Giải mã sức mạnh tuyển Anh: Có 1 Tam sư xù xì tại EURO 2020!

05/07/2021 08:38 GMT+7

Đội tuyển Anh trở lại vòng bán kết của EURO sau 25 năm bằng một chiến thắng tưng bừng trước Ukraine, với tỷ số cách biệt nhất của vòng tứ kết. Nhưng điều đặc biệt là sau chiến thắng đậm đà này, người ta vẫn chưa thể nhìn thấy hết sức mạnh của Tam Sư.

Thi đấu nhẹ nhàng, không bung hết sức, tuyển Anh cũng ghi được tới 4 bàn vào lưới của Ukraine. Thay một loạt cầu thủ chủ lực để tránh thẻ phạt, Tam Sư vẫn đầy đủ lực lượng để áp đảo đối thủ. Có cảm giác như sức mạnh thực sự của tuyển Anh vẫn đang được giấu kín ở đâu đó, hoặc họ đang ém sức cho chặng đua cuối cùng.

Giấu bài hay tiết kiệm thể lực ?

Tuyển Anh là một trong những đội... lười chạy nhất EURO lần này. Họ chưa lần nào phải đá hiệp phụ và trung bình mỗi trận các cầu thủ Anh chỉ di chuyển khoảng 104,9 km, trong khi con số tương tự của Đan Mạch là 105,20, Ý 117,39 (1 trận phải đá hiệp phụ); của Tây Ban Nha là 124,60 km (2 trận 120 phút). Và trong tất cả những trận đấu đã qua, Anh đều có chung kịch bản là ghi bàn thắng trước, sau đó chơi chắc chắn, rình rập. Ăn bàn thêm được thì sẽ ăn, không thì đá cầm chừng, giữ nhịp và chờ hết giờ. Đó là lối chơi tưởng chừng đơn giản nhưng lại đang giúp Tam Sư giành chiến thắng tới 4 trận, hòa duy nhất 1 trận trước Scotland, ghi được 8 bàn thắng và đặc biệt là chưa để thủng lưới lần nào. Từ đầu giải, hàng phòng ngự Anh cũng chỉ để đối thủ dứt điểm trúng khung thành Pickford 8 lần.
Với người Anh, nhiệm vụ trước mắt sẽ là kết thúc câu chuyện cổ tích của những chú lính chì Đan Mạch và sau đó hướng đến trận chiến cuối cùng. Đó là nhiệm vụ không đơn giản, nhưng với sự cầu thị và quyết tâm của đội tuyển Anh, cùng với những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, hy vọng đội tuyển Anh sẽ đạt được mục tiêu số 1 của mình ở mùa giải này. Đó là lời của bài hát: “Football coming home...”... Người Anh đang mang bóng đá trở về nhà.
Thực ra, Anh chạy ít là do họ kiểm soát trận đấu tốt và bắt đối thủ phải cuốn theo lối chơi của mình. Ngay cả đội tuyển Đức hùng mạnh với khả năng kiểm soát bóng và tấn công biên siêu hạng cũng không thể áp đảo và ép Anh chơi theo cách của mình. Ở trận đấu đó, Anh chủ động chơi chậm, chắc và tăng tốc ở từng thời điểm. Và chính những pha bóng thay đổi nhịp điệu, tăng tốc đột biến của Sterling, Luke Shaw, Grealish đã khiến người Đức ôm hận.
Hay trận gặp Ukraine, cũng là một trận Anh có lợi thế rất sớm với bàn mở tỷ số của Kane ngay phút thứ 4. Với thực lực của mình, tuyển Anh có thể tiếp tục tấn công và tiêu diệt đối thủ ngay từ hiệp 1. Nhưng không, các học trò của Gareth Southgate vẫn đủng đỉnh, chuyền qua chuyền lại ở khu vực giữa sân và sân nhà, không dâng cao đội hình và cũng không tăng tốc. Thỉnh thoảng mới có 1, 2 tình huống đột biến của J.Sancho hay Sterling và những lần chồng biên chớp nhoáng của L.Shaw.

