Giai thoại hát bội ngày tết - Kỳ 3: Hạ Hầu Đôn đánh Quan Vũ vì say

29/01/2017 10:00 GMT+7

Vì quá chén trong dịp tết, 'Hạ Hầu Đôn' không chịu nhường 'Quan Vũ' mà đánh nhau kịch liệt khi diễn tuồng trên sân khấu, làm khán giả gặp một phen thích thú.

Hạ Hầu Đôn... không chịu nhường Quan Vũ
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh (ở thôn An Hòa 2, xã Phước An, H.Tuy Phước, Bình Định), trưởng đoàn Nghệ thuật hát bội xã Phước An, các đoàn hát bội không chuyên ở Bình Định có “đất diễn” quanh năm nhưng vào dịp đầu xuân là mùa ăn nên làm ra. Hầu hết các làng chài ven biển ở Bình Định và các làng dọc sông Côn đều mời gánh hát về biểu diễn một hoặc vài đêm vào dịp tết cho đến hết tháng Giêng. Non một thế kỷ qua, vào dịp tết, gia đình bên ngoại ông Minh thường rất bận rộn vào dịp tháng Giêng.
Ông Minh là cháu ngoại ông Chánh ca Đựng (tức ông Võ Đựng, ở thôn An Hòa 2, xã Phước An). Ông Đựng và 2 người em trai là ông Chánh ca Ghình (còn gọi là Chánh ca Ghềnh, tên thật là Võ Nhì), Tám Ngọ (còn gọi là Tám Ngũ, tên thật là Võ Ngũ) đều là học trò của Hậu tổ tuồng Đào Tấn tại Học Bộ Đình Vinh Thạnh.
Những năm 1920 đến 1930, gánh hát của Chánh ca Đựng rất nổi tiếng ở Bình Định. Sau đó, ông Đựng truyền lại gánh hát này cho con là ông bầu Thơm (Võ Bản). Em trai của bầu Thơm là Võ Sau cũng lập gánh hát riêng. Ông Đựng còn có một người con gái cũng nổi tiếng trong giới hát tuồng là NSƯT Võ Thị Ngọc Cầm. Còn ông Chánh ca Ghình cũng thành lập gánh hát riêng rất nổi tiếng và sau này truyền lại cho ông Năm Cập.
Nhà hát tuồng Đào Tấn (Bình Định) biểu diễn vở Quang Trung đại phá quân Thanh ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Gánh hát Chánh ca Đựng có nhiều đào kép nổi tiếng tỉnh Bình Định thời đó, gom tất cả các đào kép của cụ Đào Tấn sau khi cụ qua đời, như: Bát Phàm, Cai Tư, Cai Tám, Cửu Khi, Tám Ngũ... Trong một lần diễn vở Cổ thành của cụ Đào Tấn vào dịp đầu xuân, ông Chánh ca Đựng đóng vai Hạ Hầu Đôn, ông Tám Ngũ đóng vai Quan Công.
Theo kịch bản, sau khi Quan Công qua 5 cửa ải chém 6 tướng, Tào Tháo sợ tướng giữ ải thứ sáu là Hạ Hầu Đôn cũng bị chém nên sai Trương Liêu mang lệnh ra mở ải để Quan Công đi qua. Lệnh chưa đến thì Hạ Hầu Đôn đóng cửa ải, đánh nhau với Quan Công. Khi Trương Liêu mang lệnh đến thì Hạ Hầu Đôn dừng chiến, mở ải.
Trước khi diễn, anh em ông Đựng và Tám Ngũ bị mời uống rượu “năm mới” đến say. Khi lên sân khấu, ông Đựng giỏi thương, Tám Ngũ giỏi đại đao nên nhập vai diễn Hạ Hầu Đôn và Quan Công đánh nhau rất hăng. Khán giả vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. Khi Trương Liêu ra truyền lệnh của Tào Tháo, thì ông Đựng đóng vai Hạ Hầu Đôn đang say bất chấp lệnh của Trương Liêu, không chịu dừng chiến, vừa đánh vừa nói: “Ở nhà dễ thua chưa”.
