Giải mã tập tục thờ cúng Thổ Địa - Thần Tài

21/02/2021 21:59 GMT+7

Ngày nay, việc thờ Thần Tài bên cạnh Ông Địa đã rất phổ biến, từ các đền, miếu, đình, chùa, gia đình đến hàng quán, trụ sở công ty...; cùng với đó là sự đa tạp về các tín lý, các loại tranh tượng thờ.

Có thể thấy, Thổ Địa và Thần Tài được thờ tự khá phổ biến trong các gia đình hiện nay. Các vị gia thần này thân thiết và gần gũi với tín chủ đến nỗi gần như không có một quy thức nào cần phải tuân thủ khi thờ cúng. Để khảo cứu đôi điều về cách thức thờ cúng Thổ Địa - Thần Tài, tập trung vào việc xác định lệ cúng vía, cách thức và lễ vật cúng kiếng…, NXB Văn hóa – Văn nghệ vừa giới thiệu tập sách Thần Đất: Thổ Địa & Thần Tài của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng.

Thần Tài và tín ngưỡng tài lộc

Thật khó xác định được thời điểm chính xác của việc Thần Tài được thờ tự ở xứ ta, nhất là khi Thần Tài được hội nhập vào hệ thống thần bản gia - tức các thần linh bảo hộ cho gia đình và dường như công năng của vị gia thần chủ về tiền tài này vẫn chưa thật sự tách khỏi tín lý phồn thực của Thổ Địa (Ông Địa) - một gia thần vốn có công năng phò cho gia chủ được mùa, giàu có.

Tượng Thổ Địa - Thần Tài

Ảnh: Từ sách

Cuối thế kỷ XIX, sự phân biệt giữa thần Đất (Thổ Thần) và Tài Thần vẫn chưa thực sự rõ rệt. Trong Đại Nam quốc âm tự vị (xuất bản 1895), tác giả Huỳnh Tịnh Của cắt nghĩa Thổ Thần và Tài Thần đều là: “Thần đất, thần giữ tiền bạc”. Sự nhập nhằng xem ra vô lý này lại được thực tế công nhận: người ta thường thờ chung Ông Địa và Thần Tài cùng một chỗ và cứ như hai vị thần này là một cặp đôi không thể nào tách rời được. Hiện tượng phổ biến này có nguồn gốc tín lý cổ xưa về Thần Đất - có hai công năng: một là bảo hộ cho một diện tích đất đai nào đó (nền nhà, vuông vườn, xóm ấp...) và hai là nguyên lý sinh sản (hoa màu, nông sản...) của đất theo tín lý phồn thực. Nói cách khác, Thổ Địa cũng làm cho chủ nhà phát đạt, giàu có (được mùa, bội thu...). Đó là tín lý của thời nông nghiệp còn là hoạt động sản xuất chính yếu. Nhưng về sau, kinh tế hàng hóa phát triển, thương nghiệp và doanh nghiệp càng lúc càng có vị trí quan trọng trong hoạt động kinh tế thì tiền, vàng là dấu hiệu của sự giàu có, chứ không phải là “lúa thiên, ruộng mẫu” thì con người cần một hình tướng mới chuyên trách cho việc phát tài: ông Thần Tài.
Theo tác giả, tín niệm tương sinh của ngũ hành “Thổ sinh Kim” cũng cung cấp một tín lý về việc coi Thổ Địa là một tài thần, mà câu liễn thờ Thổ Địa phổ biến sau đây là một ví dụ về tín niệm này:
Thổ năng sinh bạch ngọc
Địa khả xuất hoàng kim.
(Đất hay sinh ngọc trắng
Địa có thể nảy vàng ròng)
Ở loại tranh Đông Hồ, theo công bố của nhà nghiên cứu Marcus Durand vào khoảng năm 1960, có bức tranh Tăng Phúc Thần Tài. Đây là bức tranh thuộc bộ sưu tập của trường Viễn Đông Bác Cổ thực hiện và được triển lãm lần đầu vào năm 1946. Tức bức tranh này có thể xuất hiện trước năm 1946.

