Các thương hiệu thời trang lừng danh phá sản hàng loạt vì Covid-19

19/07/2020 09:09 GMT+7

Virus corona khiến nhiều 'ông lớn' của ngành công nghiệp thời trang đang phải đối mặt với khủng hoảng. Nhiều thương hiệu buộc phải tuyên bố phá sản.

Viễn cảnh phá sản từng là cơn ác mộng nay đã thành hiện thực ở một số doanh nghiệp. Rõ ràng thế giới mới chỉ đối mặt với những khó khăn từ những tháng đầu năm. Dòng lũ lớn các doanh nghiệp nói chung, ngành thời trang thế giới nói riêng đang trên đà phá sản vẫn chưa thực sự có hồi kết.

JCPenney có tuổi đời 118 năm với 800 cửa hàng, cũng đã nộp đơn tuyên bố phá sản

Ảnh: Reuters

Nhà bán lẻ nhỏ lặng lẽ biến mất

 Bởi vì nhiều cửa hàng đã buộc phải đóng cửa trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà bán lẻ là đối tượng phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. J.Crew, thương hiệu bán lẻ thời trang style preppy của Mỹ - phong cách dành cho các học sinh, sinh viên - đã tuyên bố phá sản. Còn nhãn hàng Esprit, nhà sản xuất quần áo, giày dép, phụ kiện, trang sức và đồ gia dụng đã từng đạt doanh số toàn cầu 1,5 tỉ euro trong vài năm qua, cũng dự định đóng tất cả các cửa hàng tại châu Á. Nhiều công ty vốn đã hoạt động khá bấp bênh trước khi Covid-19 xuất hiện, khi đại dịch đến mọi thứ nhanh chóng bị cuốn trôi dễ dàng.

Nhãn hàng lớn, thuyền to sóng cả

Quy mô càng to, thiệt hại càng nhiều. Tại Mỹ, các nhà phân phối thời trang cao cấp Neiman Marcus đang loay hoay tiến hành các thủ tục pháp lý để xin tòa án bảo hộ phá sản. Trong khi đó, vào giữa tháng 5 vừa qua, JCPenney chuỗi cửa hàng bán lẻ tên tuổi ở Mỹ có 118 năm với 800 cửa hàng, cũng đã nộp đơn tuyên bố phá sản. Các chuyên gia dự báo rồi sẽ có nhiều tên tuổi khác chung số phận.  

Các thương hiệu thời trang nối bước nhau phá sản hàng loạt

Con số các thương hiệu thời trang đã tuyên bố đóng cửa hoặc rục rịch nộp đơn xin phá sản ngày càng dài. Từ các nhãn hàng phong cách đường phố đến thời trang cao cấp, tất cả đều chịu thương vong vì Covid-19. Hiệu ứng đóng cửa, phong tỏa cách ly xã hội trên 50 quốc gia/vùng lãnh thổ dẫn đến doanh số giảm sụt không phanh, và các nhà bán lẻ theo mô hình kinh doanh truyền thống chịu hậu quả tồi tệ nhất.
Theo dữ liệu từ Viện Phá sản Mỹ, số lượng hồ sơ doanh nghiệp thời trang phụ kiện trang sức phá sản đã tăng 26% trong tháng 4 so với năm ngoái. Thử điểm qua vài tên tuổi lớn chịu chung số phận chao đảo và chìm trong dòng lũ phá sản đó là H&M (19.4), Victoria’s Secret (21.5), Aldo (1.6), Guess (10.6) hay Diane von Furstenberg (15.6). Chưa kể Zara đóng 1.200 cửa hàng, La Chapelle rút bớt 4.391 tiệm, Chanel, Hermes ngừng hoạt động hay Patek Philippe và Rolex ngưng sản xuất...

Hermes ngừng hoạt động

Ảnh: Reuters

Phá sản, cơ hội của người lạc quan?

Nhưng thất bại này không có nghĩa là lâm vào ngõ cụt. Từ lâu, thuật ngữ phá sản trong kinh doanh đã được sử dụng để hàm ý chỉ cơ hội tái cấu trúc rồi bứt đi mạnh mẽ hơn. Henry Ford đã phá sản trước khi khởi nghiệp một công ty tên tuổi mà ta biết ngày nay. Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, hai ông lớn ngành ô tô khác, GM và Chrysler cũng đã từng nộp đơn xin phá sản rồi chuyển mình. Đại dịch Covid-19 sẽ gây nhiều mất mát, nhưng biết đâu nó cũng có thể mang lại sự thay đổi tốt hơn. Biết đâu, sau đại dịch các thương hiệu thời trang lừng lẫy sẽ lẫy lừng trở lại?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.