Giải pháp nào cho giáo dục nghề nghiệp?

09/09/2016 17:27 GMT+7

Chỉ ra những yếu kém trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực từ đào tạo nghề, các chuyên gia đã có những phân tích, đánh giá đa chiều tại hội thảo 'Giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.HCM - thực trạng và giải pháp' sáng 9.9.

Hội thảo do Sở LĐ-TB-XH TP.HCM phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH tổ chức.
Chương trình đào tạo chưa phù hợp
Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, thành viên nhóm tư vấn đề án Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.HCM, cho biết: “Qua khảo sát của nhóm nghiên cứu đề án, doanh nghiệp tại TP.HCM chủ yếu cung ứng được sản linh kiện, phụ tùng được sản xuất với công nghệ đơn giản, giá trị gia tăng thấp, chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu: xuất khẩu linh kiện, phụ tùng phần lớn là do doanh nghiệp nước ngoài thực hiện”.
Từ đó, ông Điền cho rằng, cần thiết lập mô hình thúc đẩy quá trình liên kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng được nhu cầu vận hành hệ thống sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Hiện tại, trình độ nhân lực của doanh nghiệp trong nước chủ yếu từ sơ cấp, trung cấp trở xuống (85%), trong đó lao động phổ thông chiếm tỉ lệ cao.

tin liên quan

Trường trung cấp 'chết' trước thời hạn
Bộ GD-ĐT quy định năm 2016 là thời hạn cuối cùng để các trường ĐH dừng việc tuyển sinh và đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Trên thực tế, nhiều trường ĐH đã bỏ hẳn bậc học này từ trước đó nhưng trường trung cấp vẫn 'không sống được'.

Theo đánh giá của ông Điền, chương trình đào tạo tại các trường nghề thường được thiết kế chủ quan chứ không dựa vào nhu cầu của người sử dụng lao động. “Khi xây dựng chương trình, các cơ sở dạy nghề thường tham khảo chương trình đào tạo lẫn nhau hoặc của các trường trên thế giới mà quên đi điều kiện, yêu cầu kỹ năng đặc thù của các doanh nghiệp. Do đó, kiến thức và kỹ năng của người học sau khi tốt nghiệp không được vận dụng ở thực tiễn doanh nghiệp VN”, ông Điền cho hay.
Về phía doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng lao động tốt nghiệp ở các trường với lĩnh vực đào tạo không hoàn toàn phù hợp, hoặc tuyển lao động phổ thông về rồi tự đào tạo.
Đào tạo chất lượng cao để tránh tụt hậu
Theo số liệu do tiến sĩ Vũ Xuân Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học doanh nghiệp đưa ra, viện dẫn từ khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) về chất lượng nguồn nhân lực, VN chỉ đạt 3,79 điểm trên thang điểm 10, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB. Trong khi đó, Hàn Quốc đạt 6,91 điểm, Ấn Độ, Malaysia và Thái Lan lần lượt đạt 5,76; 5,59 và 4,94.

tin liên quan

Người trẻ chê học nghề
Bất chấp việc hàng trăm ngàn cử nhân đang thất nghiệp, phần đông người trẻ vẫn đổ xô vào bậc đại học, trong khi nhiều nghề có lương tốt, cơ hội việc làm cao lại không có người học.

Chính vì chất lượng thấp, năng suất lao động của VN cũng chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/5 so với Malaysia và 2/5 so với Thái Lan. Theo chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu, được nghiên cứu tại 109 quốc gia (chiếm 83% dân số thế giới và 96,2% GDP toàn cầu), năng lực cạnh tranh của VN chỉ xếp thứ 5 ở Đông Nam Á và xếp thứ 82 trên 109 nước tham gia xếp hạng ở trên.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu tại TP.HCM giai đoạn 2016-2020 đến 2025 gồm cơ khí, Điện tử - công nghệ thông tin, chế biến lương thực thực phẩm và hóa chất nhựa - cao su cần khoảng 45 ngàn lao động/năm.

tin liên quan

Bộ LĐ-TB-XH chính thức quản lý giáo dục nghề nghiệp
Thủ tướng Chính phủ đã ra Nghị quyết về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.2016. Trong đó, Thủ tướng đã chính thức giao cho Bộ LĐ-TB-XH là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, giáo dục nghề nghiệp tại TP.HCM cho rằng những ngành liên quan đến 4 nhóm ngành trên có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, vì vậy các trường nên tập trung đào tạo. Ngoài ra, 9 nhóm ngành dịch vụ như du lịch, y tế, kinh doanh tài sản - bất động sản, thương mại, dịch vụ vận tải - kho bãi - cảng… cũng đang rất phát triển, mỗi năm cần tới gần 100.000 lao động.
PGS-TS Dương Đức Lân, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao là điều mà các nước đã làm từ rất lâu, và là thước đo phát triển kinh tế của họ. Vậy đào tạo như thế nào để có được lao động chất lượng cao? “Muốn vậy, trước tiên mỗi một nghề được đưa vào đào tạo, phải có phân tích, đánh giá để đưa ra bộ tiêu chuẩn nghề. Thậm chí còn phải chính xác đến từng vị trí công việc. Mà việc này phải do doanh nghiệp thực hiện, vì họ là người sử dụng lao động, họ biết nghề đó, vị trí đó yêu cầu những tiêu chuẩn gì, chứ không phải do các giáo viên ở các trường chủ quan đưa vào”, ông Lân chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.