Phim truyền hình 'khát' kịch bản

Ngọc An
Ngọc An
08/07/2020 06:17 GMT+7

Sau 'cơn sốt' của bộ phim Quỳnh búp bê, nhà sản xuất - Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam (VFC), đã lên kế hoạch sản xuất phần 2 nhưng chưa thể thực hiện vì không tìm được... kịch bản.

Đạo diễn đợi làm phim

“Đã có cả dự án cho Quỳnh búp bê phần 2. Bản thân tôi mất cả năm trời nung nấu ý định đó. Anh Đỗ Thanh Hải (Giám đốc VFC - PV) cũng rất tâm huyết với dự án này. Chúng tôi đã bàn bạc, thậm chí có cả nhóm biên kịch từng chấp bút cho kịch bản phần 2. Nhưng tất cả những phương án kịch bản đưa ra khiến chúng tôi cảm giác chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng, mong chờ của khán giả”, đạo diễn Mai Hồng Phong, đạo diễn bộ phim Quỳnh búp bê, chia sẻ.
Đạo diễn Mai Hồng Phong cho rằng: “Cũng có chuyện làm phim phần 2 không được kỳ vọng như phần 1. Tôi rút kinh nghiệm thế cho nên chưa sản xuất phần 2 vì không có cảm giác yên tâm khi chất lượng kịch bản như vậy”. Đạo diễn cho biết nhà sản xuất vẫn có ý định thực hiện phần 2 và sẽ quay lại khi tìm được kịch bản. “Bài toán đau đầu nhất với các hãng phim, nhà sản xuất cũng như các đạo diễn bây giờ là chất lượng kịch bản”, ông nhìn nhận.
Bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Mega GS, cho hay lâu nay nhà sản xuất như bà không dễ kiếm được kịch bản tốt, nhất là những kịch bản phim thể loại hình sự, hay kịch bản phim có đề tài liên quan đến những vấn đề “nóng” của xã hội. “Những kịch bản như vậy không chỉ đòi hỏi người biên kịch có kỹ thuật viết kịch bản, mà còn phải có vốn hiểu biết đời sống, xã hội phong phú”, bà Liên lý giải. Bà cho biết, việc viết kịch bản có thể chia thành nhiều quy trình từ viết dàn ý đến chi tiết. “Có người viết dàn ý kịch bản rất tốt, nhưng đến viết chi tiết lại không được. Bởi vậy, có khi cùng một bộ phim mà chúng tôi phải đổi tới 2 - 3 nhóm viết kịch bản. Viết xong rồi chưa chắc đã được, mà có lúc phải sửa đi, sửa lại. Thời gian “gia công” kịch bản vì thế rất mất thời gian. Có dự án phim Vợ quan, chúng tôi bắt tay vào làm từ hơn 1 năm rưỡi rồi nhưng vẫn chưa hoàn thành kịch bản, đạo diễn đến giờ vẫn phải đợi”, bà Liên bày tỏ.
Phim truyền hình 'khát' kịch bản1

Đầu tư vào chất lượng

Bà Vũ Thị Bích Liên cho biết một nhà sản xuất tư nhân sẽ chọn con đường an toàn là làm phim với kịch bản được chuyển thể, dựa trên những tác phẩm văn học, vở cải lương kinh điển… “Chúng tôi đặt biên kịch viết lại theo những tác phẩm xưa. Đó là cả cái kho rất lớn mà bản thân những cốt truyện trong đó đã rất hấp dẫn với những giá trị được minh chứng qua thời gian”, bà Liên nói.

Hiện nay, phim truyền hình Việt Nam cũng phải cạnh tranh nhiều với những dòng phim khác trên sóng, hay mạng xã hội. Bởi vậy, các nhà biên kịch đang đứng trước nhiều thách thức

Đạo diễn Mai Hồng Phong

Trong khi đó, diễn viên Tuấn Tú, người tham gia trong bộ phim Lựa chọn số phận của đạo diễn Mai Hồng Phong, “tiết lộ” một trong những cách làm việc của vị đạo diễn này là thường xuyên sửa kịch bản. Đạo diễn Mai Hồng Phong nói: “Tôi nghĩ công việc đạo diễn hiện giờ vừa phải làm tốt phần chuyển tải của một đạo diễn, vừa phải làm tốt công việc biên tập, điều chỉnh kịch bản. Dựa trên cốt truyện đó, mình phải phát triển thêm mới có thể đáp ứng nhu cầu của khán giả”.
Đạo diễn Mai Hồng Phong vẫn nói chuyện trước với biên kịch phim về việc điều chỉnh kịch bản nếu có. “Có lúc tôi và biên kịch tranh luận khá gay gắt. Có người hiểu lầm tôi là “phá” kịch bản, nhưng tôi nói những điều chỉnh của mình dựa trên cái cốt mà biên kịch tạo ra và chỉ cụ thể hóa thôi. Tôi thấy mình giống đầu bếp, có sẵn các món ăn rồi và mình chỉ sắp đặt sẵn thành bữa cơm ngon. Bên cạnh đó, phần lớn suy nghĩ của tôi nhận được sự đồng cảm của diễn viên. Tôi nghĩ nếu đề nghị những cái mà họ cho là không đúng, không hay, không hợp lý thì họ sẽ không làm đâu. Sau này, khi xem phim xong, bạn biên kịch có gọi điện cảm ơn tôi”, đạo diễn kể.
“Chúng tôi luôn cần những kịch bản chất lượng để làm phim - đó là câu nói muôn thuở của bất cứ nhà sản xuất nào”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói. Ông cho hay: “VFC luôn mong muốn được hợp tác làm việc với các tác giả kịch bản, được họ tin cậy giao kịch bản để chúng tôi làm phim. Ngoài ra, VFC cũng có đội ngũ biên kịch riêng. Họ có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản, cọ xát trong môi trường làm phim với những hãng phim nước ngoài. Nhưng để đáp ứng nhu cầu thưởng thức và cả sự đòi hỏi ngày càng cao của khán giả, chúng tôi luôn phải tự làm mới mình, vẫn luôn tìm kiếm những đề tài mới, đa dạng thể loại phim, đầu tư vào chất lượng kịch bản”.
Theo đạo diễn Mai Hồng Phong, có một thực tế là với số lượng phim truyền hình trong nước phủ sóng nhiều như hiện nay, những đề tài cần khai thác, có thể khai thác đã được khai thác nhiều. “Đôi khi đội ngũ biên kịch không có thời gian nạp thêm năng lượng, trải nghiệm…”, đạo diễn nói. Ông cho rằng: “Biên kịch, ngoài kỹ thuật viết, cần có sự trải nghiệm, vốn sống phong phú. Hiện nay, phim truyền hình Việt Nam cũng phải cạnh tranh nhiều với những dòng phim khác trên sóng, hay mạng xã hội. Bởi vậy, các nhà biên kịch đang đứng trước nhiều thách thức”.
“Chúng ta cần có chiến lược thu hút nhân lực, để nâng cao chất lượng kịch bản. Hay cần làm điều gì đó khích lệ nhiều người viết, để số lượng kịch bản nhiều hơn. Từ đó, nhà sản xuất có nhiều sự lựa chọn hơn, đưa ra những bộ phim chất lượng”, đạo diễn Mai Hồng Phong bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.