Giai thoại - Truyện ngắn của Lê Anh Hoài

21/04/2019 08:44 GMT+7

1. Quán vắng, ngay cổng trường mỹ thuật. Một quán sáng cà phê, trưa cơm bụi, chiều thì vẫn cơm nhưng lại có cả phở và riêng món phở thì kéo đến tận nửa đêm.

Tàn đêm là món xương xẩu, khách quen gọi là “bốc mả”. Tất nhiên không thể thiếu món rượu, rượu cỏ thôi, không ngon nhưng không đau đầu.
Giữa giờ sáng, khách cà phê đã vãn mà khách cơm thì chưa đến. Gã đã ra trường cả chục năm, nhưng vẫn thường quay lại quán. Không phải vì nó rẻ, đồ của quán cũng không có gì đặc biệt, nếu không muốn nói đa số đều tầm tầm. Chỉ vì ở đây có một không khí rất riêng mà chỉ những người đã học ở đây như gã mới cảm nhận được. Trường mỹ thuật lạ ở chỗ, sinh viên đi học thì ngổ ngáo, thấy mình như ông thiên tài, chả coi ai ra gì, kể cả thầy - nhưng ra trường rồi thì vẫn ngầm tự hào về ngôi trường cũ kỹ ấy.
Hai người bạn gã không phải dân mỹ thuật. Họ là một đôi bề ngoài cọc cạch. Chàng trắng trẻo, chải chuốt, trịnh trọng - viết văn và thỉnh thoảng viết mấy bài phê bình gửi cho các tạp chí văn nghệ. Nàng ngăm đen, mặt hơi góc cạnh so với nữ, môi dày nhưng duyên - nghiên cứu ngôn ngữ.
Gã nhìn vơ vẩn về phía cổng trường. Những năm còn học ở đây, không ít lần bọn gã uống nợ, say ở chính quán này rồi về vào nửa khuya. Giờ đó thì cổng đã đóng. Bọn gã nhìn cánh cổng như nhìn một sự cản trở tương lai nghệ thuật. Sự cản trở trông thì bề thế, mà trèo qua không lấy gì làm khó. Nhưng thế thì nhạt quá, bọn gã phải phỉ báng cái sự cản trở ấy bằng cách xếp hàng ngang đái vào cánh cổng…
Bên cạnh gã, câu chuyện chuyển về chủ đề ngôn ngữ đời thường. Nàng mở sổ tay đọc mấy câu thơ, trong lĩnh vực quan tâm của mình, những ghi chép này đầy mấy cuốn sổ, chưa kể những thứ lưu trong máy tính còn nhiều hơn. Câu thơ liên quan đến tiền bạc, ở đây gọi là “xiền”. Nhà ngôn ngữ chú thích lấy nó trong một bài được gọi là “thơ học trò”:
Không đâm hok chém đời hok nể
Hok xiền hok bạc gái hok theo
Gã và chàng trố mắt nghe, được giải thích “hok” nghĩa là “không”. Trong lúc gã đang cảm nhận âm thanh của cái từ kỳ quặc nhưng gợi cảm sinh ra từ thế hệ xì tin thì chàng cau mặt gắt:
“Toàn những thứ linh tinh, vớ vẩn. Những thứ này chỉ như đám bọt bèo nổi lên trên dòng nước chảy cuồn cuộn. Nhanh chóng xuất hiện và lại nhanh chóng biến mất thôi”.
“Nhưng nó có thật, nó đã được sinh ra và có đời sống của nó”. Nàng nhỏ nhẹ. Nàng lúc nào cũng nhỏ nhẹ. Điều này khiến nội dung những lời của nàng cũng nhẹ bẫng, dễ dàng bị bác bỏ, bị quên.
“Nhưng lẽ ra những thứ này sẽ nhanh chóng biến đi như những tàn tro của lớp vỏ cây. Chỉ còn lại ngọn lửa của những thân gỗ già lâu năm. Chính nghiên cứu của em lại nối thêm tuổi cho những thứ đó!”.
Gã giật mình vì trong thanh âm của nhà phê bình, có cái gì đó như kết tội. Một tội lỗi gì rất kinh khủng. Một âm mưu? Một khuynh hướng đồi bại? Một cách tân lố lăng, phá phách?
2. Gã biết sự đe dọa của những thanh âm kiểu này. Hồi còn học trong trường mỹ thuật, gã treo bài của mình lên trần. Thầy giáo trẻ chỉ hơn sinh viên chưa đầy chục tuổi nên hay ra oai. Chắp tay sau đít đi quanh phòng một lượt, gật gật gù gù bí hiểm, thầy to giọng với gã:
“Bài của anh đâu? Hả?!”.
