Chuyện nghề trong phim: Khó làm, dễ soi

Ngọc An
Ngọc An
21/07/2020 06:21 GMT+7

Những năm gần đây, nhiều phim truyền hình đã khai thác những câu chuyện về các nghề nghiệp đặc thù như một yếu tố giúp tăng sức hấp dẫn đối với khán giả.

Kiểm sát viên, thẩm phán, nhà báo... lên phim

“Mới đầu khi được giao vai kiểm sát viên, tôi nghĩ vai diễn này cũng giống như các vai công an khác. Nhưng không phải như thế, tôi đã hoàn toàn bất ngờ và có những trải nghiệm mới mẻ với týp nhân vật lâu nay còn vắng bóng trên màn ảnh”, diễn viên Mạnh Trường chia sẻ về vai diễn trong bộ phim Sinh tử (đạo diễn Khải Hưng) vừa phát sóng. Đây có lẽ cũng là bộ phim đầu tiên nói đến công việc của những kiểm sát viên, giúp khán giả hiểu thêm về chức năng, nhiệm vụ của ngành kiểm sát.
Cùng đang được phát sóng trên kênh của Đài truyền hình VN (VTV1 và VTV3), bộ phim Tình yêu và tham vọng (đạo diễn Bùi Tiến Huy) đề cập những câu chuyện của nghề kinh doanh bất động sản, phơi bày những mâu thuẫn, mánh lới trong kinh doanh; trong khi Lựa chọn số phận (đạo diễn Mai Hồng Phong) là bộ phim truyền hình Việt gần như đầu tiên khai thác sâu về nghề thẩm phán.
Một trong những công việc được phim truyền hình Việt đưa vào khai thác nhiều nhất là nghề báo. Nằm trong số những bộ phim truyền hình đầu tiên khai thác đề tài này là Nghề báo của đạo diễn Phi Tiến Sơn, cùng với đó là Đèn vàng của đạo diễn Mai Hồng Phong, xoay quanh những vấn đề của xã hội như giáo dục, tiêu cực đất đai... qua góc nhìn của người làm báo.
Mai Hồng Phong cũng là đạo diễn của phim Mặt nạ da người nói về cuộc chiến không khoan nhượng giữa thật - giả, thiện - ác trong mỗi nhân vật nhà báo trong phim. Bộ phim Đàn trời của đạo diễn Bùi Huy Thuần, dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Cao Duy Sơn, khai thác cuộc chiến chống tham nhũng của những nhà báo ở một đài phát thanh - truyền hình. Năm ngoái, sau thành công của bộ phim Sống chung với mẹ chồng, NSND Lan Hương tiếp tục vào vai chính trong phim Những nhân viên gương mẫu lấy bối cảnh ở tòa soạn của một tạp chí đang chuyển đổi.
Ngoài ra, nhiều nhà sản xuất phim truyền hình Việt đã lựa chọn đề tài về ngành thời trang, nghề người mẫu. Cách đây gần 20 năm, bộ phim Những ngọn nến trong đêm (đạo diễn Vũ Hồng Sơn) đã làm nên cơn “sốt” với khán giả truyền hình, mà một trong những yếu tố là phim khai thác đề tài mới mẻ: nghề người mẫu. Bộ phim Những cô gái xấu xí cũng gây được sự chú ý với khán giả với câu chuyện lấy bối cảnh ở một công ty thời trang... Một số bộ phim truyền hình về ngành y cũng gây chú ý với khán giả như: Blouse trắng, Gia tài bác sĩ, Lời thề danh dự, Chân trời trắng...
Chuyện nghề trong phim: Khó làm, dễ soi1

Lựa chọn số phận, bộ phim khai thác sâu về nghề thẩm phán

ẢNH: VFC

Khó và... khổ

Hầu hết những bộ phim khai thác sâu các yếu tố nghề nghiệp đều có chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn. Bà Trịnh Thanh Hà, biên tập phim Tình yêu và tham vọng, cho hay không dễ để thực hiện kịch bản cho một phim về ngành nghề. “Bởi vậy, khi lựa chọn đề tài kinh doanh bất động sản, ngoài việc tự tìm hiểu, chúng tôi còn có sự hỗ trợ tích cực của những người có chuyên môn”, bà Hà cho biết.
Với bộ phim khai thác những công việc đặc thù, ê kíp thực hiện phải bỏ công sức nhiều hơn, thậm chí phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe. Diễn viên Mạnh Trường từng có thời gian đến Viện Kiểm sát của tỉnh Vĩnh Phúc để theo dõi công việc của các kiểm sát viên. Anh kể từng lời thoại của nhân vật anh cũng không dám nói sai tới một chữ “và”. “Có câu cho thêm chữ “và” vào cho thuận miệng cũng không được”, anh nói. Biên kịch của phim Sinh tử, nhà văn Phạm Ngọc Tiến, đã “thai nghén” kịch bản phim trong suốt 10 năm. Để hoàn chỉnh kịch bản, ông đã được sự cố vấn từ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Ngoài ra, cán bộ của ngành kiểm sát cũng hỗ trợ tư vấn cho ê kíp trong suốt quá trình quay phim.
Nhà biên kịch Đặng Minh Châu chia sẻ, 20 năm cộng tác với Trung tâm sản xuất phim Đài truyền hình Việt Nam, chưa khi nào ông thấy vất vả và áp lực như khi làm kịch bản của phim Lựa chọn số phận. “Làm phim về nghề thẩm phán đã khó, mà làm thế nào để xây dựng hình tượng người thẩm phán thuyết phục được người xem còn khó hơn”, ông nói và cho biết thêm: “Những vụ án đưa vào phim đều lấy chất liệu từ những vụ án đã được xét xử, được công chúng quan tâm thời gian qua. Cái khó, cái khổ của người viết kịch bản là phải “chọc” vào nhiều vụ án, bản tuyên án, điều luật... Trong khi, luật của chúng ta thay đổi, bổ sung liên tục”.
Mặc dù nhiều phim về ngành nghề được đầu tư kỹ lưỡng, nhưng không phải phim nào cũng dễ “hút” khán giả. Những bộ phim về ngành nghề thường dễ bị khán giả “soi”, nhất là khi phim “chạm” đến ngành nghề của họ. Không ít bộ phim đã bị chê giả, nhạt nhẽo, chưa phản ánh đúng về nghề. Mặc dù đạo diễn Lê Mạnh đã lý giải: bộ phim Những nhân viên gương mẫu không dựa theo mẫu hình tòa soạn báo cụ thể nào, không đào sâu vào các chi tiết nghiệp vụ báo chí, tuy nhiên khán giả vẫn thấy chưng hửng khi bối cảnh phim tại tòa soạn của một tạp chí, nhiều nhân vật là phóng viên, biên tập viên, tổng biên tập nhưng lại làm việc theo kiểu... công sở.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.