Giải mã việc Trung Quốc điều tra Lệnh Kế Hoạch

02/01/2015 10:02 GMT+7

(TNO) Cuộc điều tra Lệnh Kế Hoạch, nguyên Chánh văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, bề ngoài là một cuộc “đả hổ” trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình, lại tiết lộ nhiều điều về những diễn biến bên trong chính trường Trung Quốc.

(TNO) Cuộc điều tra Lệnh Kế Hoạch, nguyên Chánh văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, bề ngoài là một cuộc “đả hổ” trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình, lại tiết lộ nhiều điều về những diễn biến bên trong chính trường Trung Quốc.
Ông Lệnh Kế Hoạch, nguyên Chánh văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Ông Lệnh Kế Hoạch, 58 tuổi, là “hổ lớn” gần nhất bị nhắm đến trong chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Lệnh từng là Chánh văn phòng Trung ương Đảng dưới thời cựu Tổng bí thư-Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Ngày 22.12.2014, Ủy ban kiểm tra kỷ luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc thông tin ngắn gọn rằng ông Lệnh bị điều tra vì “nghi ngờ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật”, theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông).
Cuộc “ngã ngựa” của Lệnh Kế Hoạch được cho sẽ đi theo một lộ trình khá quen thuộc mà nhiều quan chức cấp cao của Trung Quốc gặp phải khi bị cáo buộc tham nhũng. Đầu tiên là những cuộc điều tra nhằm vào các thành viên gia đình, người thân cận của quan chức. Tiếp theo, vị này bị loại bỏ cùng một thông báo ngắn gọn đến từ cơ quan chống tham nhũng của đảng. Cuối cùng, cuộc điều tra trong đảng biến thành cuộc điều tra tội phạm và bản án tại phiên tòa…., tờ The New York Times (Mỹ) nhận định.
Sau khi thông tin về cuộc điều tra ông Lệnh Kế Hoạch được công bố, nhiều nghi vấn về sự xung đột quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nổi lên, theo South China Morning Post.
Ông Lệnh Kế Hoạch được cho đã buộc phải liên minh cùng Chu Vĩnh Khang Ông Lệnh Kế Hoạch được cho đã buộc phải liên minh cùng Chu Vĩnh Khang - Ảnh: Reuters
Sự sụp đổ của “Bè lũ bốn tên” mới
Lệnh Kế Hoạch cùng với Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang và Từ Tài Hậu bị xem là “Bè lũ bốn tên” (*) mới của Trung Quốc. Trong đó, Chu Vĩnh Khang là cựu Chủ nhiệm Ủy ban Chính pháp trung ương, Từ Tài Hậu là cựu Phó chủ tịch Ủy ban Quân ủy trung ương trong khi ông Bạc Hy Lai là cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh. Ông Lệnh được cho đã gia nhập nhóm 4 người này từ năm 2012 sau khi mất chức Chánh văn phòng trung ương Đảng.
Đầu năm 2012, Lệnh Cốc, con trai Lệnh Kế Hoạch, chết vì tai nạn giao thông trên chiếc siêu xe Ferrari. Trong xe lúc ấy, trên xe còn có 2 người phụ nữ, một khỏa thân hoàn toàn, người còn lại bán khỏa thân, theo South China Morning Post.
Vụ tai nạn làm dấy lên nghi ngờ về cuộc sống xa hoa của con cái các lãnh đạo cấp cao. Sự “sa cơ” bất ngờ sau tai nạn xe hơi của con trai buộc ông Lệnh phải tham gia vào “liên minh” với Chu Vĩnh Khang để chống lại Chủ tịch Tập Cận Bình, trang Want China Times (Đài Loan) cho biết.
Từ Tài Hậu và Bạc Hy Lai - Ảnh: Reuters
Bốn nhân vật trong “liên minh” này cũng được cho đã cài người của mình vào những vị trí quan trọng trong bộ máy từ chính quyền đến tư pháp, từ kinh tế đến quân sự nhằm “chiếm lấy quyền lực sau khi hạ bệ Tập Cận Bình tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 năm 2017”, theo tờ báo Đài Loan.
Tập Cận Bình củng cố quyền lực
“Tập Cận Bình đang trở thành vị lãnh đạo mạnh mẽ nhất của Trung Quốc, chí ít là từ thời Đặng Tiểu Bình”, hãng tin Bloomberg (Mỹ) dẫn lời của Joseph Fewsmith, Giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Boston, Mỹ.
Steven Tsang, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc sống tại Anh, cho rằng cuối cùng Chủ tịch Tập Cận Bình đã đủ tự tin để nhắm mục tiêu “đả hổ” của mình vào thẳng một nhân vật thân cận của người tiền nhiệm (ám chỉ ông Hồ Cẩm Đào – NV).
Ông Lệnh cũng là một trong số những quan chức tiến thân từ Đoàn Thanh niên Cộng sản, tổ chức vốn do ông Hồ Cẩm Đào lãnh đạo. Việc điều tra Lệnh Kế Hoạch sẽ khiến những quan chức cũng xuất thân từ đoàn lo lắng. Họ hiểu mình sẽ là rào cản cho Chủ tịch Tập Cận Bình khi ông này muốn cất nhắc những người thân tín của mình Bộ Chính trị, theo The New York Times.
Quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình ngày càng được chứng tỏ Quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình ngày càng được chứng tỏ - Ảnh: Reuters
“Cuộc điều tra Lệnh Kế Hoạch báo trước những thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo được dự đoán cho đại hội đảng năm 2017”, Giáo sư Fewsmith nhận định.
Vào kỳ đại hội Đảng 3 năm tới, dự kiến sẽ có 5 trong số 7 ủy viên Bộ chính trị “về hưu” do đã quá 68 tuổi, hãng tin Bloomberg cho biết. Và đây là dịp để cơ cấu và thay đổi nhân sự cấp cao trong Bộ Chính trị Trung Quốc. 
“Luật lệ” đã thay đổi
“Không ai an toàn”, đó chính là luật bất thành văn mới trong đời sống chính trị Trung Quốc. Ngày 15.12.2014, chỉ một tuần trước khi thông tin về cuộc điều tra ông Lệnh Kế Hoạch được công bố, ông này có một bài viết đăng trên tạp chí lý luận đảng Cầu Thị và trích dẫn lời ông Tập những… 19 lần, theo chuyên san The Diplomat (Nhật Bản).
Động thái trên là một ám chỉ rõ ràng rằng ông Lệnh Kế Hoạch, người từng thân cận với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, hiện đã dịch chuyển lòng trung thành của mình sang “vị chủ” mới. Hành động trên của ông Lệnh còn nhằm chứng tỏ cho dư luận rằng ông đã “hạ cánh an toàn”, bất kể việc thành viên trong gia đình đang dính đến những vụ bê bối tham nhũng, chuyên san Nhật Bản nhận định.
Chính trị Trung Quốc có một quy luật “bất thành văn” rằng nếu một quan chức đến thăm một cơ quan chính trị, hoặc viết bài đăng trên báo đảng, điều ấy chứng minh rằng anh ta đã “an toàn”. Dù vậy, điều này có vẻ không còn đúng dưới thời ông Tập Cận Bình, chuyên san The Diplomat nhận định.
(*) Bè lũ bốn tên: Một nhóm 4 người do bà Giang Thanh, vợ thứ 4 của cựu Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông, đứng đầu. Nhóm này được miêu tả như một thế lực “phản cách mạng” đã gây ra nhiều thảm kịch thời Cách mạng Văn hóa. Sau khi Mao Trạch Đông qua đời, nhóm này bị bắt vào tháng 10.1976, theo Want China Times.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.