Chồng biên cánh trái và tận dụng tình huống cố định

Đó là những vũ khí lợi hại nhất của đội tuyển Anh tại EURO lần này. Trong số 8 bàn thắng của tuyển Anh thì có 2 bàn từ tình huống tấn công trung lộ, 2 từ tình huống cố định và có tới 4 bàn đến từ những pha chồng biên hoặc khoét sâu đáy biên trái, theo hướng tấn công của tuyển Anh. Trong đó nổi bật là Luke Shaw với nhiều lần chồng biên tạt chính xác cho Kane và Sterling ghi bàn, là Grealish với những tình huống khoét sâu đáy biên trái và tạt chính xác cho tiền đạo dứt điểm cận thành.
Tất cả những tình huống đó đều là những pha cắt bóng chuyển đổi hoặc chủ động kiểm soát bóng nhưng đều là những lần di chuyển, phối hợp, tăng tốc ở nhịp độ cao, mang tính đột biến rất tốt. Điều đó khiến hàng thủ đối phương biết nhưng không kịp phản ứng, hoặc phản ứng rất chậm. Trong những pha phối hợp đó có nỗ lực tăng tốc của từng cá nhân, sự hiểu ý đến từng nhịp di chuyển. Chẳng hạn cú đánh gót vừa tầm của Sterling để Shaw băng lên và bấm 1 chạm cực ngọt đúng đầu Kane, hay những cú thả vừa tầm để Grealish băng lên đảo chân và bấm bóng vừa điệu nghệ, vừa chuẩn xác. Đó cũng là một vũ khí sở trường của tuyển Anh và rất có thể sắp tới nó sẽ được mở rộng sang cánh phải, khi tuyển Anh có sự hiện diện của những cầu thủ tốc độ và có kỹ thuật cá nhân khéo léo như Sancho, Foden, Saka...

Lịch thi đấu 2 trận bán kết

2 giờ ngày 7.7: Ý - Tây Ban Nha.
2 giờ ngày 8.7: Anh - Đan Mạch.
Trận tứ kết gặp Ukraine cũng đã cho thấy tuyển Anh khôi phục được phần nào sức mạnh tấn công thông qua những tình huống cố định. Những cú tạt bóng chính xác và những pha bật cao đánh đầu không thể cản phá của Maguire, Henderson đã giúp tuyển Anh quyết định trận đấu một cách dễ dàng. Ở World Cup 2018, tuyển Anh có tới 8 bàn thắng đến từ những tình huống cố định. Trong đó có những pha không chiến của Stone và những cú đá 11 m sắc lẹm của Kane. Năm nay Stone mới 1 lần đánh đầu trúng cột dọc trong trận Scotland, còn Kane thì chưa có cơ hội để đá quả pen nào. Đó rất có thể sẽ là những tình huống xuất hiện trong chặng đường sắp tới.
Ngoài ra, những cú sút xa cũng sẽ là “họng súng trong tay áo” của HLV Gareth Southgate. Bởi ông sở hữu rất nhiều cầu thủ có thể dứt điểm từ xa ấn tượng: Bộ đôi tiền vệ trung tâm Rice - Phillips với những cú nã đại bác tầm xa, Walker với những lần dâng cao bất ngờ bên phía cánh phải, gần hơn một chút thì có những cú cứa lòng của Sancho, Sterling, Kane hay Foden. Thậm chí Grealish vào sân từ băng ghế dự bị cũng có thể sẽ là giải pháp đột biến cho khoảng thời gian hiệp 2.
Đúng là xem đội tuyển Anh thi đấu thì khó có thể gọi đó là những màn trình diễn mãn nhãn. Ở đó không có những pha đan lát, thêu hoa dệt gấm như của Tây Ban Nha, không có lối chơi tấn công rực lửa của cơn lốc Thiên thanh và cũng không có những pha bóng giàu cảm xúc như của Đan Mạch. Chỉ có một tuyển Anh xù xì gai góc, một tập thể đoàn kết, biết mình biết người và đặc biệt kiên định với lối chơi của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.