Gã ngửa bàn tay, dùng ngón giữa, chỉ lên trần.
“Ahhhh, anh này láo! Bài anh đâu? Tôi hỏi, bài đâu?”.
“Thưa thầy, em đang chỉ cho thầy vị trí treo tranh của em”.
Lúc đó, thầy giáo trẻ mới giật mình ngước lên. Cả lớp ngước lên theo với sự đồng loạt rất hài kịch. Chúng nó đều chờ đợi giây phút này.
“Tại sao anh lại treo tranh ở trên đó? Tôi không cho phép!”.
Giọng thầy giáo trẻ đã gần lạc đi. Gã lễ phép đến tuyệt đối:
“Thầy có cho phép. Hôm rồi, thầy bảo mọi người tự treo bài lên trong - phòng - này” - vừa nhấn mạnh những chữ cuối, gã vừa khoát tay thể hiện một vùng không gian của căn phòng, không chỉ là những bức tường.
Lúc này thì lũ bạn học đã không còn nhịn được. Những tiếng cười hô hố, ha há của bọn con trai, những tiếng cười phì phì cố bịt lại của bọn con gái. Thầy giáo đỏ bừng mặt rồi thoắt tái mét:
“Anh… Anh bố láo! Tôi… anh sẽ biết tay tôi!”.
Vút nhanh ra cửa. Sầm! Bên trong bùng nổ một trận cười điên dại. Đến mức một số phòng học gần đó không thể tiếp tục, cả thầy cả trò đổ sang mở cửa nhìn như nhìn lũ thần kinh. Trước thái độ ngỡ ngàng, kinh ngạc đó, bọn gã càng phá ra cười.
Trong cuộc họp hội đồng kỷ luật, lão trưởng phòng giáo vụ - quản lý sinh viên phát biểu dài dòng. Nhiều chỗ lão ta dùng cách nói móc xích cái nọ vòng qua cái kia, cộng với việc dùng những từ cực kỳ quý hiếm, gã không hiểu gì luôn. Trong lúc vô cùng hoang mang, lo sợ bị đuổi học, tai lùng bùng câu được câu chăng, gã vẫn thấy rõ sự đe dọa ngầm. Ẩn sâu bên trong những từ ngữ tuôn ra không ngớt, có cái vẻ bề ngoài như thể ân cần tử tế của lão trưởng phòng giáo vụ - quản lý sinh viên, gã thấy một con trăn to lớn đang từ từ cuộn lại, thít chặt lấy mình.
Chính vì vậy, gã trở nên nhạy cảm với kiểu thanh âm đe dọa, kết tội này. Gã nhìn cô bạn đang co rúm người lại, hoảng sợ. Gã mở đường thoát cho cô: “Bọt bèo cũng là một kiếp bọt bèo chứ. Không có vỏ cây thì làm sao có lõi gỗ trăm năm?”.
Nhà văn trịnh trọng lúng túng. Cái não bộ đầy lý luận nghiêm ngắn của chàng không kịp phản ứng với kiểu nói giản dị. Nhà ngôn ngữ học ngồi thẳng lên, cô thở ra.
3. “Mức độ tiêu thụ rượu bia và đồ uống có cồn tăng cao”, một khái niệm nghe rất học thuật, để chỉ cảnh ăn nhậu lu bù khắp thành phố, nhất là vào buổi chiều tối, gần đây lan sang cả buổi trưa, cá biệt có những người nhậu nhẹt từ sáng. Nghe nói thành phố sắp ra một chỉ thị cấm bán bia rượu vào buổi sáng, nhưng làm sao ngăn được một thói quen ăn sâu bén rễ. Cháo lòng tiết canh là một món ưa thích lâu đời của cư dân thành phố, giờ đây phát triển ra khắp các nẻo đường. Ngon bổ rẻ. Mà món này thì không thể thiếu rượu. Đã có ý kiến trên một tờ báo, rằng nên hạn chế cấp phép cho những quán này. Nhưng những quán nhỏ, nằm sâu trong ngõ ngách thì cần gì giấy phép. Mà ác cái, nó lại trở thành một thương hiệu của thành phố và nhiều du khách tâm sự rằng họ nhớ thành phố này chính ở không khí náo nhiệt trong những quán cháo lòng buổi sáng. Đặc biệt, nhiều người nghiện món tiết canh mà lại phải đúng là tiết canh đánh ở nơi đây.