Những người trong cánh gà ra dấu, làm hiệu, người đánh trống chầu nhắc nhở nhưng Hạ Hầu Đôn và Quan Công trên sân khấu vẫn đánh nhau rất hăng. Cuối cùng, đoàn tuồng phải cử 2 người ra kéo ông Đựng vào.
Sau này, mỗi khi diễn vở Cổ thành, anh em ông Đựng đều diễn cảnh Hạ Hầu Đôn và Quan Công đánh nhau quyết liệt trên sân khấu, khán giả xem rất thích thú.
Đánh chủ gánh hát trên sân khấu
Theo cụ Nguyễn Trang (88 tuổi, ở thôn Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, H.Tuy Phước), ngày xưa, mỗi khi mùa màng xong hoặc vào tháng Giêng, người dân làng Vinh Thạnh lại góp tiền thuê gánh hát về hát tại đình làng cho mọi người cùng xem, trong đó gánh của ông bầu Thơm được ưa chuộng nhất. Gánh hát này có ông Nhưng Khương đóng vai Kim Lân (tuồng Sơn Hậu), Nhưng Kèn đóng vai Trình Giảo Kim (tuồng Tam hạ nam đường), bầu Thơm đóng các vai như: Tạ Ngọc Lân (tuồng Tam nữ đồ vương), Tiết Cương (tuồng Hộ Sanh đàn), Trương Phi (tuồng Cổ thành), Phàn Định Công (tuồng Sơn Hậu)... được khán giả yêu thích.
Đoàn tuồng Nhơn Hưng (Bình Định) biểu diễn lớp “Tế sống Tạ Ngọc Lân” trong vở Tam nữ đồ vương ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Gánh của ông Năm Cập cũng được người dân làng Vinh Thạnh yêu thích. Một lần, gánh hát này diễn vở Lưu Kim Đính giải giáp Thọ Châu, nghệ sĩ Họa Mi đóng vai Lưu Kim Đính, nghệ sĩ Năm Cập đóng vai Dư Hồng.
Khi diễn, cả hai vì có uống rượu nên không nhớ kịch bản, người trong hậu trường phải nhắc. Tuy nhiên, lời nhắc nhỏ qua, ông Năm Cập nghe không rõ nên hát sai. Nghệ sĩ Họa Mi nổi giận, rồi lúng túng cũng quên luôn tuồng, cầm kiếm chém luôn vào đầu trưởng gánh hát là ông Năm Cập, hát: “Đ.M cái thằng Dư Hồng”. Khán giả được một phen cười lăn cười lóc.
Nữ nghệ sĩ chuyên đóng kép
Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết NSƯT Ngọc Cầm (1927 - 2012) được ông Chánh ca Đựng (cha) và ông bầu Thơm (anh trai) dẫn theo gánh hát để truyền nghề từ nhỏ. Đến năm 16 tuổi, bà Cầm đã đóng nhiều vai đào võ rất thành công như: Liễu Nguyệt Tiêm (tuồng Đào Phi Phụng), Lan Anh (tuồng Hộ Sanh đàn)…
Thời điểm này, khấu tuồng Bình Định có cặp đào (vai nữ) Hồng Thu, Minh Đức rất nổi tiếng, không chịu xếp sau lưng hai đàn chị nên bà Cầm đã chọn con đường riêng cho mình là diễn vai kép (vai nam). Những vai kép như: Địch Thanh, Lộ Địch, Tiết Nhơn Quí, Lưu Sanh Ngọc, Phạm Công, Lục Vân Tiên, Lã Bố… đã làm nên tên tuổi của Ngọc Cầm.
Bà là người nữ duy nhất được xếp trong Tứ đại danh ca Bình Định trước năm 1975, gồm: Nhất Chinh, nhì Cá, tam Trọng, tứ Cầm. Tứ nữ hát tuồng Bình Định (4 cô đào xinh đẹp, diễn tuồng hay ở Bình Định) cũng có tên bà: Hồng Thu – Minh Đức - Ba Hoa - Ngọc Cầm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.