp.

Ý kiến...

(Nhân đọc loạt bài Lời thoại phim Việt: Quanh năm vẫn chán - Xem TN TT&GT từ 23.3.2010)

 * Tôi cũng như nhiều bạn bè rất ít khi xem phim truyền hình Việt Nam, chúng tôi thích phim Hàn Quốc, phim Mỹ… hơn. Tại sao phim Hàn Quốc lại được đông đảo khán giả Việt Nam thuộc nhiều lứa tuổi ưa chuộng trong nhiều năm nay. Ngoài chuyện diễn viên của họ đẹp, diễn xuất tốt hơn, không thể không nhắc đến khía cạnh lời thoại giữa các nhân vật rất đời, tự nhiên và phù hợp với bối cảnh câu chuyện.

Trong phim, họ trau chuốt từ những chi tiết nhỏ như nụ cười, tiếng khóc. Chắc ai đã từng xem phim truyền hình Việt Nam sản xuất cũng từng bực mình vì những tiếng cười nhiều lúc thấy vô duyên, gây phản cảm. Điều này có lẽ do các phim của ta phần lớn đều được thực hiện theo phương pháp lồng tiếng. Theo tôi để ý, có vẻ như ngoài miền Bắc cũng chỉ có vài nhóm lồng tiếng, miền Nam cũng chỉ có vài nhóm lồng tiếng thôi dẫn đến những bộ phim rõ ràng cốt truyện khác nhau nhưng vẫn những giọng nói ấy, cách cười, nhả chữ y hệt như nhau. Có những giọng nói phim này lồng tiếng người già, phim sau lại là tiếng nói của chàng thanh niên… rất khó chịu và… không thể hiểu nổi!!!_Nguyễn Thị Việt Hằng (Quang Trung, Q.Gò Vấp, TP.HCM)

* Xem phim Việt Nam đôi khi tôi có cảm giác thư giãn thật sự, bởi vì có nội dung hay tình tiết gì đâu mà phải suy nghĩ. Phải nói thật là có nhiều cảnh hết sức bát nháo, mỗi nhân vật nói một câu không ăn nhập gì với vai mình đang thể hiện. Từ nhân vật ông bố, bà giám đốc...đều thể hiện không thực tế đôi khi dẫn đến khôi hài, phải gọi là phim "mì ăn liền" thì chính xác nhất._Gia Thương (giathuongvt@gmail.com)

Những lời thoại hay trong phim hiện đại

* Something’s gotta give (Đôi điều cho đi)

Harry (Jack Nicholson): Anh chưa bao giờ lừa dối em cả. Anh luôn nói với em vài phiên bản của sự thật.

Erica Barry (Diane Keaton): Sự thật không bao giờ có phiên bản, anh hiểu không?

* Shrek (Shrek, gã chằn tinh tốt bụng)

Shrek: Nếu tôi đối xử tệ bạc với cậu như vậy, sao cậu vẫn còn ở đây?

Con lừa: Bởi vì đó là điều bạn bè làm: tha thứ cho nhau.

* Finding Neverland (Tìm kiếm Neverland)

Peter Llewelyn Davies (Freddie Highmore): Thật lố bịch. Đây chỉ là một con chó.

J.M.Barrie (Johnny Depp): Chỉ là một chú chó à? Porthos (tên chú chó) mơ trở thành một chú gấu, và cháu muốn làm tan vỡ ước mơ ấy bằng cách nói nó là một con chó à? Thật là những lời lẽ bi quan khủng khiếp. Lời lẽ ấy giống như nói anh ấy không thể leo núi vì anh ấy chỉ là một con người, hay kia không phải là kim cương, nó chỉ là một hòn đá.

* Closer (Xích lại gần nhau)

Dan (Jude Law): Khi anh quay lại, xin hãy nói cho anh sự thật.

Alice (Natalia Portman): Tại sao?

Dan: Vì anh nghiện nó. Vì không có nó, chúng ta chỉ là thú vật. Tin anh đi.

(Lời hay trong phim – yxine.com)

Những câu thoại đáng nhớ nhất

Viện Điện ảnh Mỹ đã lập ra danh sách 100 câu trong phim được coi là đáng nhớ nhất của điện ảnh Mỹ nhân kỷ niệm 100 năm ngày ra đời của nghệ thuật điện ảnh


* Xếp đầu bảng là câu “Frankly, my dear, I don't give a damn" (tạm dịch: "Thật lòng mà nói, em yêu ạ, anh cũng cóc cần quan tâm") là một câu thoại trong bộ phim Cuốn theo chiều gió. Câu nói này là những lời cuối cùng của Rhett Butler (Clark Gable thủ vai) nói với Scarlett O'Hara (Vivien Leigh). Lời nói này được bật ra trong đoạn cuối của bộ phim khi Scarlett hỏi Rhett: "Em sẽ đi đâu? Em sẽ làm gì?" nếu Rhett bỏ cô.

* Đứng thứ hai là câu "I'm going to make him an offer he can't refuse”

 
(tạm dịch “Ta sẽ đưa ra một đề nghị mà hắn không thể chối từ”), là câu bố già Vito Corleone (Marlon Brando) nói với con đỡ đầu Johnny Fontane trong phim Bố già. Câu nói được Don Corleone nói với Johnny trong hoàn cảnh chàng ca sĩ nổi tiếng này tới để đề nghị bố già giúp đỡ anh ta có được vai diễn trong một bộ phim Hollywood của Jack Woltz, người trước đó đã từ chối thẳng thừng Fontane.

* Casablanca là bộ phim có nhiều câu thoại đứng trong danh sách nhất (6 câu), đứng trên Cuốn theo chiều gió và The Wizard of Oz với những câu như "Here's looking at you, kid" – Nhìn em kìa, nhóc (thứ 5), "Louis, I think this is the beginning of a beautiful friendship" – Louis, tôi nghĩ rằng đây là sự bắt đầu của một tình bạn đẹp (thứ 20), "Play it, Sam. Play 'As Time Goes By'"- Chơi đi, Sam. Hãy chơi bản "As Time Goes By" (thứ 28). Trong số 6 câu thoại thì "Here's looking at you, kid" không hề nằm trong kịch bản gốc mà nó xuất phát từ một câu nói ngẫu hứng của Bogart (vai nam chính) khi ông dạy Bergman (vai nữ chính) chơi bài poker trong thời gian nghỉ giữa các cảnh quay._N.T (wikipedia)

Minh Ngọc 

Thư từ, bài vở xin gửi về:  vanhoanghethuat@thanhnien.com.vn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.