Gã tổ chức triển lãm đúng ngay một quán cháo lòng tiết canh. Đôi bạn cọc cạch Ngữ - Văn đi xem triển lãm của gã. Tác phẩm mang tên “Cỗ Hồng”. Gần đây, gã chán vẽ và chuyển sang làm sắp đặt - môn nghệ thuật mà Tây gọi là installation art. Ngay trong giới, nhiều người cũng dè bỉu. Họ nói, không vẽ được thì mới đi làm những thứ nhố nhăng này. Kệ. Gã thích thì làm thôi.
Gọi là triển lãm nhưng mọi thứ trong quán vẫn diễn ra bình thường. Chủ thực sự ở đây là một mạnh thường quân thường tài trợ cho các hoạt động nghệ thuật. Anh ta có một chuỗi nhà hàng, quán xá đủ loại sang hèn. Quán cháo lòng tiết canh này anh đầu tư cho một cô bồ “khởi nghiệp”. Đó là một “chàng trai 60” như cánh nghệ sĩ thường gọi, một cách vui vẻ và không giấu sự ngưỡng mộ, nhưng cũng không thiếu sự bơm vá lợi dụng. Sáu mươi tuổi - hoặc hơn? Hoặc tự bơm vá chút ít cho có vẻ già? - nhưng anh luôn có những cô bồ ít hơn khoảng 30 tuổi. Và có vẻ như họ đều rất tình cảm với anh, theo cách những con chó con quấn quýt bên con chó mẹ.
Có lần gã trơ trẽn và lì lợm hỏi: “Này, các em sao trẻ thế. Anh định làm một bộ sưu tập à?”. Tay chơi nhà hàng bình thản trả lời: “Trẻ và tao bảo chúng nó phải làm thế nào để trông trẻ hơn nữa. Mà chúng mày đừng có vớ vẩn nhé, khi nào tao bảo là em này xong rồi thì bọn mày mới được nhảy vào!”.
4. Khó mà phân biệt được thực khách bình thường đến ăn ở quán với những khách mời đến xem triển lãm của gã. Điểm chung, họ đều đang quây kín tác phẩm. Đôi tình nhân len lách mãi mới đến gần được để xem. Đó là một mâm cỗ thoáng trông rất truyền thống với các món luộc, xào, ninh, giò chả, rau… Dĩ nhiên không thể thiếu đặc sản của quán là lòng lợn tiết canh.
Vì cỗ nhiều món nên tất cả được bày lên chiếu, trên một chiếc phản chứ không có mâm theo nghĩa đen. Toàn bộ rực lên các sắc độ của màu đỏ. Trừ những món vốn sẵn có màu đỏ như bát tiết canh đỏ ứa, quả ớt đỏ rực, bát canh rau dền nhờ nhờ đỏ, đĩa xôi gấc đỏ cam nhầy nhẫy; điều kỳ lạ là các món còn lại cũng đều được nhuộm đỏ. Từ bát, đĩa, đũa, thìa, hoa văn trên chiếu, thảy đều rung lên các cung bậc của thứ âm thanh không lời mang tên Đỏ.
Tất cả lại được bao phủ bằng ánh sáng của những ngọn đèn rọi màu hồng.
Đôi tình nhân bị hút vào sắc đỏ khủng khiếp. Họ quên mất cả sự hiện diện của bản thân chứ chưa nói đến sự hiện diện của người bên cạnh. Âm thanh ồn ào trong quán như tiếng của chiếc máy hát bỗng nhiên bị một bàn tay thô bạo tắt phụt. Lát sau, khi họ định thần lại được, chàng - nàng nhìn nhau, trên mặt chưa hết vẻ bàng hoàng, họ mới nghe trở lại âm thanh xung quanh.
Trong tiếng ồn ào của đám đông, nổi lên mấy câu:
“Cha này chơi màu hồng lãng mạn ghê, hắn tô hồng mọi thứ. Theo trào lưu xã hội??”.
“Lãng mạn gì? Nhìn ghê chết cha!”.
“À, mấy món kia ăn được không? Hay ăn rồi ngộ độc chết toi?”.
“Bà này hỏi vớ vẩn quá. Đây là tác phẩm nghệ thuật, chỉ cần nhìn thôi, ăn uống gì? Hê hê!”.
“Đã gọi là cỗ thì phải ăn chứ ông? Không thì cỗ gì, cỗ vào mắt à? Hì hì”.
“Ơ, thế có cái không ăn vào miệng nhưng vẫn gọi là “xơi” đấy thôi…”.
Gã đứng điềm nhiên hút thuốc bên ngoài cửa quán. Như thể mọi sự không liên quan gì đến mình.