Thần Tài dạng Ông Thọ, tay ôm bó lúa; tay xách xâu tiền

Ảnh: Từ sách

Ở Nam bộ, việc thờ Thần Tài xuất hiện vào thời điểm nào đến nay cũng không có tư liệu xác thực, ngoài chứng liệu từ bài thơ Vịnh Thần Tài của ông Đồ Sáu Mới/Võ Văn Tân (1864 - 1927) hồi đầu thế kỷ XX. Thần Tài xứ ta là một vị thần ý niệm, biểu trưng cho tiền tài, sự giàu có. Còn xét về hình tướng, chúng ta dễ nhận ra ông Thần Tài xứ ta về cơ bản giống Thổ Địa Phước Đức chính thần của người Hoa, chỉ khác là một tay vuốt râu và tay kia cầm xâu tiền điếu (hay thoi vàng xuồng). Đây là hình tướng Thần Tài phổ biến nhất. Kế đó là loại Thần Tài tay ôm bó bông lúa, tay cầm xâu tiền điếu; hoặc tay cầm bó bông lúa, tay vuốt râu. Cá biệt cũng có loại Thần Tài giống ông Thọ (trong bộ Phúc - Lộc - Thọ) với đầu hói đặc trưng, tay cầm quạt ba tiêu, cổ đeo xâu tiền điếu quanh bụng, dài quá rốn...

Thờ cúng và lễ vật

Ngày nay, lệ vía Thần Tài vẫn có theo “lịch lễ”, song đa số việc cúng kiến các thần này rất tự do. Sáng sáng mở cửa hàng, người ta thắp hương, cúng Thổ Địa - Thần Tài ly cà phê, điếu thuốc, cái bánh bao hoặc gói xôi. Rằm, mồng một cúng chè, chuối, trái cây theo lệ sóc vọng hay tuần tiết; lễ trọng hơn cúng “tam sênh” (tam sanh/sinh) hoặc thịt heo quay; sau khi đạt được một kết quả tài chính nào đó nên biện lễ tạ thần… Nói chung, không theo lịch lễ nào, cũng chẳng chú tâm gì đến lễ vật và cũng không cần thiết phải khấn vái gì. Đó là sự thay đổi khác với tập tục cũ.

Lệ vía Thần Tài vẫn có theo “lịch lễ”, song đa số việc cúng kiến các thần này rất tự do

Ảnh: Từ sách

Nhìn chung, như lý giải của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, tín ngưỡng Thổ Địa - Thần Tài là một tổng hợp thể của nhiều tín lý và những biện sự thế tục; do vậy cách thức thờ tự, cúng kiến cũng pha trộn đạo đời lẫn lộn, và chính sự biến hóa sinh động ấy mà tín ngưỡng này phù hợp với yêu cầu của thế nhân từ lúc còn “dĩ nông vi bản” đến thời “kinh tế thị trường”.
Về ngày vía Thần Tài này, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng chia sẻ thêm: “Sở dĩ, người dân mình thường hay chọn mùng 10 tháng Giêng là ngày vía Thần Tài vì muốn gửi gắm ước mong và niềm tin vào tiền tài sẽ sinh sôi nảy nở với sự phấn đấu làm ăn kinh tế trong năm mới. Thường thấy người kinh doanh hay mua vàng trong ngày này, niềm tin mua vàng hy vọng về một năm sẽ làm ăn phát đạt. Niềm tin này cần được đặt ở chánh tín, đặt vào ngày mai tươi sáng hơn. Cuộc sống vốn luôn tồn tại niềm tin và hy vọng vào ngày mai tươi sáng hơn. Dĩ nhiên, ước muốn cần luôn đi kèm với phấn đấu làm việc không ngừng”.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.