Giải thể trường nghề kém hiệu quả, xây dựng 13 trường chất lượng cao

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
29/06/2019 19:13 GMT+7

Đó là kế hoạch của TP.HCM trong việc sắp xếp, tổ chức lại các trường nghề thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết từ nay đến năm 2020, hệ thống giáo dục nghề nghiệp TP.HCM sẽ được sắp xếp lại theo đề án quy hoạch do Sở LĐ-TB-XH đã trình lên UBND thành phố. Theo đó, trường nghề sẽ tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ của thành phố.
“Đặc biệt, TP.HCM sẽ có thêm 13 trường nghề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao được xây dựng lựa chọn dựa trên các trường hiện có, như CĐ nghề TP.HCM, CĐ Lý Tự Trọng, CĐ Công nghệ Thủ Đức... Mỗi trường sẽ chọn ra một số ngành nghề thuộc 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu và 9 nhóm ngành kinh tế – dịch vụ để đào tạo. Bao gồm cơ khí, tự động hóa, điện tử, điện lạnh, điện công nghiệp, dệt may, vận tải, kho bãi, xuất nhập khẩu…”, ông Lâm chia sẻ thêm.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo tại TP.HCM trong 3 năm qua đã tăng từ 78% vào cuối năm 2017 lên 81% trong năm 2018 và mục tiêu đến năm 2019 là 83%. Cụ thể, đến nay có khoảng 4 triệu lao động trên tổng số hơn 4,4 triệu người đang làm việc đã qua đào tạo.
Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết thêm, việc quy hoạch lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp bao gồm cả việc giải thể các trường trung cấp, CĐ hoạt động không hiệu quả, không tuyển sinh được trong nhiều năm. “Để khắc phục những khó khăn của giáo dục nghề nghiệp, các trường nghề sẽ phải gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, nắm bắt nhu cầu, xác định chỉ tiêu, đưa người học về thực tập thực hành tại doanh nghiệp... nhằm rút ngắn khoảng cách với thực tế. Các trường cũng phải đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để đảm bảo môi trường học tập hiện đại, chất lượng”, ông Lâm nhìn nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.