Giai thoại đất tuồng: Võ sư hát tuồng

27/11/2015 06:26 GMT+7

Tại đất tuồng Bình Định, người dân vẫn lưu truyền nhiều giai thoại lý thú về Hậu tổ tuồng Đào Tấn và các nghệ sĩ tuồng nổi tiếng một thời.

Tại đất tuồng Bình Định, người dân vẫn lưu truyền nhiều giai thoại lý thú về Hậu tổ tuồng Đào Tấn và các nghệ sĩ tuồng nổi tiếng một thời. 

Diễn viên Nhà hát tuồng Đào Tấn diễn lớp Kim Lân thượng thành trong vở Sơn hậu - Ảnh: Nguyễn DũngDiễn viên Nhà hát tuồng Đào Tấn diễn lớp Kim Lân thượng thành trong vở Sơn hậu - Ảnh: Nguyễn Dũng
Trong đó có nhiều câu chuyện về mối tương quan giữa tuồng và võ nghệ: các diễn viên tuồng rất giỏi võ nghệ và nhiều võ sư cũng biết cầm chầu, hát tuồng.
Thuộc tuồng hơn kép hát
Ở Bình Định, nhiều nghệ sĩ hát tuồng thường kể về võ sư Diệp Trường Phát (1896 - 1962, còn gọi là ông Tàu Sáu), người sáng lập võ phái Bình Thái Đạo ở làng An Thái (xã Nhơn Phúc, TX.An Nhơn, Bình Định). Ông Tàu Sáu có 2 người bạn thân là Đoàn Phong (ở xã Tây Bình, H.Tây Sơn, Bình Định), Quách Trường Sa (tên thật là Quách Tạo, ở xã Bình Hòa, H.Tây Sơn) đều nổi tiếng giỏi võ nghệ và thường hay đánh trống chầu, hát bội. Mỗi khi gặp nhau, ba người này không chỉ bàn về võ nghệ mà còn làm thơ, bàn về các vở tuồng rồi phân nhau đóng một vài trích đoạn trong các vở tuồng Trầm hương các, Cổ thành, Ngũ hổ bình tây, Sơn hậu...
Theo cuốn Kịch bản - Hồi ký của nhà nghiên cứu nghệ thuật Mịch Quang (99 tuổi, ở Hà Nội), một lần sau khi xem tuồng Sơn hậu, cụ Tàu Sáu hỏi anh kép chuyên đóng vai Khương Linh Tá: “Tôi đố chú, tại sao Khương Linh Tá bị Tạ Ôn Đình dùng đao chém đứt đầu?”. Anh kép trả lời ngay: “Vì Linh Tá một người một ngựa còn Ôn Đình đông binh đông tướng và Linh Tá cố sức cản cự để cho Kim Lân chạy nên đuối sức”.
Ông Tàu Sáu nói: “Chú học võ nhưng chưa học chiêu hồi mã thương nên lớp tuồng này diễn không đạt. Nếu Linh Tá chỉ đuối sức thì Ôn Đình dùng thương đâm cũng chết, cần gì dùng đao. Cái chính là thế này, Ôn Đình tay cầm thương, lưng dắt đao là vì hắn có thế võ bí truyền “thoái thương lạc mã phản đao”. Nóng lòng hạ Linh Tá để đuổi theo Kim Lân, Ôn Đình trá bại để dùng ngón bí truyền. Linh Tá thấy hắn thoái thương tưởng lầm là hắn dùng thế hồi mã thương nên đã đối phó theo cách hồi mã thương. Không ngờ cách đối phó ấy lại vào đúng tầm đao của Ôn Đình nên bị hắn chém đứt đầu”.
Nghĩ rằng cụ Tàu Sáu giỏi võ nên suy tính theo kiểu nhà võ, anh kép hỏi: “Thưa chú, cái đó ở đâu nói ạ?”. Ông Tàu Sáu đem các chi tiết trong kịch bản vở tuồng Sơn hậu ra giải thích, trong đó có chi tiết khi nhân vật Lôi Nhược xức thuốc cho Ôn Đình và hỏi: Chớ ngón nghề đâu anh không giở ra mà để cho thằng nhỏ Phàn Diệm chém sả vai làm vậy? Ôn Đình đáp: Tao đang “thoái thương lạc mã” đặng “phản đao”, không ngờ thằng nhỏ lại trị được thế võ của tao! Nghe ông Tàu Sáu giải thích xong, anh kép vô cùng khâm phục nói: “Chú là người cầm chầu mà thuộc tuồng sâu hơn bọn cháu”.
