Giải mã từ điển gen Z

28/08/2022 07:09 GMT+7

Trong những cuộc trò chuyện, tin nhắn 'chát chít' của bạn trẻ ngày nay thường không thiếu được những cụm từ như thế này: 'chầm zn', hay 'sin lũi nhé', 'lemỏn nhỉ', 'trmúa hmề', 'mãi mận, mãi keo'…

Nhiều người nói vui với nhau chắc cần phải có từ điển gen Z may ra mới hiểu hết được.

Để cuộc nói chuyện “bắt trend” và gần gũi hơn

Vừa mới mở lời muốn được “phổ cập” ngôn ngữ của gen Z (cụm từ để nói đến nhóm trẻ được sinh trong khoảng thời gian từ năm 1995 - 2012), Đào Đình Đức, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đã dí dỏm nói: “Dạ, khum có j ạ”, tức là “Dạ, không có gì ạ”.

Rồi Đức liệt kê: “Chẳng hạn như “khum” tức là “không” mà cách nói bình thường lại kiểu cứng nhắc nên tụi em dùng “khum” mang vẻ dễ thương để trong trường hợp mình từ chối cũng đỡ căng thẳng hơn. Tụi em cũng hay nói “chầm zn” tức là “trầm cảm”. Vì Zn là ký hiệu hóa học của nguyên tố kẽm và cách dùng “ch” thay vì “tr” cũng một phần làm câu nói dễ thương hơn, nên “chầm Zn = chầm kẽm = trầm cảm” bắt nguồn từ đó”.

Đức cũng chỉ ra một số từ khác các bạn hay dùng với nhau như: “sin lũi - xin lỗi”, theo Đức, dùng “sin lũi” thì nghe vừa dễ thương, dễ động lòng tha thứ hơn. Còn “mlem mlem” là một cách khen món ăn nào đó ngon và cực kỳ ngon.

Gen Z có "ngôn ngữ" riêng

P.u

Hỏi Đức: “Những từ này học từ đâu?”, Đức bảo: “Tụi em học lẫn nhau và thường là từ những trend trên tóp tóp (TikTok). Hầu như bạn trẻ nào bây giờ cũng lướt tóp tóp hết, nên có từ gì trend là học theo, thành ra nói với nhau là hiểu ý nhau hết ấy ạ”.

Nguyễn Thị Hiền Thảo, học sinh lớp 11, Trường THPT Marie Curie, cũng cho biết các bạn rất hay dùng những từ như vậy để nói vui với nhau mỗi khi “chát chít” trên mạng. Thảo kể: “Tụi em thấy bây giờ các cụm từ như này là hot trend luôn. Chẳng hạn như: bất ngờ chưa bà zà, khum, ét ô ét, keo lì, lemỏn, chầm zn, sin lũi, trmúa hmề, ngộ ha, mãi mận mãi keo”.

Hiền Thảo cũng không quên lý giải: “ét ô ét” nghĩa như “SOS” tức là việc gì đó cần cấp cứu, cứu giúp gấp; “keo lì” có nghĩa là “sang chảnh”; “lemỏn” được các bạn dùng với nghĩa là “chảnh” (lemon trong tiếng Anh nghĩa là chanh, thêm dấu hỏi thành chảnh); “trmúa hmề” chính là “trúa hề” (chúa hề) dùng để nói về những người có tính hài hước; còn “mãi mận, mãi keo” tức là nói chuyện mặn mà…

“Phổ cập” ngôn ngữ gen Z cho ba mẹ

Hiền Thảo cũng khẳng định: “Tụi em chỉ nói vui với nhau vậy thôi. Còn em nghĩ thế hệ gen Z tụi em là một thế hệ đổi mới khá nhiều nên sẽ có nhiều điều thú vị và nói chuyện vui cùng nhau nhưng chắc chắn rằng dù là một thế hệ hiện đại nhưng tụi em vẫn luôn giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ tiếng Việt”.

Còn Nguyễn Phương Uyên, sinh viên Trường ĐH Nội vụ Hà Nội (Phân hiệu TP.HCM), thì hài hước kể: “Tụi mình hay dùng những từ như vậy lắm, thường là dùng quen miệng hoặc nhắn tin quen tay. Mà mình thấy dùng như vậy thú vị và khá vui. Tụi mình chỉ dùng mấy từ này khi nói chuyện cùng lứa với nhau chứ cũng không lạm dụng hay sử dụng cho mọi đối tượng. Nhưng nhiều khi lại quen miệng nên cũng hay nói với mẹ, thế là cũng phải phổ cập cho mẹ hiểu mấy từ đó là gì. Mẹ mình nhiều lúc cũng nói chắc phải mua từ điển gen Z về để hiểu”.

