Nhà sản xuất 'Chú ơi đừng lấy mẹ con': '10% phí phát hành phim là vô lý'

19/07/2020 07:00 GMT+7

Tại Hội nghị - Hội thảo chuyên đề Xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia - Liên hoan phim Việt Nam ở TP.HCM, nhà sản xuất Dung Bình Dương đã có ý kiến về phí phát hành phim.

Ngày 16.7, hội thảo chuyên đề Xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia - Liên hoan phim Việt Nam do Cục trưởng Cục điện ảnh Vi Kiến Thành chủ trì diễn ra tại TP.HCM với sự tham gia của các lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao một số tỉnh/thành, các đạo diễn, nhà sản xuất phim, đơn vị phát hành và diễn viên. Chủ trì chương trình là ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam và bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam. Tại đây, nhà sản xuất Dung Bình Dương đã có những chia sẻ thực tế và đưa ra những kiến nghị từ thực tiễn công tác của mình, hi vọng nền điện ảnh nước nhà có sự cải tiến, được khán giả trong và ngoài nước ủng hộ.
Là một nhà sản xuất tay ngang nhưng Dung Bình Dương đã có một "gia tài" đồ sộ khi đầu tư sản xuất hơn 10 phim truyền hình, 3 phim điện ảnh (Tik Tak Anh yêu em, Chú ơi đừng lấy mẹ con, Ngốc ơi tuổi 17). Tại hội thảo, bà Dung Bình Dương nêu ý kiến về vấn đề phát hành phim, cho rằng chưa có sự công bằng giữa phim Việt và phim nước ngoài. Cụ thể, các tác phẩm quốc tế được các rạp ưu tiên về xuất chiếu nhiều, giờ vàng. “Nhiều phim nhà nước đặt hàng xuất chiếu rất ít. Trong khi đó là phim tuyên truyền, giáo dục. Tiền của nhà nước cũng là tiền của công dân. Còn phim Việt ra rạp, các nhà phát hành phải ưu tiên xuất chiếu trong 3 ngày đầu. Nếu sau 3 ngày, lượng vé bán ra không đạt thì có thể giảm xuất chiếu. Như vậy mới công bằng. Bạn chưa xem phim thì làm sao biết nó hay, dở ra sao? Bây giờ đa số mọi người chọn phim xem qua đánh giá trên mạng, nên không có tính khách quan”.
"Ngoài ra, sau chia phần trăm, nhà sản xuất tiếp tục chịu 10% phí phát hành nên lợi nhuận thu về không bao nhiêu. Tôi thấy phí 10% rất vô lý. Nếu tình trạng này kéo dài thì tương lai sẽ không có phim Việt mà xem”, nhà sản xuất Dung Bình Dương lo lắng. Từ đó bà khẳng định: "Chưa ai dám bỏ kính phí cả chục triệu USD để sản xuất phim”.
Bà Dung Bình Dương cũng nhận xét diễn viên Việt Nam đa phần là tay ngang chứ không qua trường lớp đào tạo bài bản nên thiếu khả năng để diễn xuất đa dạng như các ngôi sao quốc tế. “Tôi lấy ví dụ như Trúc Anh, Kaity Nguyễn… đều không qua trường lớp. Các em được ê-kíp PR, truyền thông để đẩy tên tuổi được nhiều người biết đến. Các em ấy cứ nghĩ bản thân mình đã giỏi, đã thành công, đã nổi tiếng nên lấy danh tiếng đó tập trung nhận quảng cáo cho nhãn hàng mà không lo nghĩ gì thêm. Theo tôi, đào tạo diễn viên cũng phải giống như cầu thủ, rèn luyện từ nhỏ, trau dồi kỹ năng qua từng năm, từng vai diễn”, bà dẫn chứng cụ thể. Được biết, Trúc Anh nổi lên như một hiện tượng qua phim Mắt biếc, chuyển thể từ truyện của nhà văn Nguyễn Ngọc Ánh. Kaity Nguyễn lại được khán giả biết đến qua vai nữ chính của Em chưa 18, một sản phẩm điện ảnh đạt kỷ lục doanh thu phòng vé của đạo diễn Lê Thanh Sơn hồi năm 2017.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.