Nghệ sĩ tuồng mở… võ đường
Theo NSƯT Nguyễn Gia Thiện, Phó giám đốc phụ trách Nhà hát tuồng Đào Tấn (Bình Định), ngày xưa, mỗi khi tuyển chọn học trò để dạy hát tuồng, cụ Đào Tấn (ở H.Tuy Phước, Bình Định) đều chọn những người có chất giọng hay, diễn giỏi và phải biết võ. Vì vậy, nhiều học trò của cụ có tiếng hát hay giỏi võ như: Chánh Ca May, Chánh Ca Đựng, Chánh Ca Ghềnh, Tám Ngũ, Bầu Chi, Cửu Khi... Các thế hệ diễn viên Nhà hát tuồng Đào Tấn cũng có nhiều người giỏi võ nghệ. NSƯT Trần Hưng Quang (1926 - 2014), Trưởng đoàn biểu diễn của Đoàn tuồng Nghĩa Bình (tiền thân của Nhà hát tuồng Đào Tấn) là một trong số đó.
Ông Quang sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ nghệ và hát tuồng ở H.Phù Cát (Bình Định). Cha ông tên Trần Đại Y (còn gọi là Bầu Chi), là học trò xuất sắc của Hậu tổ tuồng Đào Tấn và cũng là chưởng môn đời thứ 4 của môn phái Bình Định Gia. Ngay từ nhỏ, ông Quang đã theo cha đi hát tuồng khắp nơi và được cha truyền dạy võ nghệ. Ngoài ra, ông còn theo học nhiều võ sư nổi tiếng ở Bình Định thời đó, như: ông Xã Đốc, Lý Xuân Tạo, Nguyễn Siềng, Hà Trọng Sơn...
Năm 12 tuổi, Trần Hưng Quang cũng đã học hát tuồng với ông Ấm Bồ, con trai cụ Đào Tấn. Một năm sau, ông Quang đã trở thành kép hát của gánh Phong An. Khi tập kết ra bắc, ông Quang tham gia Đoàn tuồng Liên khu 5 và được nhiều nghệ sĩ tài năng dạy bảo như: NSND Nguyễn Nho Túy, NSND Nguyễn Lai, NSND Phạm Chương... “Sau ngày thống nhất đất nước, NSƯT Trần Hưng Quang công tác tại Đoàn tuồng tỉnh Nghĩa Bình cho đến khi về hưu. Ngoài công tác biểu diễn, ông còn làm công tác truyền nghề cho nhiều diễn viên trẻ, làm nghiên cứu tuồng, minh họa tuồng và võ thuật dân tộc”, NSƯT Nguyễn Gia Thiện nói.
NSƯT Trần Hưng Quang tiếp nhận chức Chưởng môn môn phái Bình Định Gia từ cha mình. Năm 1982, sau khi về hưu, ông Quang mở võ đường môn phái Bình Định Gia ở Hà Nội để truyền dạy võ nghệ.
Dùng tuồng để giữ gìn võ Tây Sơn
“Tương truyền sau khi lên ngôi, vua Gia Long ra lệnh cấm dạy thập bát ban võ nghệ của triều đại thù địch là nhà Tây Sơn (đao, thương, kiếm, kích, búa...), chỉ cho dạy quyền. Để đối phó với lệnh cấm này và để giữ gìn vốn võ cổ truyền của nhà Tây Sơn, nhà võ và nhà hát bội bàn nhau dạy đao, thương, kiếm... trong nghề hát bội. Họ viện lý do là đào kép đóng vai sử dụng binh khí gì thì phải am thạo binh khí đó nên triều đình không thể cấm được. Vì vậy mà Bình Định nổi tiếng về tuồng võ”. (Trích Kịch bản - Hồi ký của nhà nghiên cứu Mịch Quang).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.