Nghệ sĩ và chuyện kiếm tiền bất chấp

13/05/2021 13:00 GMT+7

Những ngày qua, mạng xã hội 'dậy sóng' trước loạt tài khoản mang tick xanh nghệ sĩ công khai quảng bá tiền ảo cùng những sản phẩm sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng khiến nhiều người bức xúc.

Những cái tên như N.T, C.T.S, L.D.B.L, N.T.K hay Đ.V.H, Q.L… đang khiến dư luận bức xúc vì họ đang tạo ra một “vấn nạn” cho cái gọi là người của công chúng nhưng thiếu trách nhiệm với cộng đồng. Vì những lời mời quảng cáo béo bở, họ đã tiếp tay cho những thực phẩm chức năng, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. chất lượng hay lôi kéo nhiều người vào việc đầu tư “tiền ảo” phi pháp. Tất cả những điều này sẽ không chỉ khiến cho hình ảnh nghệ sĩ trở nên xuống cấp trong mắt khán giả, mà nghiêm trọng hơn còn thể hiện sự gian dối, bất chấp hậu quả chỉ vì khoản thù lao hậu hĩnh.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ 'bài học xương máu' mất 15.000 USD vì tiền ảo

Có ý kiến cho rằng: “Gần đây có quá nhiều nghệ sĩ quảng cáo, cả Facebook cá nhân, cả chạy trên YouTube, không biết họ có tìm hiểu kỹ chất lượng các sản phẩm và dịch vụ họ nhận quảng cáo hay không? Họ có hiểu cái họ đang quảng bá hay không? Nếu không, chẳng khác nào vì tiền mà tiếp tay cho cái xấu. Vì đa phần, họ có quá nhiều fan tin tưởng, ủng hộ thần tượng nên nhiều người không ngần ngại sử dụng”. Nghệ sĩ vốn là người của công chúng nên sức ảnh hưởng của họ càng lan tỏa. Số lượng người theo dõi rất lớn, fan hâm mộ cũng đủ các thành phần. Có lẽ vì hiểu được “sức mạnh” này nên họ đã tận dụng triệt để. Người hâm mộ “nhắm mắt đưa chân”, tin vào thần tượng và dễ dàng “sập bẫy”, có khi tiền mất tật mang, khuynh gia bại sản…

Nhiều “sao Việt” đăng nội dung giống hệt nhau về tiền ảo và xóa liền chỉ sau một đêm

Ảnh: Chụp màn hình

Khi mạng xã hội phát triển rầm rộ, thời gian qua rất nhiều nghệ sĩ không chỉ làm nghệ thuật mà còn thêm “nghề tay trái” là bán hàng, quảng cáo online. Một ngày họ có thể đăng quảng cáo cho 1-2 sản phẩm nào đấy với mức chi phí vài triệu đến vài chục triệu được trả từ nhà các nhãn hàng “thượng vàng hạ cám”.
Có lẽ với kiểu kiếm tiền dễ dàng như vậy trong thời buổi Covid-19 khiến họ khó từ chối. Nhưng nếu nghệ sĩ hiểu rõ trách nhiệm của mình với cộng đồng, người hâm mộ thì họ sẽ biết lựa chọn cách quảng bá “đồ sạch”. Điều đáng buồn là hiện nhiều nghệ sĩ sáng giá, mấy chục năm lăn lộn trong nghề, lại dễ dãi với tên tuổi do mình gầy dựng. Một bạn đọc bức xúc: “Nghệ sĩ nổi tiếng thường giàu có, nhưng sao một số người lại sử dụng sức ảnh hưởng của mình để quảng cáo cho những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí gian dối. Tôi thật sự đánh giá thấp những người này. Họ đã lợi dụng sự tin tưởng của fan để trục lợi”.
"Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng". Đã đến lúc trách nhiệm của nghệ sĩ phải được xem xét lại. Và các cơ quan quản lý văn hóa, nghệ thuật cũng phải “mạnh tay” với một số nghệ sĩ đang “làm tiền” bất chấp như ý kiến bạn đọc chia sẻ: “Tôi thấy nghệ sĩ Việt ỷ vào fan và phát ngôn cũng như hoạt động mạng xã hội vô tư không e dè. Nhà nước cần có biện pháp quản lý những người này. Vì họ có thể lạm dụng độ nổi tiếng để thu lợi bất chính, ảnh hưởng đến nền tảng đạo đức” hay “Những người được gọi là người của công chúng cần có trách nhiệm với cộng đồng. Nhiều người chỉ nghĩ đến lợi nhuận, thu nhập còn "sống chết mặc bay", "tiền thầy bỏ túi". Đây là hành vi tiếp tay cho cái ác, cái gian dối” .
Cũng có ý kiến khuyên fan chỉ nên ngưỡng mộ nghệ sĩ về tài năng nghệ thuật của họ thôi. Còn nếu bỏ tiền túi mua hàng hóa nào đó thì nên đối chiếu nhiều nguồn thông tin bởi vì quảng cáo lấy tiền thì ai cũng buộc phải nói tốt chứ chưa hẳn có thực sự sử dụng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.