Gia đình của Đào Đình Đức còn có một đứa em đang học lớp 8, nên Đức kể: “Lâu lâu 2 anh em nói chuyện với nhau mà mẹ nghe được lại hỏi: “Hai đứa bây đang nói cái gì vậy?”. Hay lúc làm bài thi thì có lúc em thấy cũng có một số bạn trước đây viết tắt vào bài thi, còn giờ là viết tiếng gen Z vào đó luôn, viết xong mới nhớ ra rồi phải sửa lại (cười)”.

Gen Z nói chuyện với nhau bằng những “từ khóa” rất riêng này khiến các bạn thấy dễ thương và gần gũi hơn

P.U

Rất sáng tạo nhưng cũng cần phân định rõ

Chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo, Trưởng bộ môn kỹ năng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, bày tỏ: “Tôi cảm thấy vui vì thế hệ gen Z đang rất khao khát và sáng tạo ra những giá trị rất riêng của các bạn. Các bạn mạnh dạn, dám thực hiện và có những nhu cầu rất căn bản để thể hiện bản thân, cũng như là tạo ra hình ảnh cá nhân của mình trong việc tạo lập những phương thức trong giao tiếp và trong việc khẳng định năng lực của bản thân. Các bạn mở ra lối đi riêng trong độ tuổi và thế hệ mà các bạn đang phát triển”.

Theo chị Thảo ở mỗi thế hệ, mỗi độ tuổi đều có những nét đặc trưng riêng để phân biệt cũng như làm nổi bật giá trị của những cộng đồng đó. Và gen Z ở thế hệ hiện tại, các bạn rất năng động, sáng tạo nên việc thể hiện bản thân mình thông qua những cách thức như vậy cũng rất dễ hiểu. Cùng với nguồn năng lượng rất mạnh mẽ, sự tươi trẻ các bạn luôn tìm kiếm những phương thức khác nhau để có thể nói lên quan điểm sống, cách làm rất khác biệt cũng như khẳng định năng lực của thế hệ mình.

“Mặc dù, điều này không mang lại giá trị nhất định trong sự phát triển chung và đôi khi có một số ý kiến cho rằng sẽ làm ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt, nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta có thể thông cảm, điều này sẽ không ảnh hưởng quá lớn nếu như các bạn phân biệt rõ đó chỉ là cách mà các bạn sử dụng trong thế hệ với nhau, trong giao tiếp đời thường”, chị Thảo nhìn nhận.

Bà Trần Thị Minh Thu, giảng viên Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhìn nhận: “Ngôn ngữ là mã giao tiếp tồn tại trong một cộng đồng mà chúng ta quy ước với nhau để giao tiếp. Thế hệ trẻ cũng là cộng đồng thu nhỏ, các bạn có thể tạo nên những mã ngôn ngữ để giao tiếp với nhau cho vui. Nhưng cho vui thì được, còn nếu ảnh hưởng đến mã giao tiếp chung của toàn cộng đồng thì không được, vì như thế sẽ làm méo mó và lai tạp tiếng Việt. Đừng để cách nói ảnh hưởng đến cách viết và không kiểm soát được”.

Theo bà Thu, nói sao viết vậy sẽ làm sai những quy tắc về chính tả. Trong khi chính tả tiếng Việt rất khắt khe, có những quy luật mà chúng ta phải tuân thủ. Khi dùng từ thì phải đúng âm, đúng nghĩa, đúng hoàn cảnh để sử dụng. Rồi trong lỗi viết câu, câu là đơn vị nhỏ nhất để giao tiếp, câu phải cấu tạo đúng theo ngữ pháp của tiếng Việt và các bạn phải tuân thủ. “Việc sáng tạo ra những mã ngôn ngữ trong một cộng đồng của các bạn để tạo niềm vui, cảm thấy dễ hiểu nhau hơn, đem lại niềm hứng khởi cho nhau là chuyện không sai. Nhưng các bạn phải luôn luôn kiểm soát được và ý thức về việc giữ gìn tiếng Việt như một tài sản văn hóa của dân tộc. Các bạn cũng nên ý thức được sáng tạo cũng phải có khuôn khổ chứ không thể vượt đường biên giới”, bà Thu nhắn gửi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.