Gã không trả lời bất cứ câu hỏi nào, kể cả của mấy nhà báo. Chàng nhà văn chờ đợi sự giãi bày của gã, dù sao thì cũng là bạn thân. Nhưng gã cứ lờ đi. Mắt gã rực lên thứ ánh sáng như của kẻ điên. Trong bóng tối nhập nhoạng ở cửa quán, nó như phát ra tia hồng ngoại. Chàng nhà văn nhã nhặn đặt vấn đề:
“Ông diễn giải vài lời. Tôi sẽ viết một bài giới thiệu. Vấn đề rất mới, cần có tiếng nói của nhà phê bình để công chúng tiếp cận…”.
“Vậy thì nhà phê bình tự tiếp cận đi. Ông lại còn là nhà văn nữa, dùng cảm nhận của ông đi”.
Chàng nhà văn lúng túng, bẽ. Biết gã có tính gàn rồi. Nhưng không ngờ gàn đến thế.
Cô nàng hé mở cặp môi dày:
“Em thấy một sự bội thực màu đỏ”.
Gã vẫn lầm lì, nhưng mắt dịu đi những tia hồng ngoại. Đột ngột khoát tay:
“Thôi, đi uống rượu”.
Gã kéo hai người bạn của mình bỏ đi. Đằng sau, “chàng trai 60” và cô bồ chủ quán cháo lòng tiết canh gọi ời ời. Gã mặc kệ.
5. Về chuyện hội đồng kỷ luật thời sinh viên của gã, sau cùng thầy hiệu trưởng phát biểu. Ông nói ngắn gọn, hòa nhã. Tất cả những khuôn mặt đầy căng cứng giãn dần ra. Lão trưởng phòng quản lý sinh viên nhìn lơ láo qua cửa sổ. Kết luận, gã chỉ bị phê bình trước toàn khóa.
Thầy hiệu trưởng ra hiệu cho gã ở lại. Gã cúi đầu chịu trận, thầm nghĩ chắc tiên chỉ lại rao giảng đạo đức. Hiệu trưởng hất hàm khá trẻ trung so với tuổi của thầy, hỏi:
“Cậu biết cậu vớ vẩn không?”.
“Dạ…”.
Gã chới với như vừa bị đá quét trúng chân trụ. Gã chờ đợi một bài đạo đức với nhiều khái niệm lớn lao, sâu sắc mà gã đã ngầm đạp đổ tất. Gã chờ đợi một thái độ ban ơn mà gã hằng căm ghét. Nhưng, ở đây là một từ hoàn toàn bất ngờ: “Vớ vẩn”.
“Cậu biết cậu vớ vẩn ở chỗ nào không? Tôi đang nói chuyện nghề nghiệp với cậu đấy”.
“Dạ??!…”.
“Cậu vẽ trên giá vẽ. Cậu nhìn cái cậu đang vẽ và cái mà cậu nghĩ là tác phẩm theo một chiều không gian. Rồi cậu bắt người xem phải xem tác phẩm của cậu theo một chiều khác. Cậu đã thực sự chuẩn bị một thứ dành cho cách xem ấy chưa?”.
Gã đần ra và câm luôn. Quả thật rất ngu si và lố bịch, chứ không phải là vớ vẩn như thầy hiệu trưởng nói.
6. Sau này, gã nghe chuyện thầy bị gợi ý điều chuyển sang làm chủ tịch hội mỹ thuật. Theo cách nhìn của rất nhiều người trong giới, đó là “được” chứ không phải là “bị”. Vì làm hiệu trưởng trường mỹ thuật, tức là đứng đầu chỉ vài chục giáo viên, công nhân viên. Nếu tính cả sinh viên mấy khóa trong một thời điểm thì cũng chỉ vài trăm. Nhưng làm chủ tịch hội mỹ thuật thì ảnh hưởng vô cùng lớn. Lợi lộc cũng nhiều. Tay chủ tịch hiện tại mua nhà đổi xe chỉ sau có vài năm. Nhưng thầy cương quyết từ chối. Thậm chí khi bị ép quá, thầy đã nhẹ nhàng nhưng dứt khoát: “Đời tôi gắn bó với ngôi trường này rồi. Cũng chỉ một vài năm nữa tôi sẽ nghỉ hưu. Nếu chính quyền thành phố không đồng ý để tôi làm hiệu trưởng, thì tôi xin làm một giáo viên thường”.
Câu chuyện trên nhanh chóng trở thành một giai thoại. Theo thời gian, nó trở thành một huyền thoại.
7. Chuyện gã trêu chọc thầy giáo cũng trở thành một giai thoại.
Một giai thoại vớ vẩn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.